Thứ 5, 28/03/2024 20:21:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:13, 03/04/2015 GMT+7

Hệ lụy từ mua bán điều trong vùng DTTS: Phá vườn, đe dọa chém người, rồi kéo nhau ra tòa

Thứ 6, 03/04/2015 | 07:13:00 330 lượt xem

BP - Tình trạng mua, bán điều bông trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn âm ỉ diễn ra thời gian qua. Đây là nguy cơ tiềm ẩn tình trạng mất ổn định an ninh trật tự trong vùng đồng bào DTTS. Thời gian qua, Báo Bình Phước đã có nhiều tin, bài cảnh báo về hậu quả của tình trạng này... Số báo kỳ này chúng tôi đề cập đến một vụ án tranh chấp dân sự về mua bán điều bông và rẫy điều tại xã Bình Minh, huyện Bù Đăng. Vụ án đã qua 4 phiên tòa xét xử ở hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm nhưng vẫn chưa có kết quả. Đây là một trong những hệ lụy điển hình của việc mua, bán điều bông trong vùng đồng bào DTTS thời gian qua.

Ông Nguyễn Hữu Thắng (ngoài cùng bên trái) tại vườn điều đang tranh chấp

Năm 2011, vợ chồng bà Lê Thị Bền - ông Nguyễn Hữu Thắng mua vườn điều 4 ha của vợ chồng bà Nguyễn Thị Nguyệt - ông Trần Văn Hành, trú ấp 2, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng với giá 500 triệu đồng. Đến năm 2012, vợ chồng bà Thị Da Rốt - ông Điểu Sung (dân tộc Xêtiêng) ủy quyền cho luật sư gửi đơn ra tòa kiện vợ chồng bà Nguyệt - ông Hành đòi lại vườn điều này. Từ đó đến nay đã diễn ra 4 phiên tòa xét xử ở hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm nhưng vẫn chưa có kết quả. Bên nguyên đơn vừa khởi kiện vừa phá hoại tài sản trên vườn điều đang tranh chấp và huy động người trong gia đình vào nhặt, cướp điều. Công an xã đã vào cuộc nhưng do đất đang tranh chấp nên không thể giải quyết triệt để.

TRÁI ĐIỀU ĐẮNG TỪ ĐẤT KHÔNG SỔ

Xin tóm tắt lại vụ án tranh chấp này như sau: Vợ chồng bà Rốt - ông Sung, trú thôn 4, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng khai hoang được mảnh vườn trồng điều với diện tích hơn 4 ha tại khoảnh 7, Tiểu khu 156, thuộc thôn 5, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng. Đây là đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng quản lý. Tháng 4-2007, vợ chồng bà Rốt bán vườn điều bông cho vợ chồng bà Nguyệt. Sau đó, vợ chồng bà Nguyệt bán vườn điều cho vợ chồng bà Bền. Năm 2012, vợ chồng bà Rốt khởi kiện ra tòa yêu cầu hủy hợp đồng mua bán giữa họ với vợ chồng bà Nguyệt. Từ đó xảy ra tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất...

Vợ chồng ông Sung - bà Rốt và bà Nguyệt với vườn điều đang tranh chấp

Sau hai phiên tòa sơ thẩm và một phiên phúc thẩm không có kết quả, ngày 29-8-2014, tại phiên tòa phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, Hội đồng xét xử đã hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm và trả hồ sơ về Tòa án nhân dân huyện Bù Đăng giải quyết lại theo thủ tục chung.

Ông Thắng trú thôn Bom Bo, xã Bình Minh, bức xúc: “Sau khi mua vườn điều được 1 năm thì có đơn kiện giữa vợ chồng bà Rốt với vợ chồng bà Nguyệt. Kể từ đó, gia đình tôi không còn yên ổn để thu hoạch hoa lợi trên vườn điều mình đã mua”. Trả lời câu hỏi vì sao đất chưa có giấy tờ hợp lệ mà vẫn mua, ông Thắng cho biết: “Đất ở đây đều chưa có giấy tờ. Mong muốn của vợ chồng tôi là chờ tòa án xét xử và sẽ thực hiện theo quyết định của tòa án”.

HẬU QUẢ CỦA VIẾT TAY, ĐIỂM CHỈ

Trong quá trình thu thập thông tin, tài liệu về vụ tranh chấp dân sự này, chúng tôi đã phát hiện thêm nhiều vấn đề xung quanh việc mua bán, trao đổi vườn rẫy trong vùng đồng bào DTTS.

Hai lần giao dịch mua bán đất vườn điều giữa vợ chồng bà Rốt với vợ chồng bà Nguyệt được thể hiện bằng hai tờ giấy viết tay vào hai thời điểm khác nhau. Thay vì giấy tờ mua bán phải được lập thành hai bản như nhau, có xác nhận của cơ quan chức năng và mỗi bên giữ một bản thì trong trường hợp mua bán vườn điều giữa vợ chồng bà Rốt với vợ chồng bà Nguyệt mỗi lần mua bán chỉ được lập một bản. Bản này do bên người mua là vợ chồng bà Nguyệt giữ. Bà Nguyệt cho biết: Do đất chưa được cấp giấy tờ hợp lệ nên khi giao dịch mua bán là do hai bên tự nguyện, chính quyền địa phương không chứng nhận cho các giao dịch này. Ai mua bán trao đổi cũng đều làm như vậy.

Nó đến nó kêu mình đổi 75 triệu đồng để lấy cái ôtô chở con đi chơi và 40 triệu đồng lấy cái máy cày, tiền gạo 15 triệu và tiền mặt 50 triệu đồng. Mình đang khó, nó kêu lấy thì mình lấy vậy thôi. Ôtô và máy cày hư bỏ đi từ lâu rồi.

Thị Da Rốt

Khi được hỏi về việc mua bán vườn điều với gia đình bà Nguyệt, ông Điểu Sung bức xúc: “Tôi bán điều bông chứ tôi không bán đất. Lợi dụng tôi không biết chữ nên họ kéo người vào đe dọa chém tôi ngay tại nhà và ép ký giấy, rồi lấy đất của tôi bán cho ông Thắng. Bây giờ hết thời hạn bán điều bông, không trả đất thì tôi chém người đang làm trên đất của tôi”.

Bà Rốt và ông Sung đều không biết chữ. Giấy tờ mua bán vườn điều đều do bên mua viết sẵn để họ điểm chỉ vào. Nội dung tờ giấy mua bán có đoạn viết: “Nay với hoàn cảnh khó khăn, tôi làm giấy này để bán đám điều bông...”. Nhưng trên thực tế là người mua đã đổi 1 xe máy cày và 1 xe ôtô và một số khoản khác cho người bán.

BÀI HỌC ĐẮT GIÁ

Việc đổi máy cày và xe ôtô là do người ta tự đến kêu mình đi mua máy cày cho người ta để người ta vào rẫy chở củi, mua ôtô người ta dùng để đi nhà thờ cho khỏi mưa ướt, không bao giờ tôi nói sai một lời, họ đã năn nỉ tôi như vậy.

Nguyễn Thị Nguyệt

Những năm qua, tình trạng đồng bào DTTS đổi đất sản xuất lấy phương tiện đi lại đã diễn ra không ít. Các giao dịch, trao đổi thường diễn ra kín đáo nên các cấp chính quyền không biết. Khi hay thì sự việc đã rồi. Như trường hợp của vợ chồng ông Điểu Sung, vườn điều 4 ha đã được bán cho người thứ ba là vợ chồng bà Bền. Do vườn điều thuộc khoảnh 7, Tiểu khu 156, tại thôn 5, xã Bình Minh là đất thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng. Vì vậy, việc giải quyết tranh chấp giữa ba bên càng trở nên phức tạp. Đây chính là hậu quả của việc mua bán, sang nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trái pháp luật.

Chúng tôi xin không bàn luận đến các tình huống pháp lý phát sinh trong các quan hệ dân sự ở vụ án này. Kết quả cuối cùng của vụ án sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, từ vụ việc này, chúng tôi muốn nêu lên những hệ lụy phát sinh từ việc mua bán vườn điều khi không được cơ quan chức năng xác nhận, đặc biệt với những vườn điều chưa được cấp giấy tờ hợp lệ. Mong rằng, đây là bài học đắt giá cho những ai đã, đang hoặc có ý định mua bán đất, điều bông trong vùng đồng bào DTTS.

Ngày 15-9-2010, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 14/2010/CT-UBND về việc nghiêm cấm mua bán, sang nhượng đất xâm canh trên địa bàn tỉnh dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, không ít người vẫn bất chấp chỉ thị này, vi phạm pháp luật về đất đai. Hậu quả trước mắt là họ sẽ phải chịu thiệt hại về kinh tế khi xảy ra tranh chấp và làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

Văn Tuyên - Trung Sinh

  • Từ khóa
92601

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu