Thứ 7, 20/04/2024 08:10:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:32, 27/01/2018 GMT+7

Hệ lụy khó lường từ cà phê giả

Thứ 7, 27/01/2018 | 09:32:00 113 lượt xem

BP - Thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh cho biết, đơn vị này đã phát hiện nhiều vụ buôn bán, tiêu thụ cà phê bột giả (không có chất cafein hoặc tỷ lệ rất thấp so với quy định). Chi cục cũng đã tổ chức tiêu hủy trên 5,8 tấn cà phê giả không có giá trị sử dụng do các lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ. Tây Ninh là tỉnh giáp ranh với Bình Phước. Người dân có thói quen uống cà phê ở Bình Phước đang lo ngại khi tình trạng mua bán cà phê giả tràn lan như hiện nay.

Thống kê từ các vụ việc cho thấy, các cơ sở sản xuất thường mang cà phê bột giả đã đóng gói, vận chuyển bằng xe tải đưa đi nơi xa để tiêu thụ. Số cà phê này sau đó được bỏ mối lại cho các quán cà phê, tiệm tạp hóa để bán cho người dân. Đa số khách hàng, kể cả những người mua sỉ rồi bỏ mối lẻ cho các đại lý nhỏ hơn và các quán cà phê đều không biết loại cà phê mà mình đã mua được chế biến từ đậu nành và phụ gia. Bởi vì chúng được làm rất tinh xảo, giống y như thật, chỉ có người sành về cà phê mới phát hiện ra.

Thói quen uống cà phê đã ăn sâu vào nếp sinh hoạt của nhiều người Việt Nam và quán cà phê thì có ở mọi nơi. Chỉ tiếc rằng họ không biết mình đang uống một thứ cà phê giả, độc hại. Theo các “nhà sản xuất cà phê dỏm”, hóa chất được tẩm ướp để biến ngô (bắp), đậu nành thành cà phê có tới 20 loại, trong đó chủ yếu là caramen tạo màu và vị ngọt, dầu ăn đông cứng, đường hóa học và tinh dầu tạo mùi thơm. Trong đó chất tạo màu caramen thường sử dụng trong công nghiệp chế biến thực phẩm, có thể gây ung thư. Mỗi một kilôgam ngô, đậu nành để biến thành cà phê cần tới 0,15kg caramen. Sau khi đổ caramen khoảng 4 phút, các chủ lò rang rắc đường hóa học vào để tăng vị ngọt. Hỗn hợp này được trộn đều để caramen khô lại, làm nguội và được các chuyên gia tẩm ướp bằng bơ công nghiệp cùng các loại dầu ăn không mùi là phụ gia. Tuy nhiên, nguy hiểm nhất trong giai đoạn này là sự có mặt của hóa chất tạo đặc (CMC) trộn chung với các loại dầu nhằm làm cô đặc hỗn hợp. Khâu cuối cùng là thêm hương vị cà phê bằng tinh dầu thơm không biết là tinh dầu gì và có được phép dùng trong thực phẩm hay không. Đến khi pha chế, các quán cà phê thường thêm chất tạo bọt, vốn là chất dùng trong công nghệ tẩy rửa.

Hiện nay, việc quản lý chất lượng cà phê chỉ quy định tỷ lệ cafein mà chưa quan tâm tới nguồn gốc hoặc quá trình chế biến. Việc kiểm tra, kiểm soát cũng chỉ có ở các cơ sở sản xuất cà phê gói bán trên thị trường. Còn cà phê pha chế giải khát thì thuộc về các đơn vị kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng các đơn vị này không đủ khả năng kiểm tra chất lượng cà phê, nhất là khó có thể kiểm tra hết hàng ngàn quán cà phê trên địa bàn. Vì vậy, chất lượng cà phê đường phố hiện gần như bị buông thả. Và, vì lợi nhuận các “nhà sản xuất cà phê giả” vẫn tiếp tục đầu độc khách hàng. Từ thực tế đó cho thấy, cần sớm đưa quy định vào luật pháp, bắt buộc tất cả quán nước, nhà hàng có bán cà phê phải công bố nguồn gốc, chất lượng, thành phần cà phê mà mình pha chế. Các cơ sở sản xuất cà phê bột phải đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và chịu sự kiểm tra thường xuyên của cơ quan chức năng. Đây cũng là điều mà dân ghiền cà phê đang rất trông chờ để có ly cà phê sạch, thơm ngon, an toàn.

Thanh Hà

  • Từ khóa
108804

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu