Thứ 4, 24/04/2024 22:02:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 14:41, 25/02/2017 GMT+7

Hãy là người có lòng tự trọng!

Thứ 7, 25/02/2017 | 14:41:00 98 lượt xem

BP - Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2016, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2017 của Hội đồng thi đua - khen thưởng Trung ương tổ chức ngày 23-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng thi đua - khen thưởng Trung ương cho rằng, thời gian qua trong dư luận, nhân dân có sự phản ứng về những biểu hiện thiếu lành mạnh trong công tác thi đua, khen thưởng; chưa chọn được những tấm gương thực sự tiêu biểu, lay động lòng người; công tác khen thưởng nhiều lúc vẫn còn hình thức và “khen lãnh đạo nhiều quá”. Thủ tướng nhấn mạnh, thi đua - khen thưởng phải dành cái gì đó thật ý nghĩa đối với người dân vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu số.

Một trong những nguyên tắc của công tác khen thưởng là “đúng người, đúng việc”, thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó. Điều 2, Nghị định số 65/NĐ-CP, ngày 1-7-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013 đã quy định, thành tích đạt được trong điều kiện khó khăn và có phạm vi ảnh hưởng lớn được khen thưởng mức cao hơn. Chú trọng khen thưởng cá nhân là người trực tiếp lao động, công tác, chiến đấu (công nhân, nông dân, chiến sĩ) và cá nhân có nhiều sáng tạo trong lao động, công tác. Quy định là như vậy song trên thực tế, các hình thức khen thưởng cao đối với cá nhân như huân chương, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ... chủ yếu “rơi” vào các cán bộ có chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan, đơn vị. Rất hiếm khi công nhân, nông dân, chiến sĩ và nhân viên trong các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp của nhà nước “chạm” được vào các hình thức khen thưởng cao.

Đây là vấn đề cần phải được thay đổi. Trước hết, đó là từ nhận thức của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Nếu người đứng đầu thực hiện đúng quy định pháp luật về công tác thi đua - khen thưởng và có tâm trong sáng, công minh thì khen thưởng của đơn vị đó đảm bảo đúng người, đúng việc, đúng thành tích. Ngược lại, nếu người đứng đầu chỉ biết chăm chăm “vun” cho bản thân và “tay chân” mặc dù họ chẳng có thành tích gì xứng đáng thì rõ ràng công tác khen thưởng ở đó sẽ biến thành “sân khấu” để tung hô, nịnh nọt lẫn nhau, làm mất tác dụng của phong trào thi đua, gây bất bình trong tập thể, dư luận. Trong suy nghĩ của không ít cán bộ hiện nay, muốn được đề bạt, bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo thì phải có quá trình khen thưởng “cao và nhiều” để cấp trên “nhìn là thấy” nên họ luôn tìm mọi cách để “được” khen thưởng.

Bên cạnh đó, công tác thẩm định thủ tục, hồ sơ đề nghị khen thưởng tại một số bộ, ngành, địa phương còn lỏng lẻo dẫn đến những hệ lụy đáng buồn. Như việc ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang khi còn làm lãnh đạo chủ chốt tại Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) đã để doanh nghiệp này thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng, thế nhưng bản thân ông vẫn được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và huân chương; còn tập thể thì được tặng huân chương và danh hiệu Anh hùng Lao động. Liên quan đến vụ việc này, bà Trần Thị Hà, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã bị kỷ luật khiển trách.

Khi công tác khen thưởng hướng đến những người lao động trực tiếp, những con người không quản khó khăn, gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao thì sức lan tỏa sẽ rất lớn. Đồng thời là đòn bẩy trong công tác thi đua - khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến để mọi người học tập. Đây cũng là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi kết luận hội nghị nói trên “Người tốt thường có lòng tự trọng nên không đi xin bằng khen. Chúng ta phải tìm đến họ để khen thưởng kịp thời, các cơ quan chuyên môn phải làm việc này”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta, thế nhưng Người đã từ chối nhận Huân chương Sao Vàng của Nhà nước ta, cũng như Huân chương Lênin của Liên Xô với lý do rất mực khiêm tốn “tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng”. Tấm gương của Bác đáng để nhiều người phải suy ngẫm lại bản thân mình, hãy là người có lòng tự trọng!

Ngọc Nguyên

  • Từ khóa
108586

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu