Thứ 5, 28/03/2024 18:00:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giải trí 15:44, 19/01/2015 GMT+7

Hạnh phúc nhọc nhằn

Thứ 2, 19/01/2015 | 15:44:00 243 lượt xem
BPO - Sau ba năm làm vợ, hai năm biệt tích xứ người, cuộc sống của cô đầy đau khổ, mất mát. Nhưng, rồi cô cũng có được hạnh phúc. Ôm chút hạnh phúc muộn màng trên tay, cô tự nhủ sẽ giữ gìn, nâng niu cho đến cuối đời.

SỰ TRỞ VỀ BẤT NGỜ

Sau hai năm biệt tích không lý do, cô giáo Trịnh Kim Bằng, 28 tuổi (xóm Khế, xã Minh Quan, huyện Chấn Yên, tỉnh Yên Bái) đột ngột trở về, dẫn theo một người đàn ông. Cả xã ngạc nhiên, nhất là các cô giáo trường mầm non A., nơi cô Bằng công tác trước đây. Khi biết lý do cô giáo Bằng mất tích hai năm nay là do bị lừa bán sang Trung Quốc, ai cũng mừng cô đã thoát nạn. Chỉ có bà dì họ của cô bên thị trấn Yên Bình tự nhiên bỏ nhà đi mất tăm. Theo lời khai của Bằng tại cơ quan công an, thì cuối năm 2008, sau khi ly hôn chồng, cô buồn chán tìm lên nhà người dì này chơi. 

Bà dì rủ cháu đi Hà Nội mấy hôm cho khuây khỏa. Một sáng tỉnh dậy, cô thấy mình đã nằm trong một ngôi nhà bên kia biên giới, xung quanh toàn người nói ngôn ngữ lạ. Cô co rúm người lại trước những cặp mắt đàn ông như cú vọ xoi mói khắp thân thể mình, như đang đánh giá một con bò sắp bị đem bán. Một ông già khoảng 60 tuổi đã đến trả giá, dắt tay cô dẫn về nhà. Ông ta muốn có một đứa con trai, nhưng sức khỏe lại yếu. Sau nửa năm vần vò thân thể cô mà chẳng nên tích sự gì, ông già lại bán cô cho một gã trung niên khác. Lần này cô bị đưa đi khá xa, sau này mới biết là huyện miền núi tỉnh Phúc Khánh. Nhà “chồng” của cô quá nghèo, nên hai người hàng ngày phải đi hái chè thuê. Mỗi ngày tiền công được sáu tệ, nhưng “chồng” giữ hết, cô chỉ được ăn cơm ngày hai bữa.

Đang lúc tuyệt vọng, cô làm quen với một thanh niên người Việt sang đây làm thuê. Cuộc sống quá khó khăn nên anh tính trở về quê Nam Định. Bằng nhờ anh cứu giúp. Nhờ số tiền dành dụm được của người thanh niên, đang đêm cô bỏ nhà trốn đến chỗ hẹn. Sau hành trình bốn ngày vất vả, Bằng đã về đến nhà trước sự vui mừng, ngạc nhiên của người thân.

Vợ chồng cùng thu hoạch chè

TÌNH YÊU MỚI

Hoàng Văn Đức kém Bằng hai tuổi, là con út trong một gia đình có sáu người con ở tỉnh Nam Định. Kinh tế gia đình khó khăn, anh và mấy người bạn rủ nhau sang Trung Quốc làm thuê, nhưng đã vỡ mộng. Công việc nhà nông bên ấy vất vả mà tiền công quá ít. Sau khi tìm cách đưa Bằng về đến nhà, hiểu rõ hoàn cảnh của cô, anh quyết định tiến tới hôn nhân và xin ở rể tại quê vợ. Dẫn cô về Nam Định, anh thật thà kể lại chuyện đời tư của cô Bằng và xin gia đình cho hai người được chung sống. Lễ tuyên hôn được tổ chức gọn nhẹ tại nhà gái, anh Đức chính thức chuyển lên Yên Bái sống cùng vợ.

Chồng trước của Bằng vốn là một sĩ quan công an, hai người tuy yêu thương nhau, nhưng sau ba năm chung sống không có con, bị áp lực của nhà chồng, nên họ chia tay. Người chồng cũ sau khi có vợ mới, suốt hai năm cũng không có con. Anh rất thương vợ cũ khi biết nguyên nhân không có con là do anh; nhất là khi Bằng có thai với chồng mới, sinh được cậu con trai khỏe mạnh.

Anh Đức luôn động viên vợ đừng suy nghĩ tiêu cực về chuyện cũ. Đó chỉ là tai nạn trong đời và cần được thông cảm, chia sẻ. Anh hứa sẽ tôn trọng, yêu thương vợ con, cùng cô xây dựng cuộc sống mới. Tuy anh em trong nhà có người không muốn cuộc hôn nhân này, vì Đức là “trai tân”, anh đã giải thích rằng Bằng là người tốt, sinh ra trong một gia đình nền nếp, bản thân cô là một giáo viên mẫu giáo. 

Vì hoàn cảnh xô đẩy mà trở nên như thế, chứ cưới một người con gái khác về làm vợ, chắc gì hạnh kiểm được như Bằng. Đáp lại những định kiến từ nhà chồng, Bằng rất quan tâm tới cha mẹ chồng. Tuy ở xa, nhưng những ngày lễ, Tết, giỗ chạp… cô đều giục chồng cùng về quê góp tiền của với họ hàng, chăm sóc cha mẹ chồng chu đáo. Cái nết ăn ở của cô nhanh chóng được họ hàng bên chồng và bà con hàng xóm khen ngợi.

LÀM LẠI CUỘC ĐỜI

Sau bốn năm trở về nhà, điều Bằng buồn nhất là không được trở lại nghề giáo. Vì lý do bỏ việc quá lâu không rõ nguyên nhân nên nhà trường đã xóa tên cô khỏi danh sách giáo viên. Mỗi lần đi qua ngôi trường thân quen, nghe tiếng cười nói rộn ràng của đám trò nhỏ, lòng cô lại nhói lên nỗi buồn, nuối tiếc. Từ nhỏ, Bằng vốn yêu nghề dạy trẻ. Bị lừa bán sang xứ người, trở về quê, cô đối diện với sự ghẻ lạnh của các phụ huynh cũ và không ít đồng nghiệp. Theo quan niệm của không ít người nơi đây, khi cô giáo đã bị đem bán, bị làm nhục thì không còn đủ tư cách dạy học nữa. Bằng từng làm đơn xin dạy học lại, nhưng chỉ nhận được những lời hứa hẹn. Chồng cô khuyên vợ nên ở nhà làm kinh tế, nuôi dạy con học hành giỏi giang để sau này sẽ thực hiện tiếp những ước mơ mà mẹ nó bỏ dở.

Vậy là hai vợ chồng động viên nhau “làm lại cuộc đời”. Ban đầu họ đi làm công nhân hợp đồng cho một nhà thầu cầu đường. Gom góp được ít tiền, được cha mẹ cắt cho ba sào đất, họ đầu tư trồng chè. Bằng thường nói vui với chồng: “Mình làm thuê bên Trung Quốc nên giờ có kinh nghiệm chăm sóc chè”; hạnh phúc là khi mình bằng lòng với hoàn cảnh của mình. Công việc hàng ngày quay như chong chóng làm Bằng nhiều lúc muốn đổ bệnh. Nhưng nghĩ tới những ngày tủi nhục cơ cực trước đây, cô lại gắng sức vượt lên.

Anh Đức là người chịu khó và hiểu vợ nên đã giúp cô rất nhiều trong việc nhà. Giờ đây có một tổ ấm nho nhỏ, Bằng dần quên đi ký ức tủi nhục. Kinh tế gia đình phát triển nhờ mấy sào chè và nghề sửa chữa xe máy của chồng, còn Bằng tranh thủ thời gian sinh hoạt với Câu lạc bộ phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em của xã. Đem những kinh nghiệm từ bản thân, cô khuyên chị em phụ nữ hãy tỉnh táo và biết cách bảo vệ mình trước nạn buôn người qua biên giới.

Nguồn PNO

  • Từ khóa
107612

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu