Thứ 6, 19/04/2024 15:43:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 08:41, 16/04/2014 GMT+7

Hiến kế cho tổ chức đoàn lớn mạnh

Thứ 4, 16/04/2014 | 08:41:00 299 lượt xem

Vừa qua, tại hội thi Bí thư đoàn cơ sở giỏi cấp tỉnh, các cán bộ đoàn đã cùng sẻ chia nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, chân thành góp ý cho tổ chức Đoàn. Ai cũng mong muốn Đoàn ngày càng lớn mạnh; đoàn viên thanh niên có thêm cơ hội cống hiến.

Mô hình 6d


Nguyễn Duy Thái Hà, Bí thư Chi đoàn cơ sở Công ty Phú Riềng - Kratíe

Theo chị Nguyễn Duy Thái Hà, Bí thư Chi đoàn cơ sở Công ty Phú Riềng - Kratíe, hiện nay cán bộ đoàn cơ sở chưa tự chủ trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng công tác và năng lực tổ chức. Ở một số địa phương, đơn vị, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động đoàn.

Chị Hà đã phỏng vấn 50 cán bộ đoàn hiện đang công tác tại huyện Bù Gia Mập và thị xã Đồng Xoài về hoạt động chuyên môn. Kết quả, đa số cán bộ đoàn đều đánh giá chưa cao về các yếu tố khách quan (khả năng phát triển, sự quan tâm các cấp, công tác sử dụng cán bộ, cơ chế chính sách...) ảnh hưởng đến chất lượng cán bộ đoàn và công tác đoàn tại đơn vị. 60% cán bộ đoàn cho rằng, hoạt động đoàn cơ sở còn yếu kém, nặng hình thức.

Chị Hà đã đưa ra mô hình 6D nhằm nâng cao chất lượng cán bộ đoàn, gồm: “Đến, định hướng, dẫn, dưỡng, động viên và đánh (xử lý kỷ luật)”. Theo đó, các cấp lãnh đạo tại cơ sở phải sâu sát trong vấn đề tìm nguồn nhân lực phù hợp, có tiềm năng trong công tác đoàn để đề cử. Khi có cán bộ nguồn, các cấp nên định hướng giúp cán bộ đoàn hiểu được tầm nhìn và mục tiêu hoạt động của cơ sở mình; mở các lớp đào tạo, hướng dẫn và tổ chức nhiều hoạt động thực tế cho cán bộ đoàn có cơ hội cọ xát, giao lưu, học hỏi. Bất kỳ cơ quan, tổ chức nào cũng phải xây dựng chế tài, quy định, quy chế nhằm tạo khuôn khổ cho hoạt động đoàn diễn ra đúng chừng mực.

Ban tổ chức đánh giá cao những đề xuất của Thái Hà. Mô hình này cho thấy, muốn nâng cao chất lượng cán bộ đoàn phải nhìn nhận tổng thể nhiều yếu tố. Yếu tố nội tại trong chính mỗi cán bộ đoàn phải kết hợp với yếu tố khách quan sẽ góp phần thực hiện thành công mục tiêu đề ra.

Tập hợp, đoàn kết ĐVTN

Xã Đồng Nai (Bù Đăng) có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Hơn 500 thanh niên tham gia sinh hoạt đoàn và hội LHTN của xã, trong đó có 70% thanh niên là đồng bào dân tộc thiểu số. Chị Đào Thị Quế, Bí thư đoàn xã Đồng Nai cho biết, khó khăn của tổ chức đoàn có đồng bào dân tộc thiểu số là trình độ học vấn thấp, một số thanh niên e ngại khi tham gia sinh hoạt tập thể, ý thức tự giác, rèn luyện chưa cao, có tư tưởng sống dựa vào gia đình. Qua thực tiễn hoạt động đoàn tại địa phương, chị Quế đưa đến hội thi những đề xuất, giải pháp để tập hợp, đoàn kết thanh niên tốt hơn. Theo đó, cán bộ đoàn phải sâu sát, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của ĐVTN, luôn xem họ như người bạn, không phân biệt dân tộc, tôn giáo. Khi triển khai các phong trào, hoạt động phải đặc biệt lưu ý đến những yếu tố đặc thù của thanh niên dân tộc và tôn giáo. Đồng thời, tổ chức đoàn tham mưu với lãnh đạo các cấp mở lớp phổ cập giáo dục, nâng cao trình độ học vấn cho ĐVTN, phối hợp mở các lớp dạy nghề ngắn hạn; tìm kiếm nguồn vốn vay...

Anh Trần Tiến Hiệp, Bí thư đoàn trường THPT Đồng Xoài đề xuất mô hình câu lạc bộ Cảm hóa, giáo dục và tạo điều kiện hòa nhập cộng đồng cho thanh niên sau cai nghiện; thanh niên có tiền án, tiền sự. Câu lạc bộ sẽ hoạt động theo phương châm 5K, gồm: “Không bỏ mặc, không khoảng cách, kiên trì, khích lệ và kết nạp”. Phương thức thực hiện thông qua tiêu chí 5C: “Chọn lọc, cộng lực, chia sẻ, cảm hóa và chăm lo”. Tiến Hiệp cho biết: “5K chính là tình cảm của các bạn ĐVTN với mong muốn giúp đỡ, hỗ trợ thanh niên sau cai nghiện, thanh niên có tiền án, tiền sự vượt qua những trở ngại, mặc cảm trong quá khứ, tự tin hòa nhập cộng đồng. 5C là bàn tay của tổ chức Đoàn - Hội tìm đến giúp đỡ, tăng thêm sức mạnh cho các bạn trước những cám dỗ xấu trong xã hội và trợ lực giúp những đối tượng này phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”.

Giáo dục đạo đức qua phòng truyền thống


Nguyễn Văn Châu, Bí thư đoàn trường THPT Hùng Vương

iáo dục đạo đức ĐVTN thông qua phòng truyền thống nhà trường cũng là biện pháp hay, thiết thực cho ĐVTN khối trường học. Đây là mô hình của anh Nguyễn Văn Châu, Bí thư đoàn trường THPT Hùng Vương.

Theo anh Châu, mỗi trường học nên có một phòng truyền thống bằng việc bố trí, sắp xếp các phòng chưa sử dụng đến hoặc các phòng đang sử dụng nhưng chưa hiệu quả. Phòng truyền thống sẽ trưng bày những tư liệu, tài liệu hiện có của trường như: Các loại bằng khen, giấy khen, hình ảnh hoạt động của nhà trường qua các năm học, lịch sử hình thành trường; sách lịch sử về quê hương, đất nước, các vị danh nhân của dân tộc... Đoàn thanh niên phối hợp chi đoàn giáo viên tổ chức các buổi tọa đàm, họp mặt, giao lưu với giáo viên, cựu ĐVTN tiêu biểu, anh hùng, thương bệnh binh... theo chủ điểm giáo dục từng tháng tại phòng truyền thống. Đồng thời, nhà trường cần tạo không gian sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh như tổ chức Ngày hội các trò chơi dân gian, cuộc thi ảnh chủ đề Khoảnh khắc ĐVTN, thiết kế album theo tập thể lớp. Qua đó, giúp các em phát huy sự sáng tạo, lưu giữ những kỷ niệm đẹp trong những năm tháng học tập ở trường.

Anh Châu cho biết: “Hiện nay, trường THPT Hùng Vương đã và đang áp dụng mô hình này. Phòng truyền thống nhà trường luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo ĐVTN. Các em thường xuyên đến tham quan, tham gia các hoạt động ngoại khóa do trường tổ chức. Trường cũng đưa việc chăm sóc Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh làm một trong những hoạt động chính hàng năm. Qua đây sẽ giáo dục ý thức, trách nhiệm sống vì cộng đồng cho các em.

Thanh Thủy

  • Từ khóa
81375

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu