Thứ 3, 23/04/2024 15:08:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:02, 28/08/2014 GMT+7

Hiếu nghĩa vẹn toàn

Thứ 5, 28/08/2014 | 14:02:00 163 lượt xem

BP - Kéo quân về đến Phú Xuân, Trần Quang Diệu đóng binh ở phía Nam sông Hương. Cảnh Thịnh cho ra đòi. Diệu không phụng mệnh. Nhà vua sợ hãi, phải nhờ đến nữ tướng Bùi Thị Xuân. Bùi nữ tướng đến gặp chồng và bàn với nhau: Mối họa trong triều chỉ có bọn gian thần gây nên. Tận diệt bọn ấy thì mối giềng lập lại không đến nỗi khó. Trần Quang Diệu xin vua bắt bọn gian thần trị tội.

Trần Văn Kỷ đổ tội cho Trần Viết Kiết và Hồ Công Diệu, rồi trốn mất. Nhà vua sai bắt Hồ Công Diệu và Trần Viết Kiết đem nạp cho Quang Diệu, Quang Diệu mới chịu vào triều làm lễ cẩn, rồi lãnh đại binh vào Nam.

Tháng Giêng năm Canh Thân (1800), Trần Quang Diệu vào Quảng Nam hợp cùng Võ Văn Dũng vào Quy Nhơn, nhưng đến Bình Đê thì bị quân Tống Viết Phước cản lại. Quang Diệu bèn sai người ra Trà Khúc lấy binh của Nguyễn Văn Giáp và hợp sức với Trấn thủ Quảng Nghĩa là Nguyễn Văn Lộc để tìm cách phá đường vào Quy Nhơn.

Nguyễn Văn Lộc biết rõ địa thế nơi ranh giới Quảng Nghĩa, Bình Định bèn đề nghị chia quân ra làm 3 đạo: Một đạo đi ngả đèo Bến Đá, một đạo theo đường hẻm phía Tây núi Sa Lung, một đạo theo nẻo tắt xuyên qua núi Cung Quăng. 3 đạo đồng lượt nổi trống, đánh chiêng và la ó làm cho địch khiếp sợ, hoang mang, không biết phải chống đỡ ngả nào, rồi ba mặt giáp công chắc chắn địch phải thua.

Trần Quang Diệu y kế nên qua khỏi đèo Bến Đá thẳng đến thành Quy Nhơn. Võ Tánh đem quân ra đánh. Đã từng bại tướng nơi Diên Khánh nên vừa xáp trận, Quang Diệu đã rượt Võ Tánh chạy dài, vào thành đóng cửa cố thủ. Nguyễn Phúc Ánh kéo đại binh ra cứu viện. Song bị quân Tây Sơn ngăn cản nên phải dừng quân và lui về Gia Định. Rồi 3 tháng sau lại kéo quân ra đánh lại. Tuy lần này thủy quân chiếm được cửa biển Thị Nại song cũng không thể tiến quân giải cứu thành Bình Định, bèn kéo đại binh ra đánh Phú Xuân.

Trần Quang Diệu sau khi đánh bật Nguyễn Văn Thành và Huỳnh Đức ra khỏi Quy Nhơn bèn ráo riết công thành. Quân mệt mỏi, tên đạn cạn, lương thực thiếu, Võ Tánh liệu không tử thủ được nữa bèn viết thư ra cho Trần Quang Diệu yêu cầu lúc vào thành đừng sát hại quân dân vô tội, rồi tự vẫn cùng với Ngô Tùng Châu. Trần Quang Diệu vào thành ban lời khuyến dụ, rồi cho thu hài cốt hai vị trung thần của nhà Nguyễn chôn cất theo lễ.

Ở mặt Bắc, Nguyễn Phúc Ánh chiếm được Phú Xuân, sai Lê Văn Diệt, Lê Chất vào cứu Quy Nhơn thì bị đội quân Nguyễn Văn Lộc đánh bại, phải dừng quân ở Thạch Tân và cửa biển Thị Nại. Thành Quy Nhơn vẫn yên ổn. Thế quân hai bên ghìm nhau.

Chợt Trần Quang Diệu được tin quân Tây Sơn bị thua ở Nhật Lệ, Trấn Ninh, Nguyễn Phúc Ánh làm chủ hoàn toàn đất Thuận Hóa thì thất kinh, bàn cùng các tướng:

- Binh mã đã bị hao ở Trấn Ninh và Nhật Lệ quá nhiều, lực lượng ở Bắc thành không còn mấy. Nếu Nguyễn Phúc Ánh kéo quân đến đánh thì Bắc thành không thể trì thủ được lâu. Ta phải đem quân về cứu, kẻo Bắc thành thất thủ nữa thì Quy Nhơn có giữ vững cũng không ích gì.

Khi Trần Quang Diệu kéo quân ra đến Hương Sơn thì bị tướng nhà Nguyễn là Võ Doãn Văn và Lê Đức Định mang binh đến tập kích. Trở tay không kịp, quân sĩ bị giết sạch. Trần Quang Diệu cùng Võ Văn Dũng và các bộ tướng đều bị bắt. Ở Diễn Châu, Bùi nữ tướng nghe tin liền đem nữ binh đi giải cứu. Đến Giáp Sơn thì giải cứu được, song đến Thanh Chương thì vợ chồng Trần tướng công bị bắt giải về Nghệ An. Về sau cả hai vợ chồng và con gái đều bị Gia Long hành hình dã man.

Lời bàn:

Trong cuốn tiểu thuyết lịch sử “Tây Sơn bi hùng truyện” của tác giả Lê Đình Danh do Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin xuất bản vào quý 2/2006, có đoạn viết như sau: Bùi Thị Xuân thấy cảnh ấy dằn lòng không được toan mở miệng mắng Gia Long, Trần Quang Diệu ngăn lại nói nhỏ: Nếu phu nhân mắng nó, nó giận giết mẹ ta thì sao? Và Bùi Thị Xuân vùng đứng dậy chỉ mặt Gia Long mắng rằng: Tiên đế ta như hùm còn ngươi như cẩu... Ngươi rước ngoại bang tàn hại lương dân... Thằng tiểu nhân Phúc Ánh. Con thà chết cùng cha mẹ còn hơn sống với lũ tiểu nhân kia (các trang 591, 593, 594, 595 quyển II).

Xin trích lại đoạn văn trên để thay lời kết về giai thoại trên. Bởi bằng sự cảm nhận và với lòng tôn kính của kẻ hậu nhân, người viết thấy rõ hình ảnh danh tướng Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân không những là người trung nghĩa can trường mà còn là tấm gương tiêu biểu cho mọi thời đại về “Đại hiếu với nhà, đại anh hùng với nước”. 

N.V

 

  • Từ khóa
109576

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu