Thứ 6, 29/03/2024 06:44:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:42, 25/08/2016 GMT+7

Theo dấu thư bạn đọc

Hậu quả của sự tắc trách

Thứ 5, 25/08/2016 | 07:42:00 122 lượt xem

BP - “Là cựu chiến binh và con của liệt sĩ, tôi thấu hiểu nỗi đau của chiến tranh và mong ước của triệu triệu gia đình là tìm được hài cốt người thân đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Hạnh phúc của gia đình tôi là gần nửa thế kỷ qua vẫn được chăm sóc phần mộ cha, ông tại quê hương. Tuy nhiên vì sự vô cảm, thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý mà hơn 3 năm nay, gia đình đã phải gửi đơn kêu cứu từ huyện, tỉnh đến Trung ương nhưng hài cốt của ba tôi vẫn chưa được trở về nơi cũ là Nghĩa trang liệt sĩ huyện Lộc Ninh” - ông Bùi Văn Triệu ở ấp 2, xã Lộc Thuận (Lộc Ninh), con trai liệt sĩ Bùi Văn Thịnh (SN1917) nói. 

Ông Triệu khẳng định: Di dời mộ liệt sĩ đi nơi khác mà không hỏi ý kiến thân nhân trong gia đình, để xảy ra tranh chấp hài cốt liệt sĩ, trách nhiệm thuộc về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Lộc Ninh, đơn vị trực tiếp quản lý và Sở LĐ-TB&XH thiếu trách nhiệm trong thẩm định...

SỬNG SỐT KHI BỊ ĐỔI BIA MỘ CỦA CHA

Căn nhà của cựu chiến binh Bùi Văn Triệu (SN1958) lọt thỏm giữa khu di tích làng Công tra cao su (làng 2), đây cũng chính là ngôi nhà của liệt sĩ Bùi Văn Thịnh (SN1917) để lại trước khi hy sinh. Từ nhà liệt sĩ Thịnh đến nơi hy sinh và được chính quyền xã Lộc Thuận làm lễ truy điệu, chôn cất năm 1969 ở đồi nhà Tây, làng 2 (nghĩa trang làng 2 cũ) khoảng 700m.

Liệt sĩ Bùi Văn Thịnh tham gia cách mạng năm 1960, hy sinh lúc 8 giờ, ngày 23-1-1969, khi ông đang đi vận động hỏa tuyến phục vụ chiến trường tại làng 2. Trước khi hy sinh, ông Thịnh giữ chức Chủ tịch UBND xã Lộc Thuận.

Cựu chiến binh Bùi Văn Triệu và bằng “Tổ quốc ghi công” (ảnh nhỏ) cùng chồng hồ sơ đi “đòi lại” hài cốt của cha mình là liệt sĩ Bùi Văn Thịnh

 Ông Triệu ngậm ngùi kể: “Đêm 25-1-1969 (2 ngày sau khi ông Thịnh hy sinh), xã Lộc Thuận và Bộ đội  C31 đã đưa gia đình đến nhận mộ và tổ chức lễ truy điệu, phát tang. Mộ ba tôi ở gần nhà nên gia đình vẫn thường xuyên thăm nom, chăm sóc. Năm 1977, Nhà nước có chính sách quy tập hài cốt liệt sĩ, mộ ba tôi được chuyển về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Lộc Ninh số 13, hàng 1B, khu 3B. Người chứng kiến chôn cất, truy điệu ba tôi năm 1969 và cả khi di dời hài cốt về Nghĩa trang liệt sĩ huyện năm 1977 là ông Trịnh Văn Bách, nguyên Bí thư Chi bộ xã Lộc Thuận, nay đã hơn 100 tuổi vẫn còn sống và rất minh mẫn”. 

Ông Triệu vẫn còn nhớ như in buổi sáng ngày âm lịch 25-12-2012 (ngày tảo mộ hằng năm), cả gia đình sửng sốt khi thấy mộ cha mình trên bia ghi thông tin liệt sĩ cùng tên nhưng khác quê quán, năm sinh: Bùi Văn Thịnh, sinh năm 1947, hy sinh năm 1968, quê quán xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng).

HẬU QUẢ CỦA SỰ TẮC TRÁCH

Sau nghỉ tết, ông Triệu đã báo Phòng LĐ-TB&XH Lộc Ninh và được cán bộ phòng này trả lời “Lấy trên mạng xem để điều chỉnh sau”. 3 tháng liên tiếp, ông Triệu nhiều lần lên Phòng LĐ-TB&XH huyện đề nghị làm rõ và cuối cùng được cán bộ phòng trả lời: Hài cốt liệt sĩ Bùi Văn Thịnh đã được chuyển về Nghĩa trang liệt sĩ cụm Ngũ Lão, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng).

Cũng từ năm 2013 đến nay, ông Triệu đã nhiều lần lên Phòng LĐ-TB&XH, Sở LĐ-TB&XH và gửi đơn cầu cứu Cục Chính sách, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH... nhưng hài cốt liệt sĩ Bùi Văn Thịnh vẫn chưa được đưa về lại Nghĩa trang liệt sĩ  Lộc Ninh như mong mỏi của con, cháu. Ông Triệu cho biết thêm, Phòng LĐ-TB&XH Lộc Ninh lấy căn cứ là liệt sĩ Bùi Văn Thịnh hy sinh năm 1969 nhưng trên bia mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện ghi năm 1968. Trong khi, liệt sĩ Bùi Văn Thịnh (SN1947) hy sinh năm 1969 (đúng như bia mộ ghi). Trước đó, việc sai năm hy sinh trên bia mộ liệt sĩ đã được gia đình ông Triệu phát hiện và báo Phòng LĐ-TB&XH huyện xin được sửa và phòng hứa sẽ sửa nhưng mãi không làm.

Hơn 3 năm đi đòi hài cốt cha mình là liệt sĩ, hồ sơ đơn từ của ông Triệu đã chất cao

Ngày 30-9-2010, Phòng LĐ-TB&XH Lộc Ninh có Công văn số 150/LĐ-TB&XH gửi Sở LĐ-TB&XH, đề nghị đính chính thông tin trên bia mộ liệt sĩ Bùi Văn Thịnh (SN1947) theo yêu cầu của ông Bùi Bá Vinh (anh trai liệt sĩ Bùi Văn Thịnh, SN1947). Ngày 18-10-2010, hài cốt liệt sĩ Bùi Văn Thịnh đã được di dời về Nghĩa trang liệt sĩ Ngũ Lão (Hải Phòng) theo đơn đề nghị của ông Vinh. Ông Triệu cho rằng có nhiều uẩn khúc bởi năm nào gia đình cũng đi tảo mộ nhưng đến cuối năm 2012 mới thấy thay đổi thông tin trên bia mộ. Thứ 2, nếu hài cốt liệt sĩ Bùi Văn Thịnh đã được chuyển về Nghĩa trang liệt sĩ Ngũ Lão cuối năm 2010, thì trên mộ liệt sĩ Thịnh trong Nghĩa trang liệt sĩ Lộc Ninh phải được ghi là “đã di dời” như những mộ liệt sĩ khác đã di dời.  Thế nhưng, khi chúng tôi đến Nghĩa trang liệt sĩ Lộc Ninh thì phần mộ liệt sĩ Thịnh vẫn nằm giữa anh em đồng đội của C31, chỉ khác là sinh năm 1947 và quê ở Hải Phòng mà không hề có dòng chữ đã di dời.

ĐẨY THÂN NHÂN LIỆT SĨ VÀO NGÕ CỤT?

Nhân chứng, vật chứng đều chứng minh rõ hài cốt dưới ngôi mộ số 13, hàng 1B, khu 3B, tại Nghĩa trang liệt sĩ Lộc Ninh là liệt sĩ Bùi Văn Thịnh, sinh năm 1917 chứ không phải là liệt sĩ Bùi Văn Thịnh, sinh năm 1947, quê ở Hải Phòng. Để giải quyết tranh chấp, Cục Người có công, Sở LĐ-TB&XH đề nghị Phòng LĐ-TB&XH Lộc Ninh tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch lấy mẫu phẩm theo huyết thống của 2 gia đình (anh, chị em ruột của liệt sĩ).

Ông Triệu lý giải: Trên giấy tờ ghi ba của tôi quê gốc ở Ân Thi, Hải Hưng và thực tế sống ở Lộc Thuận, Lộc Ninh. Cha tôi ly hương đi công tra vào Lộc Ninh từ cuối thế kỷ XIX. Chiến tranh chia cắt 2 miền và mẹ con tôi chỉ nghe ông kể ở quê có 1 chị gái. Nếu tính theo mốc thời gian thì nay chị gái ba tôi đã hơn 100 tuổi. Ba tôi đã mất, gia đình tôi cũng chưa có điều kiện đi tìm chị gái của cha mình. Vì thế, xét nghiệm ADN theo huyết thống anh - em ruột rất khó.

Ông Triệu cho rằng: Giải quyết tranh chấp bằng xác định ADN với gia đình ông thì lấy mẫu phẩm của con trai (ngoài ông Triệu thì liệt sĩ Bùi Văn Thịnh còn có người con trai Bùi Văn Phước, sinh năm 1954 hiện ở ấp 2, xã Lộc Thuận) thì sẽ đơn giản và thuận lợi hơn rất nhiều. Hoặc chấp nhận kết quả ADN của gia đình liệt sĩ Bùi Văn Thịnh, sinh năm 1947 (Hải Phòng), có chứng giám của Cục Chính sách và gia đình ông Triệu.

Theo trích lục số 167/CS-TBLS của Cục Chính sách ngày 20-7-2015 về cung cấp thông tin liệt sĩ Bùi Văn Thịnh, sinh năm 1947, quê quán: Xã Phục Lễ, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), nhập ngũ năm 1966, đơn vị khi hy sinh E 10/F4/QK9, cấp bậc: binh Nhất, hy sinh ngày 3-2-1968 (mất tích khi đang chiến đấu). Như vậy, liệt sĩ Bùi Văn Thịnh thuộc Quân khu 9 và khó có thể hy sinh ở Lộc Ninh, thuộc Quân khu 7.

Phóng viên Kinh tế

  • Từ khóa
95095

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu