Thứ 7, 20/04/2024 04:11:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 08:20, 21/08/2018 GMT+7

Hãy “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”!

Thứ 3, 21/08/2018 | 08:20:00 179 lượt xem

BP - Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh vừa thu gom gần 300kg bao gói, vỏ chai thuốc BVTV trên địa bàn Bình Long, Đồng Xoài, Lộc Ninh, Đồng Phú để tiêu hủy tại Nhà máy xi măng Insee Việt Nam. Đây là giai đoạn 2 của chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” do Cục BVTV, Trung tâm BVTV phía Nam, Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh phối hợp Tập đoàn Lộc Trời và 16 công ty, doanh nghiệp sản xuất phân bón, thuốc BVTV triển khai tại 22 tỉnh, thành phía Nam, trong đó có Bình Phước. Chương trình đã góp phần tạo ý thức bảo vệ môi trường sống, hệ sinh thái, xây dựng nền nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị, thương hiệu nông sản Việt Nam.

Theo thống kê của Cục BVTV, mỗi năm cả nước nhập khẩu khoảng hơn 160 ngàn tấn hóa chất BVTV. Ngoài ra còn một lượng lớn thuốc BVTV được sản xuất trong nước. Theo ước tính, lượng bao bì thuốc BVTV chiếm khoảng 15% lượng thuốc tiêu thụ. Như vậy, số lượng vỏ thuốc BVTV lên tới hàng chục ngàn tấn mỗi năm. Bình Phước có tiềm năng phát triển các loại cây công nghiệp và cây ăn trái - là những loại cây cần nhiều thuốc BVTV. Theo tính toán của một chủ trang trại cây ăn trái “có tiếng” tại thị xã Đồng Xoài, mỗi héc ta cây ăn trái người trồng phải chi phí khoảng 20 triệu đồng thuốc BVTV/năm. Như thế để thấy lượng thuốc BVTV tiêu thụ hằng năm trên địa bàn tỉnh là rất lớn, đồng nghĩa với lượng bao bì thuốc BVTV không nhỏ. Trước đây, vỏ thuốc BVTV chủ yếu là chai thủy tinh hoặc vỏ kẽm nhưng nay chủ yếu là dạng vỏ nhựa và các túi polyethylen, là những chất nếu chôn xuống đất hàng trăm năm cũng không phân giải hết. Các nghiên cứu cho thấy có từ 1-2% thuốc còn sót lại trên bao bì. Đây là loại chất thải rắn độc hại, gây tác động rất xấu tới môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Hiện trên địa bàn tỉnh đã có một số trang trại như trang trại Ba Đảo ở thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín, thị xã Phước Long và trang trại Quý Đông ở ấp Suối Nhung, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo ông Ba Đảo, mỗi năm trang trại gần 60 ha của ông phải chi phí khoảng 300 triệu đồng thuốc BVTV, tương đương với kinh phí chi cho phân bón. Ông Ba Đảo cho biết sẵn sàng chịu một phần chi phí nếu các công ty, nhà máy sản xuất thuốc BVTV thu gom và xử lý số bao bì độc hại này. Còn chủ trang trại Quý Đông thì tỏ ra bức xúc khi các công ty, nhà máy sản xuất và nhập khẩu thuốc BVTV chỉ quan tâm đến lợi nhuận chứ không có trách nhiệm đối với nông dân.

Mấy năm trước, trên địa bàn tỉnh rộ lên thông tin một số khu dân cư có tỷ lệ người mắc bệnh ung thư cao như ở khu phố Sơn Long, phường Sơn Giang, thị xã Phước Long; xã Bình Tân, nay thuộc huyện Phú Riềng; ấp Sở Líp, xã Phước An cùng với ấp Thanh Sơn, xã Thanh An và ấp 8, xã An Khương đều ở huyện Hớn Quản. Trong các đợt tiếp xúc với đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, cử tri đã nhiều lần kiến nghị làm rõ nguyên nhân và ngành y tế tỉnh đã vào cuộc. Dù ngành y tế không kết luận nguồn nước là nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ người mắc ung thư cao ở các địa bàn này nhưng có một thực tế là người dân đã vứt bừa bãi vỏ bao thuốc BVTV ra môi trường, làm ô nhiễm nguồn nước, đất và không khí. Bởi thế, chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” mà các đơn vị nói trên đang chủ động thực hiện thực sự là việc làm rất đáng biểu dương, cần nhân rộng.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa
108937

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu