Thứ 6, 29/03/2024 14:47:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 13:59, 17/09/2014 GMT+7

Hiệu quả từ những câu lạc bộ giúp nhau phát triển kinh tế

Thứ 4, 17/09/2014 | 13:59:00 92 lượt xem
BP - Khoảng 10 năm trước, đời sống người dân xã Thanh Lương (TX. Bình Long) gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa phù hợp. Nhờ có những cách làm sáng tạo, Hội liên hiệp phụ nữ xã đã giúp nhiều hội viên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Câu lạc bộ giúp nhau phát triển kinh tế

Năm 2007, câu lạc bộ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình được nhiều hội viên phụ nữ xã Thanh Lương tham gia. Đây là nơi tập hợp những hội viên phụ nữ ấp Thanh Thiện có nhu cầu tiết kiệm tiền hoặc vay vốn sản xuất. Câu lạc bộ hoạt động theo hình thức: 1 thành viên đóng 500 ngàn đồng/suất/tháng (không hạn chế số suất đóng góp) giúp 3 người được nhận tiền (6 triệu đồng/lần), ưu tiên chị em có hoàn cảnh khó khăn hoặc bệnh đột xuất nhận trước.

Nhờ tổ tương trợ vốn, bà Nguyễn Thị Thắng đã có việc làm nuôi con ăn học

Chị Nguyễn Thị Sen, Chi hội trưởng phụ nữ ấp Thanh Thiện kể: “Năm 2002, vốn đầu tư vào cây tiêu của gia đình bị mất trắng vì tiêu chết hàng loạt, tôi ôm số nợ hơn 70 triệu đồng. Tự thấy mình cũng như nhiều gia đình khác trong ấp đang thiếu vốn sản xuất nên tôi đề nghị thành lập câu lạc bộ này. Trong lúc kinh tế khó khăn, ý kiến trên bị hoài nghi nhưng tôi vẫn mạnh dạn vận động thành lập câu lạc bộ và giao cho người có kinh tế khá nhất quản lý. Đến năm 2005, kết hợp nguồn vốn của câu lạc bộ và vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội dành cho phụ nữ nghèo (5 triệu đồng), tôi bắt đầu vực dậy kinh tế, trả hết nợ. Dần dần cách làm của tôi được chị em trong ấp ủng hộ”.

 Bà Nguyễn Thị Thanh ở tổ 9, ấp Thanh Thiện cũng tham gia câu lạc bộ từ ngày đầu thành lập. Nay con trai lớn đã có việc làm, con gái chuẩn bị tốt nghiệp đại học, kinh tế dần ổn định nhưng bà vẫn đóng 2 suất, trước là để tạo điều kiện giúp đỡ chị em khó khăn, sau để dành tiền phòng khi cần đến.

Nhận thấy đây là cách làm hay, có thể vay vốn không lãi nên nhiều hội viên trong ấp đã tham gia, đến nay câu lạc bộ đã có 56 thành viên. Để dễ dàng quản lý, mô hình được chia thành 3 nhóm: 1 câu lạc bộ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình (25 thành viên) và 2 tổ tương trợ vốn (17 và 14 thành viên). Hình thức hoạt động của 3 mô hình này như nhau và cùng chung 1 ban điều hành.

Hộ bà Nguyễn Thị Thắng ở tổ 6, ấp Thanh Thiện thuộc hộ nghèo, bị bệnh nặng, kinh tế gia đình luôn thiếu thốn. Bà Thắng cho biết: “Nhờ tham gia tổ tương trợ vốn và các nguồn vay của hội tôi đã nuôi 4 người con ăn học, dành được tiền để chữa bệnh. Trong thời gian bệnh nặng, tôi còn được chi hội mua tặng thẻ bảo hiểm y tế. Hiện bà Thắng đã thoát nghèo.

Giải quyết việc làm cho phụ nữ nghèo

Mặc dù công tác hội những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, song vẫn còn nhiều hội viên, đặc biệt hội viên dân tộc thiểu số không có việc làm. Từ trăn trở đó, chị Sen đã tiên phong giải quyết việc làm cho hội viên phụ nữ. Đầu năm 2013, chị đầu tư 10 máy tách hạt điều, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động ở các ấp Thanh Bình, Thanh Hòa, Thanh Thiện. Những phụ nữ có con nhỏ hoặc bệnh tật không tiện đi lại, chị cho mượn máy (2 máy) và nhận hàng về làm tại nhà. Hiện cơ sở của chị duy trì cho lao động có việc làm quanh năm, tạo thu nhập từ 2,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng.

Tương tự, chị Đoàn Thị Hồng cũng mở cơ sở bóc tách hạt điều, tạo thu nhập cho đa số phụ nữ người Xêtiêng ở ấp Thanh Thịnh. Chị Hồng cho biết, cơ sở mới thành lập (đầu năm 2014) nên còn khó khăn. Hiện chị rất cần thêm vốn để nhập hạt điều thô, đảm bảo hàng cho công nhân làm việc thường xuyên.

Bà Đặng Thị Liên, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ xã Thanh Lương cho rằng, không những tự vươn lên làm giàu mà chị Sen, chị Hồng còn hỗ trợ phụ nữ trong ấp và các ấp lân cận có việc làm, thu nhập thường xuyên, giúp chị em vươn lên ổn định cuộc sống.

Thanh Phương

  • Từ khóa
37765

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu