Thứ 5, 25/04/2024 07:33:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:42, 13/09/2018 GMT+7

Hiệu quả từ một cơ chế đặc thù

Thứ 5, 13/09/2018 | 09:42:00 174 lượt xem

BP - Những năm qua, với sự hỗ trợ tích cực từ các bộ, ngành ở Trung ương và bằng tinh thần chủ động, sáng tạo của địa phương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước đã đạt nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Một trong những điểm sáng về tính năng động, sáng tạo là cơ chế đặc thù xây dựng giao thông nông thôn đã và đang được Bình Phước thực hiện hiệu quả. Qua đó, hạ tầng nông thôn Bình Phước ngày một hoàn thiện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh ta không ngừng nâng cao.

Trước đây, ngoài 2 tuyến quốc lộ đi qua với chiều dài gần 200km, hầu hết trong số 4.800km đường tỉnh, huyện, xã là đường đất và xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, các tuyến đường thôn, liên thôn và các khu dân cư đều “nắng bụi, mưa lầy”. Do hạ tầng giao thông yếu kém nên sản phẩm nông nghiệp do nhân dân làm ra khó tiêu thụ và bị tư thương ép giá. Để thúc đẩy phát triển hạ tầng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách thu hút đầu tư về xây dựng hạ tầng giao thông, trong đó có việc kêu gọi các tỉnh, thành hỗ trợ xây dựng đường giao thông. Nhiều tuyến đường như Bom Bo - Đắk Nhau được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hỗ trợ; đường Đa Kia - Thanh Hòa được Nhà máy thủy điện Cần Đơn trợ giúp; cầu nối hai xã Long Bình - Thanh An được thủy điện Srok Phu Miêng xây dựng... Cũng nhờ có sự đầu tư của doanh nghiệp mà các tuyến như quốc lộ 13, 14, Đồng Xoài - Phước Long... đã được nâng cấp, kết nối với các vùng, miền trong tỉnh, tạo thành chuỗi liên hoàn về giao thông và thông thương hàng hóa. Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 679/QĐ-UBND ngày 7-4-2014 về áp dụng cơ chế đặc thù đầu tư các công trình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2014-2020. Theo đó, các xã, thị trấn... trên địa bàn có nhu cầu làm đường giao thông nông thôn, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ xi măng; huyện, thị xã đối ứng cát, đá; người dân góp công thực hiện. Từ chủ trương này, các huyện, thị trong tỉnh đã phát triển mạnh phong trào làm đường giao thông nông thôn. Trước năm 2014, toàn tỉnh hầu như chưa có tuyến đường nào bằng bê tông xi măng thì chỉ sau 1 năm thực hiện cơ chế đặc thù, nhân dân Bình Phước đã làm được 111,23km đường này. Đến năm 2017, toàn tỉnh đã làm gần 500km. Năm 2018, Bình Phước tiếp tục hỗ trợ khoảng 60.000 tấn xi măng để các huyện, thị xây dựng giao thông nông thôn theo cơ chế đặc thù và cấp cơ sở đã tiếp nhận gần 48.000 tấn. Nhờ cơ chế đặc thù mà hệ thống giao thông đã tạo thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển nông sản của người dân. Diện mạo nông thôn Bình Phước đang thay da đổi thịt, tốc độ đô thị hóa ở vùng nông thôn diễn ra khá nhanh. Đồng thời xóa bỏ khoảng cách vùng, miền và thu hút nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại vùng sâu, xa của tỉnh - nơi có nguồn nguyên liệu dồi dào.

Từ thành công này, Bình Phước đang mở rộng đầu tư các hạng mục công trình như phòng học, nhà văn hóa, cầu, cống, vỉa hè, sân trường, trụ sở, trạm y tế... bằng cơ chế đặc thù và đã nhận được sự hưởng ứng rất cao của người dân. Như vậy, nhờ cách làm sáng tạo, Bình Phước đã có hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tấn Phong

  • Từ khóa
108953

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu