Thứ 6, 29/03/2024 18:17:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 15:09, 06/10/2016 GMT+7

Hàng trăm hộ dân xã Bom Bo “khát” điện

Ngọc bích
Thứ 5, 06/10/2016 | 15:09:00 282 lượt xem
BP - Lòng hồ thủy điện Thác Mơ bao quanh hai thôn 7 và 10, xã Bom Bo (Bù Đăng) khiến 2 thôn này biệt lập như ốc đảo nhỏ. Điểm cách xa lòng hồ nhất tính theo đường chim bay khoảng 1km. Hiện có 374/487 hộ của 2 thôn vẫn trong tình trạng “khát điện”. Nhiều năm nay các hộ dân ở 2 thôn gặp rất nhiều khó khăn, thiệt thòi khi không có điện.

“Thôn thường có các đoàn bán sản phẩm điện gia dụng đến quảng cáo, người dân rất hào hứng, nhưng không ai mua vì chưa có điện để dùng” - ông Trần Văn Tiểng, Trưởng thôn 10, xã Bom Bo cho biết.

NƠI DÒNG ĐIỆN “ĐI QUA”

Thôn 10 có 6 tổ, lòng hồ thủy điện Thác Mơ đi qua 5 tổ, nhưng chỉ có 68/252 hộ ở gần đường liên xã Bom Bo - Đắk Nhau (Bù Đăng) là có điện sử dụng. Số hộ còn lại dùng điện năng lượng mặt trời hoặc cùng nhau góp tiền kéo điện về dùng. Ông Nguyễn Văn Đốm ở tổ 2, thôn 10 cho biết: “Tôi có 6 ha cà phê xen điều nên rất mong có điện phục vụ sản xuất. Năm 2012, gia đình tôi cùng 19 hộ trong tổ góp tiền kéo điện với chi phí 100 triệu đồng. Sau đó, tôi đầu tư gần 30 triệu đồng để khoan giếng tưới cà phê. Do điện yếu, máy bơm không chạy được nên giếng đành bỏ phí. Tôi chuyển qua đào giếng, mua máy nổ tưới cà phê, bình quân mỗi tháng mất 2 triệu đồng tiền dầu chưa kể tiền thuê nhân công, chi phí khấu hao máy”.

Anh Chu Văn Hậu, Trưởng thôn 7 kiểm tra đồng hồ điện của gia đìnhAnh Chu Văn Hậu, Trưởng thôn 7 kiểm tra đồng hồ điện của gia đình

Ông Phan Tấn Thành ở cùng tổ 2 nói: “Năm 2004, gia đình được nhà nước hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời với công suất 50W chỉ đủ thắp sáng. Để phục vụ việc học tập của các cháu, tôi phải mua thêm một tấm pin giá khoảng 5 triệu đồng nâng công suất lên 100W. Với công suất này gia đình tôi xem được tivi. Còn tưới 4 ha cà phê phải dùng máy nổ nên rất tốn kém”. Những đồ dùng điện gia dụng của hộ ông Thành không có gì ngoài tivi 19 inch treo trên vách gỗ. Tôi chợt nghĩ, ở đây gần dòng điện đi qua nhưng nồi cơm điện, tủ lạnh, máy giặt... lại là những món đồ xa lạ với người dân trong thôn.

Những hộ dùng điện lưới quốc gia tự kéo hay điện năng lượng mặt trời đều chỉ đủ thắp sáng chứ không thể phục vụ sản xuất. Bởi điện tự kéo do đường dây đi qua quãng đường dài và nhiều hộ dùng chung nên rất yếu, vào giờ cao điểm điện chập chờn nên các thiết bị điện hư hỏng thường xuyên. Còn những hộ dùng điện năng lượng mặt trời phải thay bình ắc-quy 3 năm/lần nhưng cũng không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

Cột điện bằng sắt ở thôn 10 do các hộ dân tự góp tiền kéo điện (ảnh lớn)Cột điện bằng sắt ở thôn 10 do các hộ dân tự góp tiền kéo điện

Thôn 7 cũng trong hoàn cảnh tương tự, toàn thôn có 235 hộ nhưng chỉ 45 hộ sống bên đường liên xã Bom Bo - Đắk Nhau được sử dụng điện lưới quốc gia. Có 55 hộ dùng điện tự kéo từ năm 2007, chia ra 5 nhóm, trung bình mỗi hộ đóng 10 triệu đồng, còn lại là dùng điện năng lượng mặt trời. Anh Chu Văn Hậu, Trưởng thôn 7 cho biết: Từ cột điện lưới quốc gia đến nhà tôi khoảng 1,7km, hộ trong thôn cách xa nhất là 2,5km. Dù đang dùng điện lưới quốc gia nhưng gia đình tôi vẫn ăn cơm nấu từ bếp ga. Tủ lạnh đã mua về nhưng không dùng được vì điện quá yếu. Gia đình tôi chỉ dùng điện để thắp sáng và quạt máy, nhưng bình quân mỗi tháng phải trả 400 ngàn đồng, do lượng điện hao hụt lớn.

CÓ ĐIỆN SẼ ĐỔI THAY

Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Minh Trang, Bí thư Chi bộ thôn 10. Toàn thôn có tổng diện tích khoảng 140 ha, trong đó 113 ha điều xen cà phê, 160 ha cao su. Nếu có điện, người dân sẽ phát triển kinh tế bằng cách đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, từ đó tạo ra nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân. Thôn có 2 cơ sở chế biến điều hoạt động theo thời vụ do không có điện để chạy máy bảo quản, sấy khô hay chẻ hạt điều bằng máy. Nếu có điện xưởng sẽ phát triển mạnh và hoạt động cả năm, giúp giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân. Không chỉ đối với điều mà cà phê cũng không có điện để sấy, xay; chăn nuôi không có điện để xay thức ăn cho gia súc. Việc tưới tiêu các hộ dân đều phải dùng máy nổ với chi phí 20 ngàn đồng/giờ chưa kể tiền thuê nhân công, trong khi nếu có điện tưới bằng máy bơm thì chi phí chỉ 3.000 đồng/giờ. 

Không có điện lưới quốc gia, tivi nhà ông Phan Tấn Thành phải dùng điện năng lượng mặt trời (ảnh nhỏ bên trên).Không có điện lưới quốc gia, tivi nhà ông Phan Tấn Thành phải dùng điện năng lượng mặt trời

Đi một vòng quanh hai thôn 7 và 10, tôi nhận thấy sự trầm lắng ở nơi đây. Những thiết bị điện gia dụng phục vụ nhu cầu cuộc sống vẫn còn xa vời với người dân, chưa kể đến những thiết bị máy móc hiện đại phục vụ sản xuất. “Thực tế, không phải người dân nơi đây thiếu, yếu về tiềm lực kinh tế mà do thiếu điện, dù họ có đầu tư mua sắm các thiết bị cũng không thể sử dụng được. Nếu có điện, bộ mặt kinh tế - xã hội của thôn sẽ thay đổi nhiều so với hiện tại” - ông Trang nói.

Ông Nguyễn Văn Đốm bên giếng khoan đã bị bỏ không do không có điện (ảnh nhỏ bên dưới).Ông Nguyễn Văn Đốm bên giếng khoan đã bị bỏ không do không có điện

“Bom Bo là xã thực hiện xây dựng  nông thôn mới, giai đoạn 2016-2020, số hộ có điện toàn xã đạt 93,33%, còn lại chưa có điện lưới quốc gia, đa số ở hai thôn 7 và 10 do địa bàn rộng và dân cư sống thưa thớt. Năm 2016, Sở Công thương đã ghi vốn hạ thế, trung thế làm khoảng 1,5km điện lưới quốc gia tại hai thôn 7, 10. Đến cuối năm 2016, số hộ sử dụng điện lưới quốc gia sẽ tăng thêm” - ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã cho biết.
  • Từ khóa
93094

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu