Thứ 5, 25/04/2024 18:43:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 06:32, 07/07/2013 GMT+7

Hiến định rõ trách nhiệm của con cháu với ông bà

Chủ nhật, 07/07/2013 | 06:32:00 677 lượt xem

* Điều 64 trong bản Hiến pháp năm 1992 có quy định như sau: Gia đình là tế bào của xã hội. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng. Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con thành những công dân tốt. Con cháu có bổn phận kính trọng và chăm sóc ông bà, cha mẹ. Nhà nước và xã hội không thừa nhận việc phân biệt đối xử giữa các con. Tại Điều 39 (sửa đổi, bổ sung Điều 64) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có hai khoản, với nội dung như sau: 1. Nam, nữ có quyền kết hôn và ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. 2. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em.

So sánh nội dung của hai điều trên cho thấy, trong dự thảo đã bổ sung và khẳng định quyền bình đẳng về kết hôn và ly hôn của nam và nữ: “Nam, nữ có quyền kết hôn và ly hôn”; đồng thời, bổ sung nội dung hoàn toàn mới là “Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em”. Tuy nhiên, trong dự thảo cũng bỏ đi những nội dung quan trọng là: Gia đình là tế bào của xã hội. Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con thành những công dân tốt. Con cháu có bổn phận kính trọng và chăm sóc ông bà, cha mẹ. Nhà nước và xã hội không thừa nhận việc phân biệt đối xử giữa các con.

Theo ý kiến của cá nhân tôi thì nội dung quy định về vấn đề này trong bản Hiến pháp năm 1992 đầy đủ hơn, cần thiết và phù hợp hơn. Vì gia đình thực sự là hạt nhân, là tế bào của xã hội, là môi trường giáo dục đầu tiên của con người, gia đình có tốt đẹp, có tiến bộ, phát triển thì xã hội mới mạnh, mới phát triển được. Hơn nữa, trong thời buổi cơ chế thị trường hiện nay, nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, như: Con cháu có bổn phận kính trọng và chăm sóc ông bà, cha mẹ; tôn sư trọng đạo; công dung ngôn hạnh, huynh đệ, bằng hữu... đang có chiều hướng bị mai một ngày càng nhiều. Thậm chí, mặt trái của cơ chế thị trường đã và đang len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống. Tình trạng ly hôn ngày càng nhiều, nạn mại dâm, cờ bạc thường xuyên xảy ra. Chưa hết, vì vật chất mà đã có không ít trường hợp kiện con, cháu chiếm đoạt tài sản của ông bà...

Mặt khác sự phân biệt đối xử giữa các con ở nước ta hiện nay vẫn còn, thậm chí có những gia đình, có những vùng còn khá nặng nề. Vì vậy, tôi đề xuất cần giữ lại nội dung của Điều 64 trong bản Hiến pháp hiện hành. Đồng thời bổ sung Khoản 2 của Điều 39 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Như vậy, điều 64 trong dự thảo cũng có 2 khoản nhưng sẽ được sửa đổi, bổ sung và viết lại như sau: 1. Gia đình là tế bào của xã hội. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng. Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con thành những công dân tốt. Con cháu có bổn phận kính trọng và chăm sóc ông bà, cha mẹ. 2. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em. Nhà nước và xã hội không thừa nhận việc phân biệt đối xử giữa các con.

* Điều 55 (sửa đổi, bổ sung Điều 24, Điều 26) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có quy định như sau: 1. Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, bảo đảm cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường; thực hiện sự phân công, phân cấp quản lý Nhà nước giữa các ngành, các cấp, thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, bảo đảm phát triển hợp lý, hài hòa giữa các vùng, địa phương và tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân. 2. Nhà nước thống nhất quản lý hoạt động kinh tế đối ngoại, phát triển các hình thức hợp tác kinh tế với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và cùng có lợi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.

Theo ý kiến của tôi thì quy định như trên vừa dài dòng, vừa khó hiểu và khó thực thi. Cụ thể là ở đoạn đầu của Khoản 1 điều này có quy định: Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế,... là không cần thiết. Vì mục tiêu của Nhà nước đã được nêu ở vế sau là: “Bảo đảm cho nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường;”... Còn việc hoàn thiện thể chế kinh tế là trách nhiệm đương nhiên của Nhà nước và quan trọng là đảm bảo cho nó vận hành theo quy luật thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Như vậy, Khoản 1 của điều này được viết lại như sau: 1. Nhà nước bảo đảm nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường; thực hiện sự phân công, phân cấp quản lý Nhà nước giữa ngành và cấp; thúc đẩy liên kết kinh tế vùng, bảo đảm phát triển hợp lý, hài hòa kinh tế vùng, địa phương và tính thống nhất của nền kinh tế quốc dân.

Ở khoản 2, tôi đề nghị bỏ nội dung: “Phát triển các hình thức hợp tác kinh tế với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế” và thay vào đó bằng cụm từ “hợp tác kinh tế quốc tế”. Vì hoạt động “hợp tác kinh tế quốc tế” đã bao hàm cả nội dung “phát triển các hình thức hợp tác kinh tế với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế”. Vì vậy, Khoản 2 của điều này được viết lại như sau: 2. Nhà nước thống nhất quản lý hoạt động kinh tế đối ngoại; phát triển hợp tác kinh tế quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và cùng có lợi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế. 

Ngô Huỳnh (TX. Đồng Xoài)

  • Từ khóa
108230

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu