Thứ 6, 26/04/2024 00:35:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:09, 04/04/2013 GMT+7

Hiểm họa tai nạn giao thông

Thứ 5, 04/04/2013 | 08:09:00 666 lượt xem

Trong quá trình phát triển của tỉnh, nhiều tuyến đường được mở rộng và hai bên đường là những căn nhà cao tầng của các cơ quan, đơn vị và nhà dân được xây dựng. Cùng với sự phát triển đó đã xuất hiện nhiều chợ cóc, chợ tạm do nhu cầu trao đổi, tiện lợi trước mắt. Nhiều người vì thế đã quên đi hiểm họa tai nạn giao thông đang rình rập. Đủ các loại hàng hóa bày bán tràn ra lòng đường không chỉ gây mất mỹ quan mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, gây hậu quả khôn lường...

Đánh đu với “tử thần”

Tình trạng họp chợ trái phép trên quốc lộ, tỉnh lộ hoặc đường phố đã và đang diễn ra phổ biến trên địa bàn tỉnh. Việc các tiểu thương bày hàng hóa lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây cản trở giao thông không hiếm gặp mỗi khi ra đường. Có thể kể một loạt các chợ như: Thị trấn Thanh Bình, Tân Tiến, Tân Thành (Bù Đốp); chợ Tân Thành (TX. Đồng Xoài); chợ Bù Na (Bù Đăng); chợ Lộc Hưng, Lộc Thái (Lộc Ninh); chợ Tân Tiến, Tân Hưng, Tân Khai (Hớn Quản)...


Người dân thị trấn Thanh Bình (Bù Đốp) tràn ra đường để họp chợ

Có mặt tại chợ Thanh Bình, thị trấn Thanh Bình (Bù Đốp) lúc 7 giờ sáng, chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh nhộn nhịp buôn bán nơi đây. Ngay ngã ba giao nhau giữa một đường lên cửa khẩu Hoàng Diệu, một hướng qua huyện Lộc Ninh và hướng về thị xã Phước Long đã có hàng trăm hộ kinh doanh buôn bán. Dù trong nhà lồng chợ đã có đầy đủ các mặt hàng thiết yếu nhưng bên ngoài vẫn có hàng chục chiếc dù được căng lên, dựng ngổn ngang, kẻ bán người mua che khuất tầm nhìn người điều khiển xe qua lại. Nhiều người ngang nhiên chiếm dụng, đứng giữa lòng đường để buôn bán. Cách khu chợ này khoảng vài trăm mét là các trường tiểu học, trung học cơ sở nên vào mỗi buổi sáng hoặc chiều, từng tốp học sinh qua lại nơi đây càng tạo nên cảnh náo nhiệt. Không những thế, nhiều hộ dân sống xung quanh còn bày bán nước giải khát, cà phê trên hành lang.

Chị Hồ Thị Thu, bán rau trước cửa chợ Thanh Bình thanh minh khi chúng tôi hỏi vì sao không vào bán trong nhà lồng chợ: “Nhà nghèo, tiền đâu mà thuê ki-ốt trong chợ. Đem hàng đi bán rong chỉ mong kiếm thêm thu nhập, chứ đứng bán thế này bị “đuổi” hoài cũng cực lắm!”. Còn chị Nguyễn Thị Dĩnh, người mua hàng cho biết, chỉ mua bó rau mà phải vào chợ mất thời gian, tiền gửi xe, có khi mua còn bị đắt.

Chính vì những lý lẽ với nhiều cái “tiện” của chị Dĩnh, chị Thu: người bán đỡ tiền phí, người mua lại tiện lợi, chỉ dừng xe lại là mua được... mà chợ cóc, chợ tạm ngày càng mở rộng. Việc họp chợ trên các tuyến đường đã góp phần cải thiện đời sống của một bộ phận người dân. Tuy nhiên, dưới góc độ an toàn giao thông (ATGT), họp chợ trên đường là rất nguy hiểm. Đã có tình huống giao thông bất ngờ xảy đến do chăm chú mua bán, nhiều người đã không kịp xử lý. Không ít vụ tai nạn giao thông đau lòng xảy ra đối với người tham gia giao thông khi đi qua những chợ kiểu như vậy.

Giải pháp nào dẹp chợ trái phép?

Nguyên nhân chính của việc họp chợ trái phép trên các tuyến giao thông là do sự thiếu ý thức của người dân.

Theo Nghị định số 34 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, hành vi chiếm dụng đường phố để kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày bán hàng hóa, buôn bán vật liệu xây dựng, sửa chữa hoặc rửa xe... có thể bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng. Hành vi họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ ngoài đô thị cũng bị phạt từ 300 đến 500 ngàn đồng.

Tuy nhiên, cũng cần nói đến sự buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền. Có một thực tế là việc địa phương kiểm soát người dân bán hàng ở các khu vực cấm là rất khó. Ông Phạm Thanh Thoại, Đội trưởng đội Quản lý trật tự đô thị thị xã Đồng Xoài cho biết: “Do điều kiện kinh tế khó khăn nên một số người vẫn cố tình vi phạm hành lang an toàn đường bộ để buôn bán. Chúng tôi đã dẹp nhiều lần nhưng chợ tạm vẫn không thể giải quyết tận gốc. Quan trọng nhất là cán bộ địa bàn phải giải thích, tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân”. Hạn chế tình trạng họp chợ trái phép, tiến tới dẹp bỏ chợ cóc, chợ tạm, lập lại hành lang, đảm bảo ATGT trên các tuyến đường nếu chỉ mình đội quản lý trật tự đô thị sẽ không thể thực hiện được. Vì vậy, muốn có sự thay đổi tích cực, cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ quy hoạch chợ đến biện pháp tuyên truyền cũng như tăng cường tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm với sự chung tay của nhiều cấp, ngành, đoàn thể và đơn vị chức năng.

Thời điểm này, bên cạnh việc nhanh chóng giải tỏa và mạnh tay với những trường hợp vi phạm, Ban ATGT tỉnh đã có công văn yêu cầu lực lượng thanh tra giao thông chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan và địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng họp chợ trái phép. Với các trường hợp lấn chiếm lòng, lề đường phơi nông sản, sửa, rửa xe để nước chảy tràn ra mặt đường... sẽ bị xử phạt nặng. Những trường hợp vi phạm, sau khi xử lý phải làm cam kết không tái phạm, nếu tái phạm sẽ bị phạt nặng hơn. Nếu để tình trạng họp chợ trái phép tiếp tục xảy ra thì UBND xã, phường, thị trấn đó phải chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, nếu muốn xóa bỏ triệt để tình trạng họp chợ trái phép, tránh tình trạng dẹp chỗ này, mọc chỗ kia, bên cạnh việc đẩy mạnh các giải pháp trên thì việc nâng cấp, mở rộng các chợ hiện có; quy hoạch chợ hợp lý về địa điểm, quy mô, tạo mặt bằng họp chợ cho những người bán hàng rong ở gần các khu vực đông dân cư cũng cần được chú ý để không còn kiểu “bắt cóc bỏ dĩa” như hiện nay.       

Bảo An

  • Từ khóa
44539

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu