Thứ 6, 19/04/2024 03:59:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 09:21, 12/04/2013 GMT+7

Hiến định rõ trách nhiệm của thanh niên

Thứ 6, 12/04/2013 | 09:21:00 87 lượt xem

• Khoản 1, Điều 25 (sửa đổi, bổ sung Điều 70) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ghi: 1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

Theo ý kiến của cá nhân tôi quy định như vậy là chưa đầy đủ. Vì trong thực tế hiện nay vẫn còn có những người lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin để mê hoặc người khác bằng những hoạt động mê tín dị đoan. Thậm chí có người còn dùng cách này hay cách khác để hù dọa, ép buộc người khác phải theo hoặc không theo tôn giáo này hay tôn giáo khác. Vì thế, theo tôi ở Khoản 1 của Điều 25 cần bổ sung nội dung “không ai được hù dọạ, ép buộc người khác” vào ngay sau cụm từ “tín ngưỡng, tôn giáo”. Như vậy, Khoản 1, Điều 25 được viết lại như sau: 1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, “không ai được hù dọa, ép buộc người khác” theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

• Điều 38 (sửa đổi, bổ sung Điều 55, Điều 56) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có hai khoản với nội dung như sau: 1. Công dân có quyền làm việc, lựa chọn việc làm, nghề nghiệp và nơi làm việc. 2. Nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng người lao động chưa thành niên trái pháp luật.

Theo ý kiến của cá nhân tôi, quy định như vậy là chưa đủ. Vì ở đây, Hiến pháp chưa nói đến trách nhiệm của Nhà nước và nói đúng hơn là chưa có chế tài để Nhà nước bảo đảm quyền được làm việc của mỗi công dân. Do đó, tôi đề xuất ở Điều 38 cần được bổ sung thêm Khoản 3 và nội dung của khoản này là quy định về trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền làm việc của công dân.

Xuất phát từ quan điểm này, tôi đề xuất nội dung của Khoản 3 như sau: 3. Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm quyền được làm việc. Nghiêm cấm mọi hành vi đe doạ về nghề, việc làm hợp pháp của công dân theo quy định của pháp luật. Như vậy, Điều 38 sẽ có 3 khoản và được viết lại như sau:

1. Công dân có quyền làm việc, lựa chọn việc làm, nghề nghiệp và nơi làm việc. 2. Nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng người lao động chưa thành niên trái pháp luật. 3. Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm quyền được làm việc. Nghiêm cấm mọi hành vi đe dọa về nghề, việc làm hợp pháp của công dân theo quy định của pháp luật.

• Tại Điều 40 (sửa đổi, bổ sung Điều 65) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ghi: 1. Trẻ em có quyền được gia đình, nhà trường, Nhà nước và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. 2. Nghiêm cấm hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.

Theo ý kiến của cá nhân tôi, quy định như vậy là đúng, nhưng chưa đủ. Vì vậy, ở điều này tôi đề xuất bổ sung hai nội dung như sau:

Thứ nhất: Từ thực tế trong nhiều năm qua cho thấy, hành vi bạo hành, bạo lực và đặc biệt là những hành vi phạm tội hiếp dâm đối với trẻ em vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. Và ngay cả trên mạng cũng có nhiều phim ảnh khiêu dâm làm suy đồi đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc, ảnh hưởng xấu đến tâm lý các em. Thậm chí có không ít vụ gây bức xúc trong dư luận mà nguyên nhân từ các trang mạng với nội dung khiêu dâm, đồi truỵ. Do đó, tôi đề xuất Khoản 2, Điều 40 trong dự thảo bổ sung cụm từ “hành vi đồi truỵ, bạo lực,” vào ngay sau cụm từ “nghiêm cấm”. Như vậy, Khoản 2, Điều 40 được viết lại như sau: 2. Nghiêm cấm hành vi đồi truỵ, bạo lực, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.

Thứ hai: Tuổi trẻ, nói đúng hơn thì thanh niên là tương lai của đất nước, là rường cột của nước nhà, nhưng trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi không có quy định nào nói về thanh niên cũng như trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của mọi gia đình đối với thế hệ trẻ. Vì vậy, tôi đề ghị trong Điều 40 cần bổ sung thêm Khoản 3 với nội dung như sau:

 3. Thanh niên được Nhà nước, xã hội, gia đình tạo điều kiện học tập, lao động; được bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng cách mạng cao đẹp; có ý thức tiết kiệm, tinh thần tự lực và đi đầu trong khoa học - công nghệ, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Như vậy, Điều 40 sẽ có 3 khoản và được viết lại như sau: 1. Trẻ em có quyền được gia đình, nhà trường, Nhà nước và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. 2. Nghiêm cấm hành vi đồi truỵ, bạo lực, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em. 3. Thanh niên được Nhà nước, xã hội, gia đình tạo điều kiện học tập, lao động; được bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng cách mạng cao đẹp; có ý thức tiết kiệm, tinh thần tự lực và đi đầu trong khoa học - công nghệ, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Luật gia: Kim Ngọc

  • Từ khóa
108200

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu