Thứ 6, 29/03/2024 00:09:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:30, 17/08/2017 GMT+7

Hậu sinh “khả ố”

Thứ 5, 17/08/2017 | 08:30:00 1,600 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Trần Dụ Tông là vị hoàng đế thứ 7 của triều đại nhà Trần. Ông có tên húy là Trần Hạo, là hoàng tử thứ 10 của vua Trần Minh Tông (1300-1357), thân mẫu là hoàng hậu Hiến Từ. Ông trị vì 28 năm, từ năm 1341-1369. Ông lên ngôi hoàng đế khi tuổi còn nhỏ và khi ấy Minh Hoàng nắm mọi quyền bính, do đó đất nước ổn định. Nhưng sau khi Minh Hoàng qua đời, Dụ Tông đích thân chấp chính và triều đại của ông đánh dấu sự mở đầu của quá trình suy yếu nền chính trị của họ Trần về sau.

Minh họa: S.H

 Năm Kỷ Mão 1339, hoàng tử Hạo bị chết đuối ở Hồ Tây, may nhờ có Trâu Canh dùng phép châm cứu chữa cho sống lại. Trâu Canh vì thế mà được coi là “thần y”, được phong tới chức Quan phục hầu đại sứ Thái y. Về sau Trâu Canh do kém đạo đức, suýt chút nữa thì bị tội chết, nhưng vì có công cứu hoàng tử Hạo nên được tha.

Năm Tân Tỵ 1341, vua Trần Hiến Tông mất, Trần Hạo được lập lên kế vị, hiệu là Trần Dụ Tông, niên hiệu Thiệu Phong, khi đó Trần Dụ Tông mới 5 tuổi. Mãi đến năm Đinh Dậu 1357, thái thượng hoàng Trần Minh Tông mất, vua Trần Dụ Tông lúc đó đã 21 tuổi, chính thức nắm quyền triều chính. Từ khi vua Trần Dụ Tông suốt ngày ăn chơi hưởng lạc, không quan tâm đến việc chính sự, từ đây vương triều nhà Trần bắt đầu đi vào thời kỳ suy thoái. Bọn gian thần nhân cơ hội vua Trần Dụ Tông ham chơi, đã kéo bè kéo cánh, lũng đoạn triều chính.

Để ăn chơi hưởng lạc, Trần Dụ Tông cho sửa sang vườn Lậu Uyển, đào hồ lớn, chất đá làm núi, bắt dân phải chở nước mặn từ biển vào để nuôi đồi mồi, cá biển, lại còn bắt dân vùng Thuận Hóa (Huế) chở cá sấu về thả ở trong hồ. Vua Trần Dụ Tông chơi bời vô độ và còn bị nghiện rượu nặng. Có lần vua Trần Dụ Tông say rượu, nhảy xuống sông tắm và bị cảm lạnh. “Thần y” Trâu Canh, người trước đó từng cứu vua Trần Dụ Tông, đã khuyên nhà vua muốn nhanh khỏi bệnh thì phải giết chết 1 hoàng tử, moi lấy gan mà uống và phải thông dâm với chị em ruột...

Việc vua Trần Dụ Tông ham mê sắc dục và xây dựng nhiều lâu đài, cung điện đã làm hao tốn nhiều tiền của khiến nhân dân cả nước lúc bấy giờ vô cùng khổ sở, quốc khố mỗi ngày một cạn kiệt. Lúc bấy giờ, đời sống của các vương hầu, quý tộc nhà Trần cũng xa hoa không kém, ngay cả Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật trong nhà không lúc nào vắng chèo khách yên ấm. Thấy được mối nguy hiểm đến sự diệt vong của nhà Trần, Chu Văn An, người đỗ Thái học sinh đời vua Trần Minh Tông, liền dâng sớ “thất trảm” xin chém đầu 7 tên gian thần, nhưng vua Trần Dụ Tông không nghe theo, mà còn trọng dụng 7 tên nịnh thần hơn nữa. Chính vì vậy mà Chu Văn An đã treo ấn từ quan.

Triều đình thời vua Trần Dụ Tông ngày càng thối nát, vua và các quan nịnh thần ăn chơi trụy lạc. Và muốn được trường sinh bất tử, vua Trần Dụ Tông nghe lời của “thần y” Trâu Canh tìm một đội “bát tiên” gồm 8 bé gái đúng 8 tuổi, mỗi đứa bé sinh cách nhau một ngày, từ mồng 1 đến mồng 8. Sau đó, huấn luyện đội “bát tiên” học múa hát, kỹ nghệ tình dục. Và đến năm đội “bát tiên” tròn 13 tuổi, dâng lên vua Trần Dụ Tông “dùng”, cứ mỗi ngày một người trong đội “bát tiên” với hy vọng nhà vua sẽ được trường thọ.

Trong khi đó thiên tai bắt đầu xảy ra, dân tình đói kém, cho nên loạn lạc nổi lên như ong. Nhân cơ hội đó, vào năm Mậu Thân 1368, vua Chiêm Thành cho người sang đòi đất Hóa Châu. Vua Chiêm Thành lúc bấy giờ là Chế Bồng Nga, một ông vua tài giỏi, sau đó đã mấy lần đem quân đánh phá kinh thành Thăng Long, làm cho vua tôi nhà Trần phải khiếp sợ. Vì Trần Dụ Tông ăn chơi vô độ, dâm dục nhiều nên sức khỏe ngày càng suy kiệt và mất vào năm Kỷ Dậu 1369, hưởng dương 33 tuổi.

Lời bàn:

Theo sử cũ, triều đại nhà Trần ở nước ta kéo dài 175 năm, trải qua 12 đời vua: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông, Dương Nhật Lễ, Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông, Trần Phế Đế, Trần Thuận Tông, Trần Thiếu Đế. Và trong lịch sử phong kiến Việt Nam, nhà Trần hẳn nhiên là một triều đại lẫy lừng. Về võ công, đây là vương triều đã thống lĩnh quân dân Đại Việt 3 lần chặn đứng vó ngựa cuồng phong của đạo binh viễn chinh Mông Cổ bách chiến bách thắng. Về văn hiến, đây là vương triều đã sản sinh ra tư tưởng Thiền học vừa cởi mở vừa sâu sắc, mà đỉnh cao là sự xuất hiện của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Tiếc rằng, một triều đại lẫy lừng như vậy nhưng đã nhanh chóng sụp đổ chỉ vì một người, đó là Trần Dụ Tông.

Vì thói đam mê hưởng lạc, chỉ trong ít năm trị vì, vua Trần Dụ Tông đã phá nát cơ đồ mà các bậc tiền bối dày công xây dựng trong cả thế kỷ. Bởi thế nên người đời sau mới có câu “hậu sinh khả ố” là vậy. Nhưng suy cho cùng, đó cũng là quy luật của chế độ phong kiến. Sự sụp đổ này có nhiều dấu hiệu giống nhau, đó là tranh giành quyền lực, ăn chơi sa đọa, bòn rút của dân, ngủ quên trên chiến thắng, hèn nhát với ngoại bang. Song, nguyên nhân chính là bởi quyền lực tập trung vào tay một người, một dòng họ, một bộ máy. Và bài học tiền nhân để lại cho hậu thế về vấn đề này là: “Phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc” và “dân là gốc”.

N.D

  • Từ khóa
109948

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu