Thứ 5, 25/04/2024 04:05:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 13:09, 15/07/2017 GMT+7

Hệ lụy từ “cơi nới” và chuyện “bắc thang lên hỏi ông trời”...

Thứ 7, 15/07/2017 | 13:09:00 1,459 lượt xem
BP - Những ngày qua, báo chí đã tốn khá nhiều giấy mực và dư luận xã hội cũng tốn không ít thời gian để bàn tán về vụ án “hợp đồng tình cảm” giữa Trương Hồ Phương Nga (29 tuổi) - hoa hậu người Việt tại Nga và một CEO công nghệ đã lên tầm “đại gia” là ông Cao Toàn Mỹ. Người xưa nói rằng “giàu đổi bạn, sang đổi vợ” xem ra không còn đúng nữa. Bởi thời nay khác xưa ở chỗ là khi đã có nhiều tiền, lại có chức, có quyền và được xã hội gọi là “đại gia” thì người ta chỉ muốn “cơi nới chứ không thay mới”.

Trong xã hội ngày nay, việc “cơi nới” này không chỉ là chuyện riêng của nguyên đơn Cao Toàn Mỹ và bị đơn Trương Hồ Phương Nga, mà còn có rất nhiều cặp đôi chung sống với nhau như vợ chồng, nhưng họ không đăng ký kết hôn. Và ở đời từ thượng cổ cho đến nay, chuyện ông bỏ tiền, bà bỏ tình là lẽ thường, bởi chẳng ai dại dột đến mức “cho không, biếu không” ai điều gì. Thế nhưng họ không biết được những tiềm ẩn về nguy cơ tan vỡ hạnh phúc gia đình, cũng như hệ quả bất lợi cho chính những người trong cuộc và cả người thân của họ.

Phiên tòa xét xử hoa hậu Phương Nga - Ảnh internet

Xét dưới góc độ pháp lý thì việc chung sống như vợ chồng, nhưng không đăng ký kết hôn là trường hợp nam, nữ xác lập quan hệ vợ chồng. Đồng thời, họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng với nhau, với gia đình và với xã hội nhưng không tiến hành đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật. Tại Khoản 7, Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 giải thích: Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau như là vợ chồng. Theo khái niệm trên, những cặp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng và trong suốt thời gian sinh sống họ xác lập các mối quan hệ như vợ chồng thật sự về đời sống tình cảm, con cái cũng như tài sản. Tuy nhiên, ở đây có điều ai cũng hiểu rằng, việc chung sống mà không có sự ràng buộc về mặt pháp lý thì các mối quan hệ thường có xu hướng dễ tan vỡ hơn các cặp vợ chồng kết hôn theo đúng quy định của pháp luật, tức là có đăng ký kết hôn.

Trong thực tế cho thấy, cuộc sống vợ chồng nói riêng và gia đình nói chung khó tránh khỏi mâu thuẫn, xung đột dù là rất nhỏ, thậm chí là những mâu thuẫn bắt nguồn từ nguyên nhân chẳng đâu vào đâu. Rồi từ những mâu thuẫn nhỏ ấy tích tụ dần và dẫn đến mâu thuẫn lớn không thể khắc phục. Khi ấy nếu quan hệ vợ chồng chỉ dựa vào ý chí của hai bên, không có sự ràng buộc của pháp luật, chắc chắn sẽ dẫn đến thích thì ở, không thích thì dễ dàng chia tay. Trong trường hợp này, hệ lụy khó giải quyết vẫn là tài sản. Mà theo quy định của pháp luật thì tài sản của nam, nữ chung sống không đăng ký kết hôn sẽ được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên (Điều 130 Luật Hôn nhân và gia đình 2014). Trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Từ xưa ông bà ta đã có câu rằng “bắc thang lên hỏi ông trời, đem tiền cho gái có đòi được không?”. Trời cao như vậy có cái thang nào cho người ta trèo tới nơi để hỏi. Và cũng thật thâm thúy nhưng cũng vô cùng chua cay, pha lẫn sự hài hước của người đời với câu trả lời đã được dân gian chế lại rằng: “Ông trời mới bảo rằng không. Ta không đòi được huống chi là người”. Đến đây thì chắc ai cũng hiểu rõ hệ lụy của việc sống chung như vợ chồng và như cách nói thời nay là hệ lụy của sự thích “cơi nới”. Nhưng đây mới chỉ là hệ lụy về tình cảm, tài sản và được giải quyết theo pháp luật dân sự.

Còn về pháp luật hình sự thì việc “cơi nới” hay sống chung như vợ chồng có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và có nguy cơ phải ở tù từ 6 tháng đến 3 năm. Điều 182 của Bộ luật Hình sự hiện hành quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng như sau: Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm: Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; Đã có quyết định của tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Từ những phân tích về hệ lụy của việc “cơi nới” như trên, mong rằng trong cuộc đời này sẽ không bao giờ còn xảy ra chuyện “hợp đồng tình ái” và cũng mong đừng ai phải vào tù vì “thừa tiền”.

D.V

  • Từ khóa
29866

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu