Thứ 6, 29/03/2024 00:39:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:22, 29/03/2015 GMT+7

Hai mô hình trồng xen đạt hiệu quả cao

Chủ nhật, 29/03/2015 | 08:22:00 257 lượt xem
BP - Theo đánh giá của các nhà vườn, điều năm nay được giá nhưng mất mùa do thời tiết không thuận lợi. Thế nhưng, nhờ biết áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư vốn thâm canh, cải tạo vườn điều và trồng xen nhiều loại cây trong vườn, điều vẫn cho năng suất cao. Đó là kinh nghiệm làm vườn của ông Trương Minh Lương ở ấp 6, xã Tiến Hưng (Đồng Xoài) và bà Nguyễn Thị Đoàn ở ấp 5, xã Tân Hưng (Đồng Phú).


Niên vụ điều 2014-2015, gia đình ông Trương Minh Lương (trái) được cả mùa lẫn giá nhờ đầu tư, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật

Thời điểm này đang là mùa thu hoạch chính, nhưng với hộ ông Lương lại là những ngày thu cuối của niên vụ 2014-2015. Ông cho biết: Nhờ thu sớm (từ trung tuần tháng 11-2014 âm lịch) nên gia đình tôi “đón được giá” thu mua đầu mùa. Với diện tích 3,8 ha điều 18 năm, từ trước tết, gia đình tôi đã thu trên 3 tấn, trong đó có hơn 1 tấn bán được giá từ 32 ngàn đồng/kg trở lên. Đến nay, gia đình đã thu trên 10 tấn, dự tính thu xong đạt khoảng trên 12 tấn. Theo giá bán bình quân hiện nay (27 ngàn đồng/kg), sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu được khoảng 300 triệu đồng.

Chia sẻ với chúng tôi vì sao trong lúc nhiều hộ mất mùa, ông vẫn thắng lớn, ông Lương thẳng thắn, đa phần các hộ mất mùa là do bỏ lơ vườn điều. Họ phó mặc cây điều cho thời tiết. Nếu chịu khó đầu tư, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, điều vẫn cho năng suất cao.

Theo ông Lương, sau khi thu hoạch xong phải chặt bỏ hết những cành nhỏ, cành trong tán, cành bị sâu bệnh để tập trung dinh dưỡng cho những cành khỏe mạnh. Nếu không cây cho năng suất thấp hẳn. Sau khi thu gom, dọn vườn thì bón phân hữu cơ lần 1 vào khoảng tháng 6. Đến tháng 9 âm lịch tiếp tục bón phân vô cơ. Khi cây điều rụng 2/3 lá, chuẩn bị ra chồi thì phun thuốc trừ sâu sinh học và phân bón lá sinh thái Việt Mỹ. Cứ 15 ngày phun một lần cho đến khi điều ra trái bằng hạt bắp thì ngưng để chuẩn bị thu hoạch (khoảng 3 lần phun). Điều quan trọng là phải thăm vườn thường xuyên để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

Để tăng nguồn thu trên cùng một diện tích, ông Lương đã thử nghiệm trồng xen ca cao trong 1,6 ha điều. Với diện tích này, điều cho năng suất cao hơn so với những diện tích chưa trồng xen nhờ phân bón và nước tưới cho ca cao. Ông Lương dự định sẽ nhân rộng ra toàn bộ diện tích hiện có.

Đối với hộ ông Lương, việc trồng xen ca cao trong vườn điều mới là thử nghiệm thì mô hình này đã và đang phát huy hiệu quả đối với vườn điều của hộ bà Nguyễn Thị Đoàn, một trong các hộ ở Bình Phước được hưởng lợi từ Dự án Success Alliance - Việt Nam (dự án trồng xen ca cao dưới tán điều từ năm 2006-2007). Bà Đoàn cho hay: Lúc bấy giờ, mỗi hộ tham gia dự án được hỗ trợ 200 cây giống cùng các loại vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Sau 4-5 năm, cây cho thu bói, với giá trên 60 ngàn đồng/kg, ai cũng háo hức, phấn khởi. Sau một thời gian dài giá ca cao lên xuống thất thường, nhiều hộ nản chí chặt bỏ ca cao, nhưng vợ chồng tôi vẫn kiên trì giữ lại.

Không phụ công người chăm sóc, vườn ca cao của bà Đoàn luôn trĩu trái. Nhờ nước tưới, phân bón cho ca cao nên cây điều cũng được hưởng lợi. Niên vụ 2014-2015, thời tiết không thuận lợi, nhiều hộ dân mất mùa nhưng vườn điều của gia đình bà Đoàn vẫn đạt năng suất 2,5 tấn/ha. Tuy giảm 0,5 tấn/ha so với niên vụ trước nhưng vẫn vượt trội so với các hộ quanh vùng. Bà Đoàn nhẩm tính, 5 ha ca cao xen điều, mỗi năm cho thu trên 12 tấn điều và khoảng 4 tấn hạt ca cao. Với giá 58 ngàn đồng/kg ca cao chất lượng cao và 25 ngàn đồng/kg điều (thời điểm giữa tháng 3), gia đình tôi thu về trên 500 triệu đồng/năm, trừ chi phí lãi khoảng 300 triệu đồng.

“Cây sẽ không phụ lòng người nếu chịu khó tìm tòi, học hỏi cách làm hay, đồng thời chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào đầu tư thâm canh tăng năng suất” - bà Đoàn chia sẻ. 

“Mọi người cứ bảo tôi tham gia công tác hội (ông Lương là Chi hội trưởng Chi hội nông dân ấp 6, xã Tiến Hưng - PV) làm gì, phụ cấp mỗi tháng 200 ngàn đồng không đủ tiền xăng xe hội họp. Nhưng tôi nghĩ khác, cái tôi được là kiến thức, kinh nghiệm từ các nhà khoa học, bạn làm nông và những lần đi tập huấn, tham quan... Từ đó áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình” - ông Lương chia sẻ.    

Minh Luận

  • Từ khóa
38389

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu