Thứ 5, 28/03/2024 20:39:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:39, 18/12/2015 GMT+7

Hiệu quả từ cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”

Thứ 6, 18/12/2015 | 06:39:00 2,977 lượt xem
BP - Năm 2012, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2012-2020. Thực hiện cuộc vận động này, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 4-3-2013 để triển khai trong toàn tỉnh. Sau 3 năm thực hiện, phong trào thể dục - thể thao (TDTT) trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển sâu rộng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia.

Giải bóng chuyền các khối phòng giáo dục và trường THPT do Sở GD-ĐT tổ chức

Thực hiện Kế hoạch số 36, UBND tỉnh đã tổ chức lễ phát động Ngày chạy Olympic từ năm 2013 và từ đó trở thành hoạt động truyền thống hằng năm. Ngày chạy Olympic đã thu hút trên 60 ngàn người ở 111 xã, phường, thị trấn tham gia. Song song đó, công tác tuyên truyền được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể trong tỉnh tổ chức các giải thể thao, lớp huấn luyện nghiệp vụ TDTT cơ sở nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho nhân dân. Trong học sinh, sinh viên, việc rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ được triển khai tích cực qua chương trình giáo dục thể chất trong trường và hoạt động ngoại khóa. Hội khỏe Phù Đổng và Đại hội TDTT học sinh được tổ chức luân phiên hằng năm, tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh trong tỉnh, giúp rèn luyện thân thể, nâng cao sức khỏe, tránh xa tệ nạn xã hội, từ đó hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập. Các hoạt động ngoại khóa được tổ chức đa dạng bảo đảm phát triển toàn diện nhân cách. Hiện toàn tỉnh có 100% trường phổ thông thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục thể chất nội khóa và hoạt động TDTT ngoại khóa đạt 70%.

Đến nay, việc xây dựng công trình, thiết chế TDTT phục vụ rèn luyện thân thể cấp tỉnh đã xây dựng được 2 sân vận động, 4 sân tennis, 1 nhà tập thể thao đa năng, sân tập cho các môn bóng chuyền bãi biển, bóng đá, cầu mây, bóng rổ, 1 nhà tập thể thao dành cho các môn teakwondo, boxing, silat... Cấp huyện, 11 huyện, thị xã đã thành lập trung tâm văn hóa - thể thao và xây dựng được 4 nhà thi đấu thể thao đa năng, 1 nhà tập thể thao đa năng, 5 sân vận động có khán đài. Ngoài ra, các huyện còn tận dụng khoảng không gian trống trong khuôn viên trụ sở, đơn vị để làm sân bóng chuyền hoặc cho các cơ sở kinh doanh đầu tư làm sân bóng đá mini. 18/111 xã phường, thị trấn thành lập trung tâm văn hóa - thể thao, 94 sân bóng đá, 279 sân bóng chuyền. Bên cạnh đó còn có 80 câu lạc bộ TDTT như quần vợt, bóng đá, bóng bàn, cầu lông, thể dục thể hình, dưỡng sinh và hàng trăm công trình thể thao được xây dựng theo mô hình xã hội hóa. Trong đó có 100 sân bóng đá, 91 sân quần vợt, 50 bể bơi, hàng chục câu lạc bộ thể dục thể hình, thể dục thẩm mỹ... hoạt động tốt, thu hút nhiều người tham gia.

Nhiều hoạt động TDTT được tổ chức đa dạng, phong phú và diễn ra sôi nổi từ cấp tỉnh đến cơ sở, từ đó phong trào TDTT đã thực sự đi vào đời sống xã hội. Toàn tỉnh đã có 27% số dân trên tổng dân số tập luyện TDTT thường xuyên (tăng 3,8% so với năm 2013) và số gia đình tập luyện thể thao là 15% trên tổng hộ dân. Phong trào TDTT ở cơ sở gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tạo bước phát triển mới, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp, ngành. Đặc biệt phong trào TDTT trong người cao tuổi, người khuyết tật, thanh thiếu niên, học sinh, lực lượng vũ trang của tỉnh đã phát triển bền vững.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, cuộc vận động đã mang lại nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn những hạn chế. Cụ thể là phong trào TDTT mới được phát triển mạnh ở khu vực đô thị. Các thiết chế thể thao cơ bản như sân vận động, nhà thi đấu đa năng, hồ bơi... từ tỉnh đến cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Sân vận động của các huyện, thị xã chủ yếu vẫn nằm trên diện tích quy hoạch, chưa được đầu tư làm mới. Khu thiết chế thể thao, sân vận động, sân bóng đá cấp xã chủ yếu được tận dụng từ khoảng không gian trống để hoạt động nên hình thức rất thô sơ và không được chăm sóc thường xuyên nên xuống cấp.

Ở một số huyện, thị xã đã quy hoạch được quỹ đất dành riêng cho các hoạt động TDTT nhưng kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện và thi đấu còn thiếu và hạn chế. UBND tỉnh đã xây dựng nhiều văn bản tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào các tổ chức TDTT. Thế nhưng tiến độ xã hội hóa các công trình thể thao còn chậm so với tiềm năng.

Từ thực tế trên cho thấy, để phong trào TDTT phát triển rộng khắp, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, rất cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, công tác tuyên truyền, giáo dục để nhân dân tự giác tập luyện thường xuyên phải được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm.

Thanh Thúy

  • Từ khóa
1931

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu