Thứ 6, 19/04/2024 09:03:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 14:24, 02/10/2015 GMT+7

Hãy cho người nghèo “chiếc cần câu”

Thứ 6, 02/10/2015 | 14:24:00 172 lượt xem

BP - Sáng 25-9, phát biểu trong phiên Đối thoại cấp cao về xóa đói giảm nghèo tại trụ sở Liên hiệp quốc, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị:

 “... Cần tăng cường biện pháp và nguồn lực hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương, các vùng, địa phương nghèo và thiệt thòi nhất, đặc biệt về hạ tầng cơ sở, hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm và thu nhập, cải thiện các dịch vụ y tế, giáo dục... theo phương châm hỗ trợ “con cá” lúc khó khăn ban đầu, tiếp đó là “cần câu” để chính người dân tự vươn lên thoát nghèo”.

Câu chuyện hỗ trợ “con cá” và chiếc “cần câu” không phải là vấn đề mới. Hiện cả nước đang triển khai rất nhiều chương trình, dự án để xóa đói và giảm nghèo bền vững. Công cuộc xóa đói giảm nghèo đã có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ trung ương tới cơ sở. Hầu như ngành, lĩnh vực, địa phương nào cũng đều có chương trình, đề án hành động hướng đến người nghèo. Bên cạnh các nguồn vốn của Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm... cũng mở rộng tấm lòng nhân ái hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, khó khăn vươn lên phát triển kinh tế. Vì vậy, Việt Nam được đánh giá là nước có thành tích ấn tượng trong giảm nghèo, nhất là đã đạt mục tiêu về giảm nghèo trước hạn gần 10 năm. Tỷ lệ nghèo theo chuẩn quốc tế tại nước ta giảm mạnh và liên tục, từ 58,1% năm 1993 xuống còn 8,4% vào năm 2014. Tại Bình Phước, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từng năm. Năm 2011, Bình Phước có 20.498 hộ nghèo (9,29%), 12.417 hộ cận nghèo (5,36%). Đến cuối năm 2014, toàn tỉnh chỉ còn 8.484 hộ nghèo (3,53%) và 6.746 hộ cận nghèo (2,81%). Năm 2015, Bình Phước phấn đấu giảm 1% hộ nghèo.

Thực tế cho thấy, hiện có rất nhiều chương trình, dự án, chính sách trợ giúp hộ nghèo, cận nghèo nhưng việc hỗ trợ còn dàn trải, thậm chí là lắt nhắt, chồng chéo. Bên cạnh đó, một số chính sách còn mang tính chất cho không, tặng không, thiếu yếu tố địa bàn, đối tượng cụ thể gây tâm lý ỷ lại, trông chờ, “hết lại có người cho”, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy mới xuất hiện tình trạng “chạy” hộ nghèo, không muốn thoát nghèo để được hưởng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước. Căn bệnh lười nhác và ỷ lại ở một số hộ nghèo, cận nghèo hầu như tăng tỷ lệ thuận với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Người viết từng nghe một chủ doanh nghiệp xây dựng ở thị xã Đồng Xoài thường xuyên làm công tác từ thiện, hỗ trợ hộ nghèo, khó khăn than rằng: “Năm nào đi tặng quà, hỗ trợ cũng gặp những hộ nghèo đó, thậm chí còn nhiều hơn (do tách hộ). Xé phong bì xong là mua bia, mua mồi về nhậu, ăn hết lại như cũ thì bao giờ mới thoát được nghèo?”. Qua giám sát của Ban Dân tộc, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh trong tháng 4-2015 về công tác giảm nghèo theo Nghị quyết số 06 và 17 của HĐND tỉnh cho thấy, số hộ phát sinh và tái nghèo hằng năm cao. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số không giảm mà lại tăng. Cụ thể, năm 2011, số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 41,56% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh nhưng đến hết năm 2014, tỷ lệ này tăng lên 47,03%.

Như vậy, để xóa đói giảm nghèo bền vững, vấn đề cốt lõi là phải giải quyết được căn nguyên của nó. Đó là làm chuyển biến và thay đổi nếp nghĩ, cách làm của chính người nghèo, hộ nghèo.

Hoàng Thu

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu