Thứ 5, 28/03/2024 23:21:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:51, 09/02/2016 GMT+7

Hậu duệ Tề thiên bán vé số

Thứ 3, 09/02/2016 | 07:51:00 276 lượt xem
BP - Chúng tôi gặp bà tại một quán nước ở trung tâm hành chính huyện Chơn Thành. Bà bán vé số dạo như bao người, chỉ khác một điều là đi đâu bà cũng cõng trên lưng một chú khỉ với khuôn mặt ngộ nghĩnh. Đây là một “đôi bạn” hiếm thấy. Người mà chúng tôi nói là bà Nguyễn Ngọc Lý (62 tuổi) quê ở tỉnh An Giang lên Bình Phước bán vé số dạo với “cộng sự” thân tín là chú khỉ.

Gặp khách, Mai (tên bà Lý gọi con khỉ) tiến lại gần, một tay khều vào người, tay kia cầm tập vé số dúi vào tay khách và miệng cười khẹt khẹt mời chào khách mua vé số. Với động tác đó, những vị khách khó tính cũng phải ủng hộ “đôi bạn cộng sinh” này một vài tờ vé số. Trước khi rời bàn, Mai tạm biệt khách bằng... nụ cười của loài khỉ!

Niềm vui cuối đời

Hơn nửa cuộc đời sống ở quê, bà Lý một mình gồng gánh đủ việc để nuôi con vì chồng mất sớm. Bươn chải nơi chôn nhau cắt rốn bằng nhiều nghề nhưng không thoát cảnh đói nghèo. Khi các con đã yên bề gia thất cũng là lúc bà bước sang tuổi xế chiều. Với gia đình khá giả, đây là những tháng ngày vui cùng con cháu. Nhưng bà phải một mình mưu sinh để tự nuôi sống bản thân vì các con cũng chẳng khá hơn. Ngày làm thuê, tối về làm bạn với bốn vách tường lạnh lẽo nên bà Lý đã nuôi một con khỉ để bầu bạn. “Trong tất cả loài thú, khỉ là động vật thông minh và giống người nhất. Từ nhỏ tôi đã có cảm tình với loài vật này. Sau khi các con lập gia đình xa nhà, tôi mua khỉ về nuôi làm bạn” - bà Lý nói.

“Đôi bạn cộng sinh”

Chỉ trong vòng 10 năm, bà Lý đã mua hàng chục chú khỉ về nuôi. Những chú khỉ được bà mua cũng có hoàn cảnh khá đặc biệt, như bị thương do săn bắn, bị bắt khi còn non... Vì nhiều lý do khác nhau nên đám khỉ kia phần được thả về rừng, phần thì bà cho người khác nuôi, chỉ để lại con Mai và nuôi đến bây giờ. Đối với những chú khỉ bị thương, bà mua về chữa vết thương cho lành, còn những con khỉ non thì bà chăm sóc như một đứa con, từ bón sữa đến thức ăn... Với bà, mỗi chú khỉ đều gắn với một kỷ niệm thú vị. Bà Lý kể về con Mai: “Năm 2000, tôi tình cờ thấy thợ săn cầm chú khỉ còn đỏ hỏn, môi run run vì sợ và khát sữa. Tôi đã mua về nuôi và chăm nó như đứa trẻ sơ sinh. Ban đầu tôi mua sữa bột về pha và bón từng muỗng. Lớn thêm một chút, tôi tập cho nó thói quen bú sữa bình. Khỉ bắt chước rất nhanh nên mỗi khi hướng dẫn, tôi phải làm trước để nó làm theo”.

 Hằng ngày, bà Lý dành rất nhiều thời gian trò chuyện để Mai gần gũi và hiểu được tiếng người. Rồi dạy những thói quen sinh hoạt từ tự vệ sinh đến cách ăn, ngủ, đi lại. Khi có người cho bánh, trái cây, bà dạy Mai cảm ơn bằng cách vòng tay cúi chào. Bà Lý chia sẻ: “Thấy nó dễ thương, lại biết làm nhiều trò nên được mọi người thương cho bánh, trái cây, thậm chí tiền. Nhưng vì nó là động vật hoang dã nên tôi ít cho nó nhận quà. Bởi nhận riết sẽ thành thói quen không tốt, có khi còn phá đồ của họ thì tôi lấy tiền đâu mà đền. Vì vậy, tôi phải huấn luyện ai cho cái gì, tôi đồng ý con Mai mới được lấy”.

Vì cưng Mai nên đi đâu bà cũng dắt theo. Với bà, nó như một đứa con và cũng là người bạn chia sẻ lúc buồn vui. Mỗi lần Mai bệnh, bà chăm sóc và tìm bác sĩ thú y khám cho nó.

Hành trình mưu sinh

Để Mai có thể đi bán vé số thành thạo, bà Lý đã dành rất nhiều công sức huấn luyện. Ngoài dạy những thói quen hằng ngày trong sinh hoạt gia đình, bà còn dẫn Mai đi theo bán vé số để làm quen với mọi người và quan sát cách bán vé số của bà. Về nhà, bà lại tập cho Mai cầm vé số và cách mời khách. Đến nay, Mai cùng bà đi bán vé số đã được 1 năm. Mỗi ngày, Mai giúp bà bán khoảng 200 tờ vé số. Bà Lý cho biết: “Khỉ rất thông minh, khi nó hiểu được tiếng người thì mình nói gì nó cũng nghe. Tuy nhiên, cần phải tiếp xúc, nói chuyện với nó nhiều, đồng thời quan sát thái độ, hành động, cử chỉ, đặc biệt là ánh mắt để biết nó cần gì. Lâu dần nó thấy mình thân thiện nên bảo gì, dạy gì cũng làm theo”.

Hằng ngày, Mai cùng bà Lý đi bán vé số dạo mưu sinh

Hằng ngày, bà Lý dùng xe máy đời 80 cũ kỹ chở Mai rong ruổi khắp nẻo đường ở Bình Phước bán vé số mưu sinh. Đến mỗi điểm bán, Mai nhanh nhẹn nhảy xuống xe, cầm vé số mời khách. Với thân hình nhỏ bé, khuôn mặt hóm hỉnh và động tác mời chào dễ thương rất khó để các vị khách từ chối. Sau khi bán vé số xong, Mai nhảy lên lưng bà để ra xe đi đến điểm bán tiếp theo. Trước khi rời đi, Mai còn vòng tay và cười chào khách. Chính vì vậy, từ ngày có Mai, bà Lý bán được nhiều vé số hơn.

Sau một ngày lao động, về đến phòng trọ, Mai liền nắm tay bà Lý ra hiệu lấy đồ đi tắm. Khi chúng tôi đến phòng trọ đúng lúc bà và Mai đang ăn cơm tối. Thức ăn của Mai rất đơn giản, chỉ là ít rau cải luộc và trái cây. Mai ngồi tự ăn ngay ngắn giống như đứa trẻ lên 5. Bà Lý như đọc được sự ngạc nhiên của khách nên phân trần: “Phải tập luyện từ nhỏ thì nó mới ngồi ăn ngoan như vậy đó. Ăn cơm xong, tôi bật tivi cho Mai xem. Nó chỉ xem duy nhất chương trình thế giới động vật. Hết chương trình, Mai lên giường ngủ với tôi giống như hai bà cháu”. Phòng trọ của bà Lý tuy nhỏ nhưng rất gọn gàng và có nhiều áo quần của trẻ nhỏ được “cách tân”. Bà Lý cho hay: “Đó là áo quần của Mai. Mai thích khoác lên mình những chiếc áo, quần có màu xanh, đỏ, tím, vàng. Trước khi đi bán, nó đòi tôi thay đồ mới, chải lại lông toàn thân cho mượt. Khi bán vé số, Mai chỉ mời những khách hàng là nam giới. Với bản năng của động vật hoang dã, Mai làm cho tôi không ít lần rơi vào tình huống dở khóc dở cười”. Có thể thấy, việc nuôi dạy và huấn luyện cho “anh chàng Mai” hậu duệ của Tề thiên Đại thánh” đi bán vé số cũng là thành công lớn đối với bà Lý - một nông dân thứ thiệt.

Nhất Sơn

  • Từ khóa
53471

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu