Thứ 4, 24/04/2024 19:47:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:02, 15/06/2018 GMT+7

Hậu biểu tình gây mất an ninh trật tự: Hệ lụy của việc người dân thiếu thông tin

Thứ 6, 15/06/2018 | 08:02:00 16,775 lượt xem
BP - Việc một bộ phận người dân tụ tập gây mất an ninh trật tự mấy ngày qua đang đi đến hồi kết khi những kẻ xấu bị vạch mặt, những kẻ xúi giục, vi phạm pháp luật bị cơ quan chức năng khởi tố và sẽ phải đối mặt với bản án nghiêm khắc. Đây cũng là lúc cần nhìn lại một cách toàn diện sự việc để rút ra những bài học đắt giá. Đặt quá trình xây dựng và những tranh luận cũng như kết quả giải quyết của cơ quan thẩm quyền về Dự luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sang một bên, còn một vấn đề vô cùng quan trọng nữa. Đó là truyền thông.

>> Dân chủ và tôn trọng sự khác biệt
>> Đừng “tự nguyện” làm con rối cho kẻ xấu

Có thể thấy, ngay từ khi dự luật được công bố và có ý kiến khác nhau, hệ thống truyền thông đã không kịp thời cung cấp thông tin đầy đủ cho công chúng, nhân dân về toàn bộ vấn đề. Một bộ phận truyền thông còn xoáy sâu vào những quan điểm trái chiều nhằm đánh vào tâm lý tò mò của công chúng. Và điều đó đã tạo nên một “tử huyệt” trên truyền thông cho thế lực thù địch tấn công dồn dập.

Lực lượng cảnh sát tỉnh Bình Phước làm nhiệm vụ tuần tra, giữ gìn an ninh trật tự tại Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, huyện Đồng Phú ngày 12-6-2018 - Ảnh: Ngọc Bích

Trên thế giới, không người dân nào không có lòng yêu nước. Và với người Việt Nam, lòng yêu nước nồng nàn thì không người dân nước nào sánh bằng. Ai cũng biết điều đó và thế lực thù địch cũng biết điều đó. Lòng yêu nước nồng nàn ấy của người dân Việt Nam đã bị thế lực thù địch lợi dụng triệt để trong những ngày vừa qua. Khác với những chiến thuật trước đây, chúng đưa tin thất thiệt để người dân tự đọc và tự tiêm nhiễm. Lần này thế lực thù địch đã tiến thêm một bước vô cùng nguy hiểm là trực tiếp gửi tin nhắn, chia sẻ và kết nối trên toàn bộ hệ thống của tất cả các mạng xã hội. Hầu như ai dùng mạng xã hội cũng nhận được tin nhắn rủ đi chống phá, biểu tình, được chia sẻ các bài viết phản động. Nguy hiểm hơn là các bài viết này được chúng gọt giũa, bóp méo từ chính hệ thống báo chí chính thống, các phát biểu của người có chức vụ, có uy tín trong bộ máy nhà nước ta. Chúng đã nhào nặn và tạo nên một cảm giác chia rẽ trong hệ thống chính trị, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhân sĩ, trí thức và nhân dân cả nước. Không chỉ đưa tin thất thiệt, kích động, gây chia rẽ bằng mọi lý lẽ trên các mạng xã hội, chúng còn mua chuộc những kẻ quá khích bằng tiền. Đây là những kẻ cầm đầu hô hào châm ngòi cho tụ tập gây mất an ninh trật tự, đập phá gây rối. Đứng phía sau những kẻ cầm đầu này không ai khác chính là thế lực phản động đối lập ở nước ngoài giật dây.

Điều đáng nói hơn ở chỗ, trong khi mạng xã hội tràn ngập thông tin sai trái, phản động, thì hệ thống truyền thông của cả nước lại phản ứng rất chậm chạp, thờ ơ, chủ quan, thậm chí một bộ phận còn vô tình tiếp tay cho thế lực thù địch lợi dụng khi cố giật gân bằng những thông tin trái chiều nhau. Nếu để dùng một hình ảnh minh họa cho việc này, có thể nói như sau: Mỗi nhà báo, mỗi người làm truyền thông là một chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng. Mỗi cơ quan báo chí - truyền thông là một đơn vị trên mặt trận ấy. Những ngày qua, thế lực thù địch tấn công, bắn phá đùng đùng trên trận tuyến. Thế nhưng các chiến sĩ, đơn vị của chúng ta lại mơ màng, chống trả rất yếu ớt. Thậm chí có những đơn vị, thủ trưởng đơn vị còn không nhận thức được đang đứng trước trận tuyến cam go.

Nhân dân cần được cung cấp thông tin đầy đủ hơn, toàn diện hơn về những vấn đề thời sự của đất nước, về sự nỗ lực của các cơ quan nhà nước nhằm tạo đột phá trong phát triển kinh tế quốc gia. Người dân cũng cần được giải thích những thông tin thất thiệt trên mạng xã hội có mục đích nhằm phá hoại, tạo sự bất ổn trên đất nước Việt Nam. Sự bất ổn ấy có thể sẽ là cái cớ để các thế lực chính trị, quân sự nước ngoài dòm ngó nước ta. Chúng cũng có thể lợi dụng điều đó để lấy cớ bảo vệ công dân nước họ hoặc bảo vệ người dân biểu tình để can thiệp vào nước ta. Chúng cũng có thể lợi dụng việc chúng ta tập trung giải quyết vấn đề nảy sinh để xâm phạm chủ quyền của nước ta trên biển Đông hay trên đất liền...

Người dân cũng cần được giải thích việc gây bạo loạn không chỉ làm tổn hại các mối quan hệ ngoại giao của đất nước, mà còn để lại rất nhiều hệ lụy khác. Đầu tiên là ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh một đất nước Việt Nam ổn định, thanh bình, tươi đẹp và mến khách. Điều đó sẽ ảnh hưởng đối với khách du lịch đến Việt Nam. Tiếp đến là ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thu hút đầu tư quốc tế. Không một doanh nghiệp nào muốn đến làm ăn, đầu tư tại một quốc gia bất ổn định, đó là điều chắc chắn. Nay phản đối doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan, mai có thể các thế lực thù địch kích động phản đối doanh nghiệp đến từ quốc gia khác. Nếu các nhà đầu tư rút khỏi Việt Nam sang đầu tư tại một quốc gia khác, chúng ta sẽ nhận hệ lụy kép vừa người dân Việt Nam mất việc làm, ảnh hưởng đến nền kinh tế, đồng thời vừa là cơ hội cho bạn phát triển mạnh lên và mình thì yếu đi. Còn trước mắt, những thiệt hại vật chất hiện hữu do gây rối, bạo loạn, chỉ nhân dân Việt Nam, đất nước Việt Nam phải gánh chịu.

Đối với những người tụ tập gây rối trật tự, đập phá, rất ít người biết dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là như thế nào, không biết đặc khu là gì, thậm chí còn không biết cái đặc khu ấy ở đâu... Cũng cần nói thêm rằng, cho dù có tụ tập gây rối như thế hoặc hơn thế, để bảo đảm an ninh trật tự, lực lượng công an, cảnh sát của Việt Nam dư sức giữ gìn. Vấn đề ở chỗ, họ biết rõ đồng bào của mình đang bị lợi dụng, bị bịt mắt nên không thể dùng biện pháp mạnh. Họ cũng là con người bằng xương bằng thịt, cũng là người Việt Nam, cũng đau đớn khi bị gạch đá ném tới, nhưng họ không muốn xảy ra sơ suất, không muốn tạo ra cái cớ cho các thế lực thù địch lợi dụng... Nhiều vấn đề khác nữa liên quan đến gây rối, tụ tập gây mất an ninh trật tự. Những người nhẹ dạ bị lợi dụng cần biết rõ điều đó. Hệ thống truyền thông phải làm thế nào để người dân biết tất cả những điều đó.

Một lần nữa có thể thấy, vai trò của truyền thông ngày nay càng ngày càng có vai trò lớn và đặt ra yêu cầu cao. Xã hội và khoa học - kỹ thuật phát triển từng ngày và nhanh chưa từng có. Bây giờ thế lực thù địch không cần kỳ công rải truyền đơn hay phát tán sách báo phản động, chỉ cần ngồi một chỗ với một cái máy tính cũng có thể tạo nên hậu quả khôn lường. Và thời gian để tạo nên những hậu quả đó không phải tính bằng tháng, bằng tuần như trước đây, mà nay có thể chỉ diễn ra trong một ngày hoặc một giờ. Hệ thống truyền thông và những người đứng mũi chịu sào đưa ra các quyết định rất cần bắt kịp tốc độ đó, có đủ sự nhạy bén đối với vấn đề nóng và cả vấn đề có thể trở nên nóng. Nếu không làm được điều đó, thế lực thù địch sẽ chiếm ưu thế trên không gian mạng xã hội - nơi đang có khoảng 50 triệu tài khoản ở nước ta, tương đương hơn một nửa dân số cả nước và nó có thể tạo nên những hậu quả khôn lường.

Trần Phương

  • Từ khóa
21078

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu