Thứ 6, 19/04/2024 10:53:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 13:33, 06/06/2013 GMT+7

Hiến định về kiểm toán nhà nước cần có chương riêng

Thứ 5, 06/06/2013 | 13:33:00 63 lượt xem

* Chương X của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có 3 điều, gồm: 120, 121 và 122 là chương có nội dung hoàn toàn mới. Điều 120 là chế định về Hội đồng Hiến pháp. Điều 121 là chế định về Hội đồng bầu cử quốc gia. Điều 122 là chế định về Kiểm toán Nhà nước. Nội dung của 3 điều này hoàn toàn khác nhau và không liên quan đến nhau. Hơn nữa, nội dung của Điều 121 đã được quy định trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Cụ thể, tại Khoản 1 trong Điều 14 của luật này có quy định như sau: 1. Chậm nhất là một trăm lẻ năm ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập Hội đồng bầu cử ở trung ương để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Hội đồng bầu cử có từ mười lăm đến hai mươi mốt người gồm Chủ tịch, các Phó chủ tịch, Tổng thư ký và các ủy viên là đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một số cơ quan, tổ chức hữu quan.

Như vậy, nội dung của Điều 121 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chỉ với mục đích là nhằm Hiến định địa vị pháp lý của Hội đồng bầu cử Trung ương. Trong khi đó, về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng bầu cử quốc gia và số lượng, nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia do Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân quy định. Vì vậy, tôi đề xuất không cần phải giữ lại Điều 121 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, chương này được tách ra làm hai chương. Cụ thể, ở Chương X là chế định về Hội đồng Hiến pháp và chương XI là chế định về Kiểm toán Nhà nước.             

* Tại Điều 31 (sửa đổi, bổ sung Điều 74) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có quy định như sau: 1. Mọi người có quyền khiếu nại, quyền tố cáo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. 3. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên là đúng nhưng chưa đầy đủ, chưa phù hợp với tình hình thực tế hiện nay của đất nước, nhất là trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Vì trong nội dung của điều này mới chỉ nói đến quyền khiếu nại, tố cáo của công dân đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những hành vi sai trái của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, ở đây cũng mới chỉ nhắc đến trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo... chứ chưa có chế tài đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nhưng không tiếp nhận, không giải quyết tố cáo, khiếu nại của công dân. Đồng thời, trong nội dung của điều này chưa có chế tài bảo vệ bí mật thông tin liên quan tới người khiếu nại, tố cáo, cũng như việc đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản cũng như tinh thần của người tố cáo và người thân của họ. Vì vậy, tôi đề xuất ở Điều 31 cần bổ sung thêm Khoản 4, với nội dung như sau: 4. Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nhưng không tiếp nhận, không giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc tiết lộ thông tin liên quan đến người khiếu nại, tố cáo.

* Tại Khoản 2, của Điều 38 (sửa đổi, bổ sung Điều 55, Điều 56) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có quy định: 2. Nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng người lao động chưa thành niên trái pháp luật. Theo ý kiến của cá nhân tôi, quy định như trên là đúng nhưng vừa thừa lại vừa quá cụ thể và sự cụ thể này nên dành cho các luật chuyên ngành. Theo đó, tôi đề xuất ở Khoản 2, Điều 38 cần lược bỏ cụm từ “chưa thành niên”. Vì, chỉ cần quy định rằng: Nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng người lao động trái pháp luật, là đã đầy đủ. Vì trong Bộ luật Lao động hiện hành có quy định cụ thể tuổi của lao động và các trường hợp được phép sử dụng lao động chưa thành niên. Đó là những trường hợp Nhà nước và xã hội không có khả năng chu cấp để đảm bảo đời sống cho trẻ em không nơi nương tựa và các em phải lao động để tự lo cho bản thân. Tuy nhiên, việc sử dụng lao động chưa thành niên ở đây với mục đích chủ yếu là để giáo dục, rèn luyện kỹ năng, nhưng có tạo ra sản phẩm. Vì vậy, việc giữ lại cụm từ “chưa thành niên” trong Khoản 2, Điều 38 là không cần thiết.

Hoàng Lan (Chơn Thành)

  • Từ khóa
108218

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu