Thứ 6, 29/03/2024 13:49:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 13:55, 25/01/2018 GMT+7

Hiện thực hóa ước mơ của các gia đình công nhân

Thứ 5, 25/01/2018 | 13:55:00 315 lượt xem
BP - Những năm gần đây, số công nhân lao động (CNLĐ) ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng nhanh. Đến hết năm 2017, Bình Phước có khoảng trên 40 ngàn CNLĐ đang làm việc tại 9 khu công nghiệp, trong đó 32 ngàn lao động nữ độ tuổi từ 18-30 và khoảng 3.120 trẻ là con CNLĐ từ 1-5 tuổi. Dự báo, khi nhà đầu tư lấp đầy diện tích đất trong các khu công nghiệp, số lượng CNLĐ sẽ tăng lên và nhu cầu trường mầm non cho con CNLĐ khu vực này là rất lớn.

LOAY HOAY TÌM NƠI GỬI TRẺ

Do các khu công nghiệp quy hoạch trước đó thường tính toán độc lập, không dành quỹ đất để xây dựng các công trình, thiết chế phục vụ đời sống người lao động. Hơn nữa, việc xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo luôn đi kèm những điều kiện đặc thù, đòi hỏi vốn đầu tư nhiều, thu hồi chậm... nên hầu hết doanh nghiệp trong các khu công nghiệp không đầu tư xây dựng trường mầm non cho con em công nhân, gây quá tải đối với các trường gần khu công nghiệp. Những trường này vốn chỉ đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của người dân trên địa bàn nên các gia đình công nhân phải gửi con tại cơ sở trông giữ trẻ tư nhân, vừa không đáp ứng những điều kiện cơ bản, lại không đảm bảo an toàn. Những vụ bạo hành trẻ em tại các cơ sở trông giữ tư nhân liên tục bị phát hiện thời gian qua làm cho các gia đình có con nhỏ lo lắng, bất an. Với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/tháng/công nhân, dù chi tiêu tiết kiệm thì số tiền còn lại không nhiều, trong khi học phí và tiền ăn tại các trường mầm non tư thục, cơ sở giữ trẻ tư nhân khoảng 1,2-1,5 triệu đồng/tháng (các trường mầm non công lập chỉ khoảng 400-500 ngàn đồng). Bên cạnh đó, đa số công nhân phải tăng ca thường xuyên nên không thể đón con đúng giờ. Vì vậy, nhiều gia đình đã nhờ người thân quen đến trông coi, hoặc phải gửi con về quê cho ông bà nội - ngoại chăm sóc.

Các gia đình công nhân và người lao động ngoại tỉnh thường phải gửi con ở những cơ sở mầm non tư nhân (Một cơ sở trông giữ trẻ trên địa bàn phường Tân Phú (Đồng Xoài) - Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Mấy năm gần đây, nhiều cấp, ngành trong tỉnh đã tổ chức các hội nghị, hội thảo bàn về giải pháp nâng cao đời sống người lao động, trong đó có vấn đề nhà ở và nơi gửi trẻ cho công nhân. Nhưng tất cả cũng chỉ dừng ở việc... bàn. Bởi vậy, sau nhiều năm thực hiện Nghị quyết số 20 về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ “Cơ bản đảm bảo nhu cầu về nhà ở, nơi sinh hoạt văn hóa, cơ sở nuôi dạy trẻ cho CNLĐ tại các khu công nghiệp tập trung” của tỉnh vẫn giậm chân tại chỗ.

TÍN HIỆU VUI 

Nhận thấy việc xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo cho con CNLĐ là nhu cầu thật sự bức thiết, tổ chức công đoàn tỉnh đã xác định, không thể trông chờ mà cần phải có những “cú hích” thực sự để CNLĐ yên tâm gắn bó với công việc. Để có cơ sở đề nghị sự “tiếp sức” từ chính quyền và xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức khảo sát và nắm bắt nhu cầu thực tế, đồng thời lập đề án xây dựng nhóm trẻ trong các khu công nghiệp trên địa bàn. Đề án của Liên đoàn Lao động tỉnh đã được Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh chấp thuận, thống nhất chủ trương giao đất để xây dựng nhóm trẻ trong các khu công nghiệp. Sau nhiều lần trực tiếp bàn bạc, làm việc và xúc tiến đẩy nhanh tiến độ với các ban, ngành liên quan, đặc biệt là UBND tỉnh và UBND thị xã Đồng Xoài, đến nay Liên đoàn Lao động tỉnh đã được giao hơn 3,1 ha đất tại 2 khu công nghiệp Đồng Xoài I và Đồng Xoài II. Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh thu hồi hơn 4,6 ha đất trước đó quy hoạch trồng cây xanh và đất phân lô tại Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú để xây dựng nhà trẻ, nhà lưu trú cho CNLĐ.

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đỗ Thành Lai cho biết, để hiện thực hóa giấc mơ của các gia đình công nhân, Liên đoàn Lao động tỉnh rất cần sự chung tay hỗ trợ kinh phí của chính quyền và xã hội, bên cạnh nguồn tích lũy từ ngân sách công đoàn. Từ đó cùng với tổ chức công đoàn trên địa bàn chăm lo nguồn nhân lực tương lai, tạo điều kiện để con CNLĐ phát triển toàn diện, giúp người lao động vơi đi khó khăn, an tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.  

L. Trâm

  • Từ khóa
93474

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu