Thứ 6, 29/03/2024 16:23:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 14:35, 25/06/2013 GMT+7

Hiến pháp với quyền của trẻ em

Thứ 3, 25/06/2013 | 14:35:00 766 lượt xem

* Nội dung của Điều 40 (sửa đổi, bổ sung Điều 65) trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có quy định như sau: 1. Trẻ em có quyền được gia đình, nhà trường, Nhà nước và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. 2. Nghiêm cấm hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em. Theo ý kiến của cá nhân tôi, quy định như trong Khoản 1 là đúng và đầy đủ về quyền của trẻ em, đồng thời phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em.


Trẻ em thị xã Đồng Xoài tham gia cuộc thi cắt dán tranh do trường Trung - Tiểu học Pétrus Ký (Bình Dương) tổ chức  - Ảnh: S.H

Tuy nhiên, ở nội dung của Khoản 2 trong điều này thì chưa đầy đủ, vì chưa bao quát hết những hành vi xâm hại đến trẻ em hoặc có thể gây nguy hại cho trẻ em. Thực tế cuộc sống hiện nay cho thấy, tình trạng trẻ em (nhất là trẻ em gái) bị kích động bạo lực trong học đường, bị dụ dỗ rồi bị hiếp dâm, cưỡng dâm, bị bán ra nước ngoài... Thậm chí dụ dỗ và cả trên mạng dành cho trẻ em cũng bị tung lên những hình ảnh khiêu dâm, kích dục làm suy đồi đạo đức, thuần phong mỹ tục và gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý các em. Vì vậy, tôi đề nghị ở Khoản 2 của điều này cần bổ sung cụm từ “khiêu dâm, kích động bạo lực” vào trước cụm từ “lạm dụng”. Như vậy, Khoản 2, Điều 40 được viết lại như sau: 2. Nghiêm cấm hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, khiêu dâm, kích động bạo lực, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.

* Tại Điều 66 (sửa đổi, bổ sung Điều 35, Điều 36) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có 3 khoản với nội dung như sau: 1. Phát triển giáo dục nhằm hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất, năng lực của công dân; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đào tạo người lao động có nghề, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. 2. Nhà nước thống nhất quản lý hệ thống giáo dục quốc dân, ưu tiên đầu tư và tạo điều kiện thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; quy định phổ cập giáo dục; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý; ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn khác. 3. Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập để phát triển tài năng. Người khuyết tật và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học văn hóa và học nghề phù hợp.

Theo ý kiến cá nhân của tôi thì nội dung của Điều 66 quy định như trên là chưa đầy đủ, chưa phù hợp với tình hình thực tế của nền giáo dục ở nước ta hiện nay và xu hướng phát triển trong những thập niên tới. Ai cũng biết, giáo dục là quá trình rèn đức, luyện tài của mỗi cá nhân. Tất nhiên là trong quá trình rèn luyện ấy không thể chỉ có ý chí của cá nhân mà còn phải có vai trò tác động của nhà trường, gia đình và xã hội. Mục đích cuối cùng của giáo dục là xây dựng con người có nhân cách, có trí tuệ, có năng lực đạo đức, năng động, có ý thức công dân và là công dân có ích cho đất nước, cho xã hội. Mặt khác ngoài nền giáo dục công lập, Nhà nước có chủ trương xã hội hóa giáo dục, cũng cần coi trọng nền giáo dục dân lập. Xuất phát từ quan điểm trên, tôi đề xuất nội dung của điều này cần được sửa đổi, bổ sung và viết lại như sau:

Ở Khoản 1 cần bỏ từ “nhằm” và thay vào đó bằng từ “để”, đồng thời bỏ cụm từ “hình thành và bồi dưỡng”, thay vào đó bằng cụm từ “xây dựng con người Việt Nam có”. Như vậy mới khẳng định được mục đích của giáo dục ở nước ta là để xây dựng con người Việt Nam. Ở Khoản 2, tôi đề nghị bổ sung cụm từ “thực hiện bình đẳng, công bằng giữa các loại hình đào tạo”. Vì hiện nay ở nước ta không chỉ có hệ thống các trường công lập, mà còn có các trường dân lập, tư thục và trường học được xây dựng bằng vốn của nước ngoài. Ở Khoản 3, tôi đề xuất bổ sung nội dung: “Giáo dục tiểu học là bắt buộc và được miễn học phí. Bản Hiến pháp này là một môn học trong chương trình phổ cập giáo dục toàn quốc”. Vì giáo dục tiểu học là bậc học thấp nhất trong hệ giáo dục phổ thông và quyền được đi học cũng là quyền đầu tiên của trẻ em, do đó cần quy định giáo dục tiểu học là bắt buộc và Nhà nước khuyến khích nên không thu tiền. Từ trước tới nay, chúng ta thường nói giáo dục cho thế hệ trẻ lòng yêu nước, phát huy tốt mọi giá trị truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, cha ông, nhưng Hiến pháp là đạo luật gốc, là luật mẹ, đồng thời thể hiện rõ ý chí, tâm tư, nguyện vọng của toàn đảng, toàn quân, toàn dân ta và cao hơn nữa, Hiến pháp là văn bản kết tinh trí tuệ của cả dân tộc... nhưng chưa bao giờ trở thành bộ môn học chính thống trong hệ thống giáo dục quốc dân. Xuất phát từ quan điểm này, tôi đề xuất đưa Hiến pháp trở thành một môn học trong các nhà trường phổ thông. Như vậy, Điều 66 được viết lại như sau:

1.Phát triển giáo dục để xây dựng con người Việt Nam có nhân cách, có trí tuệ, năng động, có ý thức công dân. Xây dựng nền giáo dục toàn diện, có chất lượng, có khả năng đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xây dựng nước Việt Nam hiện đại, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. 2. Nhà nước thống nhất quản lý hệ thống giáo dục quốc dân, quy định phổ cập giáo dục, thực hiện bình đẳng, công bằng giữa các loại hình đào tạo; khuyến khích đầu tư, tạo điều kiện thu hút các nguồn lực cho phát triển giáo dục dân lập; thực hiện chính sách học bổng, học phí công bằng, hợp lý; ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn khác. 3. Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập để phát triển tài năng và phát triển toàn diện. Giáo dục tiểu học là bắt buộc và được miễn học phí. Bản Hiến pháp này là một môn học trong chương trình phổ cập giáo dục toàn quốc. Những người khuyết tật và người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học văn hóa và học nghề phù hợp.

Như Hoa (Phước Long)

  • Từ khóa
108225

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu