Thứ 5, 25/04/2024 20:22:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 13:07, 07/02/2016 GMT+7

Hạnh phúc của hai gia đình cựu chiến binh

Chủ nhật, 07/02/2016 | 13:07:00 203 lượt xem

BP - Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, hạnh phúc đơm bông, xóa dần những mất mát, đau thương. Xuân về, bên nồi bánh chưng, những câu chuyện về “thời hoa lửa” được kể lại không phải để xoáy sâu vào mất mát mà nhằm răn dạy con cháu biết trân quý giá trị của hòa bình, từ đó phấn đấu học tập xây dựng quê hương, đất nước - là cách giáo dục con cháu của hai gia đình cựu chiến binh hiếu học Huỳnh Văn Thi - Đặng Thị Tuyết Mai và Trương Bá Xinh - Trần Thị Tám ở thị trấn Đức Phong (Bù Đăng).

MÓN QUÀ VÔ GIÁ

Cái nắng gắt những ngày cuối năm như dịu lại khi chúng tôi được thưởng thức ly trà xanh mát ngọt được bà Đặng Thị Tuyết Mai rót mời khách. Đều ngoài 60 tuổi nhưng ông Thi - bà Mai ở khu Tân Hưng, thị trấn Đức Phong vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát và trẻ hơn so với tuổi. Chính mái ấm hạnh phúc, hòa thuận, nhường nhịn, sẻ chia của ông bà mà 4 người con đều coi là tấm gương để học tập, phấn đấu.

Bà Mai kể: “Năm 1967, tôi tham gia đoàn vũ trang tuyên truyền văn nghệ Điện Bàn, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ngày ấy, trên khắp các vùng đất Điện Bàn dù là nơi “bom tọa độ” hất tung nhà cửa hay vùng pháo địch... bất cứ đâu đoàn cũng lặn lội đến tuyên truyền, biểu diễn văn nghệ. Diễn viên đều là những chiến sĩ ban ngày cầm súng chiến đấu, đêm hát phục vụ chiến sĩ, đồng bào. Chúng tôi cùng bám sát bộ đội, bám sát chiến trường, sẵn sàng phục vụ bộ đội, nhân dân, thương - bệnh binh. Ánh sáng biểu diễn có khi là những chiếc đèn măng sông, đèn gió, khi lại lợi dụng pháo sáng của địch để biểu diễn. Những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi với giọng hát khi trầm bổng du dương, khi hào hùng sôi nổi cùng quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” đã động viên tinh thần, cổ vũ bộ đội và nhân dân thi đua giết giặc lập công, vững tin ngày chiến thắng”.

Vợ chồng ông Thi - bà Mai luôn tự hào về các con của mình

Ngày đất nước hát khúc khải hoàn ca, bà Mai trở về kết duyên với ông Thi và sinh được 4 người con. Năm 1982, gia đình ông bà chuyển vào tỉnh Sông Bé (nay là Bình Phước) sinh sống. Bà Mai làm việc tại Bệnh viện đa khoa huyện Bù Đăng. Ông Thi là giáo viên dạy nghề cho người khuyết tật ở TP. Hồ Chí Minh. Sau khi nghỉ hưu, ông bà sinh sống bằng nghề in thiệp cưới. Cuộc sống không mấy dư giả nhưng ông bà luôn tự hào về thành tích học tập của các con. “Vợ chồng tôi luôn căn dặn các con: Thời cha mẹ, các cô, các bác hy sinh việc học để chiến đấu, bảo vệ quê hương. Nay thời bình, các con phải học tập thật giỏi để xứng đáng với sự hy sinh cao cả đó” - bà Mai chia sẻ.

Ông Thi thường nhắc các con: “Tài năng giống như những bông lúa, khi càng nhiều hạt thì càng trĩu xuống. Làm người luôn phải biết khiêm nhường, những gì mình biết chỉ là hạt cát nhỏ, không được tự mãn với bản thân mà phải luôn trau dồi, học hỏi, phấn đấu”.

Thấu hiểu vất vả của cha mẹ, 4 người con của ông bà đều chăm ngoan, học giỏi. Ông bà luôn tạo điều kiện tốt nhất để động viên, khuyến khích con học tập nhưng không áp đặt, nhất là việc chọn nghề và hướng nghiệp cho con. Với tay lên chiếc tủ gỗ, ông Thi lấy ra xấp giấy khen, đôi mắt ánh lên vẻ tự hào trước thành tích học tập của 4 người con. Khi con gái đầu Huỳnh Thị Ngọc Dung nhận giấy báo trúng tuyển vào Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, ông bà vui gấp đôi niềm vui của con. Cứ thế, người trước nâng bước người sau, các con ông nối tiếp nhau vào đại học. Con thứ hai là Huỳnh Thị Ngọc Toàn, đậu Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, hiện đang là kế toán trưởng của Công ty bột giặt Lix tại TP. Hồ Chí Minh. Con thứ ba Huỳnh Ngọc Tuấn đang làm kỹ sư đường điện 500kW của tỉnh; con thứ tư Huỳnh Thị Ngọc Tú, tốt nghiệp đại học Kinh tế, hiện làm việc tại Ngân hàng Quân đội chi nhánh tỉnh Bình Dương. Đặc biệt, 4 người con dâu, rể của ông bà đều là thạc sĩ, kỹ sư, giáo viên.

Bao nhiêu năm vất vả nuôi con ăn học, dạy bảo các con khôn lớn, chưa bao giờ ông bà than vãn. Không khí gia đình lúc nào cũng hòa thuận, yêu thương, tôn trọng nhau. Các con học giỏi, trưởng thành và có việc làm ổn định là món quà vô giá dành tặng vợ chồng ông. Khi các con đã thành đạt, ông bà lại tiếp tục động viên, khuyến khích các cháu chăm lo học tập. Ông bà cũng tích cực ủng hộ công tác khuyến học ở địa bàn, sẵn sàng giúp đỡ học sinh nghèo học giỏi.

GIA ĐÌNH LÀ ĐIỂM TỰA VỮNG CHẮC

Bóng nắng xuyên qua tán cây, những nụ mai vừa chớm nở còn e ấp trong nắng xuân, vợ chồng ông Xinh, bà Tám ở khu Đức Lập, thị trấn Đức Phong chia sẻ với chúng tôi bí quyết gia đình hạnh phúc, con cháu thảo hiền. Ông Xinh nói: “Tình cảm gia đình vốn tự nhiên như suối đầu nguồn, đất nở hoa, con ong cho mật, con chim cho tiếng hót, gian khó có nhau, yên nhàn cùng chung hưởng. Mình cứ sống thật thà, làm việc hết mình theo khả năng, con cái sẽ noi gương mà học theo”. Điều tưởng chừng như giản đơn, mộc mạc ấy lại hàm chứa triết lý nhân văn sâu sắc mà ông Xinh, bà Tám dùng để dạy con nên người.

Giữ hòa khí trong gia đình, thống nhất trong cách dạy con là bí quyết giúp ông Xinh - bà Tám nuôi con thành tài

Trong căn nhà ấm áp, ngoài những tấm giấy khen về thành tích học tập của các con là những huân, huy chương, bằng khen, giấy khen của ông bà được treo trang trọng. Năm 1973, ông bà cùng tham gia thanh niên xung phong tại đơn vị C4, N29 ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Tình yêu nảy nở từ trong bom đạn và đơm hoa kết trái khi đất nước giải phóng. Năm 1984, gia đình ông bà chuyển vào tỉnh Sông Bé sinh sống. Ông Xinh làm kế toán tại Nông trường Đức Liễu, nay là Nông trường Nghĩa Trung (Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng) được 10 năm thì nghỉ hưu.

Cuộc sống bận rộn nhưng để tạo sự gần gũi giữa các thành viên, cả gia đình lại quây quần bên mâm cơm vào dịp cuối tuần, chia sẻ những vui, buồn, khó khăn trong cuộc sống và ôn lại truyền thống gia đình để con cháu noi theo. Với vợ chồng tôi, con cháu ngoan ngoãn, thành đạt là “mùa xuân” hạnh phúc nhất.

Ông Xinh chia sẻ

Trải qua khắc nghiệt của chiến tranh, chứng kiến những mất mát, đau thương của đất nước, hòa bình lập lại, ông quyết tâm dù khó khăn đến mấy cũng nuôi con ăn học nên người. Nhờ truyền thống hiếu học của gia đình và phương pháp giáo dục khoa học nên các con ông đều học giỏi và thành đạt. Trong 5 người con có Trương Thị Thanh Tâm và Trương Bá Tình đều tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, hiện là giáo viên Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức ở xã Nghĩa Trung và THPT Bù Đăng. Người con thứ tư là Trương Thị Thanh Tú, tốt nghiệp đại học Kinh tế, đang làm kế toán tại Công ty ôtô Trường Hải Bình Phước. Con trai út là Trương Anh Tuấn, thạc sĩ kinh tế, hiện làm tại một đơn vị kiểm toán ở tỉnh Bình Dương. Ông bà có thêm nhiều niềm vui và hạnh phúc khi các cháu nội, ngoại đã phát huy truyền thống hiếu học của gia đình. Ông bà có 5 cháu thì một đang học lớp 10 Trường THPT chuyên Quang Trung (Đồng Xoài), đứa lớn học Đại học Dược Hà Nội.

Nói về truyền thống hiếu học của gia đình, ông Xinh chia sẻ: “Yếu tố quan trọng để giáo dục con, cháu say mê học tập là ngay từ nhỏ, gia đình luôn quan tâm, khích lệ tinh thần ham học hỏi của mỗi thành viên, khuyến khích lối suy nghĩ độc lập, truyền cho con chí tiến thủ, nỗ lực của bản thân. Đồng thời động viên, khen thưởng khi con làm tốt; dạy con từ nếp sống giản dị. Trong gia đình, tôi vẫn luôn nhắc nhở con cháu phải sống nền nếp, anh chị nhường nhịn, làm gương để các em noi theo. Ngược lại, các em cũng phải biết yêu thương, quý mến anh chị. Con có khuyết điểm, cha mẹ phải nhắc nhở, giảng giải cho các con hiểu. Như vậy gia đình mới hòa thuận”.

Ở tuổi xế chiều, 5 người con đều có việc làm ổn định và yên bề gia thất nhưng vợ chồng ông Xinh, bà Tám chưa cho mình nghỉ ngơi. Hằng ngày, ông bà vẫn chăm chỉ lao động, gắn bó với vườn rẫy để tìm niềm vui tuổi già.      

Ngân Hà

  • Từ khóa
53468

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu