Thứ 5, 25/04/2024 14:55:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 08:58, 05/04/2013 GMT+7

Hiến định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng

Thứ 6, 05/04/2013 | 08:58:00 61 lượt xem

Tại Khoản 1, Điều 4 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ghi: 1. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội.

Tôi hoàn toàn nhất trí với nội dung như trên, nhưng đề nghị ở Điều 4 cần làm rõ hơn phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội như thế nào? Đồng thời, cũng tại Khoản 1 của Điều 4 cần phải khẳng định rõ vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là duy nhất và toàn diện. Xuất phát từ quan điểm trên, tôi đề nghị ở Khoản 1, Điều 4 cần bổ sung cụm từ cách mạng vào ngay sau cụm từ “nền tảng tư tưởng”. Vì, nếu chúng ta bổ sung cụm từ “cách mạng” ở đây sẽ làm sáng rõ hơn “nền tảng tư tưởng” ở nước ta là “nền tảng tư tưởng cách mạng chứ không phải là “nền tảng tư tưởng” chung chung. Đồng thời, cũng ở Khoản 1, Điều 4 này cần bổ sung cụm từ duy nhất”  vào ngay sau cụm từ “là lực lượng” và bổ sung cụm từ “toàn diện đối với” vào sau cụm từ “lãnh đạo.

Như vậy, Khoản 1, Điều 4 được viết lại như sau: 1. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng cách mạng, là lực lượng duy nhất lãnh đạo toàn diện nhà nước và xã hội.

Tại Điều 6 (sửa đổi, bổ sung Điều 6) của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có ghi: Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước. Theo suy nghĩ của tôi thì quy định như vậy vẫn chưa đầy đủ. Vì thực tế hiện nay, nhân dân ta thực hiện quyền lực nhà nước của mình không chỉ bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước, mà còn thông qua các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan khác của Nhà nước.

Do đó, theo ý kiến của cá nhân tôi thì ở Điều 6 cần được bỏ cụm từ “và thông qua” và thay vào đó bằng một dấu phẩy, đồng thời bổ sung cụm từ và các tổ chức chính trị - xã hội. Như vậy, Điều 6 được viết lại như sau: Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.

Tại Điều 22 (sửa đổi, bổ sung Điều 71) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có ghi: 1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như vậy là đúng nhưng chưa đầy đủ và không trọn vẹn. Để ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật trong khâu tố tụng, ở đây cần quy định rõ việc bắt và giam giữ người vi phạm pháp luật phải tuân thủ đúng pháp luật.

Xuất phát từ quan điểm trên, theo tôi ở Điều 22 cần được bổ sung và viết lại như sau: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định phê chuẩn bắt giữ của Viện Kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật”.

Tại Khoản 3 của Điều 56 quy định: Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân được Nhà nước thừa nhận, bảo hộ và không bị quốc hữu hóa. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân, tổ chức theo giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định. Thế nhưng tại Khoản 2 Điều 58 lại quy định: ...Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ... và ở Khoản 3 cũng của điều này lại quy định: ...Nhà nước thu hồi quyền sử dụng đất thì bồi thường theo quy định của pháp luật...

Như vậy, ở nội dung Khoản 3 của Điều 56 và Khoản 3 của Điều 58 đã có sự không thống nhất. Do đó, theo ý kiến của cá nhân tôi thì nội dung của Khoản 3 Điều 58 cần được bỏ cụm từ “thu hồi” và thay vào đó cụm từ trưng mua, trưng dụng” để thống nhất với Điều 56. Như vậy, ở Khoản 3 của Điều 58 được bổ sung và viết lại như sau: “Nhà nước trưng mua, trưng dụng đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo giá thị trường trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia và các dự án phát triển kinh tế - xã hội”.

Luật gia: N.V

  • Từ khóa
108196

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu