Thứ 7, 20/04/2024 01:56:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 06:13, 13/03/2018 GMT+7

Hiệu quả quản lý học sinh ở Trường PTDTNT tỉnh

Thứ 3, 13/03/2018 | 06:13:00 475 lượt xem

BP - 6 năm liền trường có tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT 100%; hằng năm trên 98% học sinh hạnh kiểm khá, tốt; trên 60% học lực khá, giỏi; đậu vào các trường cao đẳng, đại học và các phong trào thi đua luôn trong top đầu tỉnh. Đó là những con số ấn tượng của Trường phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) THPT tỉnh. “Những thành tích trường đạt được một phần nhờ cách quản lý nền nếp, giáo dục đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường” - thầy Dương Minh Châu, Hiệu trưởng chia sẻ.

Uốn nắn từ đầu vào

Thầy Châu cho biết, theo quy định mỗi năm trường được tuyển 120 học sinh, trong đó 60% học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ, 35% dân tộc khác, 5% học sinh người Kinh vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Không phải cứ học sinh học xong lớp 9 là tuyển vào trường mà phải qua xét tuyển và 2 năm trở lại đây là qua thi tuyển trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, dù bằng hình thức nào thì chất lượng đầu vào vẫn rất thấp và không đồng đều giữa các dân tộc, vùng miền. 100% học sinh từ năm đầu tiên vào trường ăn, ở ký túc xá nên sinh hoạt hằng ngày của các em bị tác động. “Một số em từng học nội trú ở các huyện, thị thì còn đỡ, nhưng học sinh các trường THCS khác khi mới chuyển lên do xa nhà, xa người thân, mọi thứ đều lạ lẫm nên những ngày đầu tựu trường cứ nằng nặc đòi về. Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm đã phải nhiều lần phối hợp phụ huynh động viên các em. Nhiều em ở lại yên tâm học tập, nhưng cũng không ít học sinh rút hồ sơ về trường gần nhà” - thầy Châu chia sẻ.

Học sinh Trường phổ thông DTNT THPT tỉnh trong giờ học tiếng Anh

Giữ được học sinh ở lại trường đã khó, để các em bắt nhịp được cuộc sống ở môi trường mới càng khó hơn. Học sinh của trường gồm 16 thành phần dân tộc với lối sống, sinh hoạt khác nhau nên để các em thực hiện đúng nội quy, quy chế chung của trường cần có thời gian. Từ tác phong đi đứng, ăn mặc, phát ngôn, chào hỏi, sinh hoạt hằng ngày, vệ sinh môi trường... đều được tất cả cán bộ, giáo viên, kể cả nhân viên nhà bếp uốn nắn, chỉ bảo mọi lúc, mọi nơi. Cái khó nữa là học lực của học sinh đầu cấp thấp, vì qua thi khảo sát hoặc test (thử) đối với học sinh lớp 10 thì thấy điểm thi của nhiều em yếu, kém, mất căn bản môn học, nhất là các môn Văn, Toán, Lý, Hóa, Sinh, tiếng Anh. Sau khi đánh giá được năng lực học của từng em, nhà trường lập thời gian biểu cho việc học tập của học sinh theo chương trình đã được “lập trình” sẵn. Ngoài thời gian học chính khóa vào buổi sáng, buổi chiều các em sẽ được giáo viên phụ đạo hoàn toàn miễn phí, yếu môn nào sẽ được kèm sát môn đó. Nhà trường hướng dẫn các em hình thành tổ, nhóm học tập, bạn khá, giỏi chỉ bạn yếu, kém. Với quyết tâm của thầy và trò nên sau một học kỳ đầu cấp hầu hết các em được củng cố kiến thức và cơ bản bắt được nhịp.

Tạo môi trường tốt nhất cho học sinh vươn lên

PTDTNT THPT tỉnh là trường chuyên biệt, vì thế học sinh ở đây được miễn phí hoàn toàn học phí, ăn ở, đồng phục, vui chơi, thể thao... Theo quy định, học sinh học lực khá được hưởng 20% mức lương cơ bản/tháng, học lực giỏi 25%/tháng và xuất sắc được hưởng 30%/tháng, vì thế tạo động lực cho các em phấn đấu vươn lên học tập tốt. Những em hoàn cảnh khó khăn được Hội Chữ thập đỏ trường vận động giáo viên, học sinh hỗ trợ kinh phí hằng tháng. Từ năm học 2016-2017 trở về trước, trong 12 lớp, mỗi lớp bình xét 1 học sinh khó khăn nhất để nhận tiền hỗ trợ với mức từ 200-300 ngàn đồng/tháng. Nhưng từ năm học 2017-2018, toàn trường bình xét 3 em hoàn cảnh khó khăn nhất để hỗ trợ 600 ngàn đồng/tháng. Thầy Hồ Hải Nam, Hiệu phó cho biết: Hầu hết học sinh khó khăn nhận hỗ trợ đều vươn lên học tập và có học lực khá, giỏi, như các em: Vương Khánh Vi, Ra Thị Ngọc Hà, cùng lớp 12C; Ngưu Thị Klin, lớp 11B.

Năm học 2016-2017, em Châu Thanh (người Khơme), lớp 12A là học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Em được nhà trường, Hội Chữ thập đỏ đặc biệt quan tâm, luôn dành các suất học bổng trao tặng em. Cuối năm học vừa qua, Hội Chữ thập đỏ trường còn vận động xây nhà tình thương 55 triệu đồng tặng gia đình em. Nhận được sự quan tâm của nhà trường, Châu Thanh đã vươn lên học giỏi, có điểm thi khối A1 trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 cao nhất trường với 27,25 điểm (Toán 9,6, Lý 9,25, tiếng Anh 8,4). Hiện Châu Thanh là sinh viên năm nhất Trường đại học Kinh tế luật (Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh).

Đến văn hóa chào hỏi

PTTDNT THPT tỉnh là ngôi trường sạch, đẹp. Phần lớn học sinh là người DTTS nhưng đều ăn mặc gọn gàng, khi gặp khách hay thầy cô các em đều nở nụ cười tươi và cúi chào. Trong suốt 3 năm học, các em được thầy cô lồng ghép dạy toàn diện từ giáo dục truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước đến phong cách ứng xử như cách bắt tay, chào hỏi người lớn tuổi, bạn bè, nhất là kỹ năng giao tiếp, giữ vệ sinh môi trường... Các em còn được giáo viên hướng dẫn chi tiết từ việc sinh hoạt ở ký túc xá đến tự rèn, tự học trên lớp cũng như thời gian vui chơi, giải trí, thể dục thể thao vào buổi chiều.

Với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực trong quản lý nền nếp, nâng cao chất lượng toàn diện, nhiều năm liền trường không có học sinh bỏ học, học sinh “ngồi nhầm lớp”, không có học sinh dính vào các tệ nạn xã hội. Trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thi Olympic 19-5, THPT quốc gia... trường luôn trong top đầu tỉnh. Chi bộ trường nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh, trong đó, năm 2010 và 2013 đạt vững mạnh tiêu biểu được Tỉnh ủy tặng bằng khen. Tập thể trường luôn đạt lao động tiên tiến và xuất sắc, được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
87522

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu