Thứ 6, 29/03/2024 06:02:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:07, 14/11/2017 GMT+7

Hai mặt của game show trẻ em

Thứ 3, 14/11/2017 | 14:07:00 935 lượt xem

BP - Chưa bao giờ, các kênh truyền hình như VTV3, HTV7, VTV9, THVL1... lại có nhiều game show dành cho trẻ em như hiện nay. Với các chương trình: Bố ơi mình đi đâu thế, Cha con hợp sức, Tạp dề tí hon, Nhóc cưng siêu đẳng, Con biết tuốt, Biệt tài tí hon, Sinh ra để tỏa sáng, Gương mặt thân quen nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhí; Đồ rê mí, Giọng hát Việt nhí, Người hùng tí hon, Tìm kiếm tài năng MC nhí... trẻ em có rất nhiều cơ hội để được đứng trên sân khấu thể hiện tài năng trên nhiều lĩnh vực.

Chương trình Đồ rê mí trên kênh VTV3 - Ảnh internet

Cái hay của các chương trình này là giúp trẻ em có nhiều cơ hội để thể hiện năng khiếu, qua đó phụ huynh biết hướng bồi dưỡng và phát huy sở trường của con em mình. Việc được đứng trên sân khấu lớn, được gặp gỡ những người nổi tiếng và các chuyên gia trong làng giải trí sẽ giúp trẻ vượt qua tự ti, nhút nhát và trở nên tự tin, hòa đồng hơn. Thông qua các chương trình: Giọng hát Việt nhí, Thần tượng âm nhạc nhí, Gương mặt thân quen nhí... đã xuất hiện những tài năng trẻ em như: Phương Mỹ Chi, Quang Anh, Hồng Minh, bé Ben, ku Tin, Thiên Khôi, Thiện Nhân... Ngoài sự trưởng thành và tự tin thì sau các cuộc thi và đăng quang, nhiều em trở nên “ăn khách” trong các chương trình quảng cáo, đóng phim, ca hát trên sân khấu lớn.

Bên cạnh mặt tích cực đã nêu, game show tài năng nhí cũng mang đến những mặt tiêu cực không đáng có đối với trẻ em. Mỗi cuộc thi gia đình các em thường tốn công sức đầu tư, tập luyện tiết mục biểu diễn trong khoảng thời gian khá dài. Nếu không ảnh hưởng đến việc học tập ở trường thì cũng khiến các em không được tự do tận hưởng tuổi thơ như chúng bạn. Chưa hết, ở lứa tuổi thiếu nhi, cộng với áp lực từ phía gia đình, người thân, nhà trường, các em cũng sẽ dễ vấp phải tâm lý ganh đua để giành giải thưởng.

Trong một bài phỏng vấn gần đây, cha của bé Minh Khang - thí sinh nhí có biệt danh “Thánh nói”, “Giáo sư biết tuốt” trong game show Biệt tài tí hon cho biết, con mình mất nhiều hơn được sau cuộc tranh tài này. Thực ra đây không phải lần đầu phụ huynh của các bé lên tiếng về mặt trái của việc tham gia game show. Bởi việc tham gia các game show truyền hình, các cuộc thi tài năng hay chương trình truyền hình thực tế đều mang tính chất thương mại, giải trí thì bằng cách này hay cách khác sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ về tinh thần và thể chất.

Về phía khán giả nhí, khi xem game show cũng sẽ nhận được những thông điệp về nghệ thuật, về tài năng của các bạn nhỏ. Nhưng các em sẽ nghĩ gì khi liên tục nghe những lời “có cánh” từ giám khảo, huấn luyện viên như: con quá giỏi, con chắc chắn là ngôi sao sáng trong tương lai, hay con là thần đồng... Thật đáng lo khi các em ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” lại phải gồng mình thể hiện những ca khúc tình yêu đôi lứa, khoác vào mình những trang phục, kiểu tóc, trang điểm già dặn. Còn trong Bước nhảy hoàn vũ nhí, không ít em đã phải “diện” trang phục cũng như thể hiện các động tác nhảy múa không phù hợp với lứa tuổi. Ở các chương trình khác, tình trạng “bắt” trẻ em hóa thân vào nhân vật bị “biến tướng”, hay trai giả gái là không hiếm. Bên cạnh sự nổi tiếng, nhiều bậc cha mẹ còn kỳ vọng lợi ích vật chất khi mang con đến những cuộc thi này. Câu chuyện “đổi đời” sau khi tham gia các cuộc thi như cậu bé nghèo hát đám cưới Hồ Văn Cường; cô bé dân ca Phương Mỹ Chi nhờ đi hát mà xây được nhà lầu cho cha mẹ; quán quân Giọng hát Việt nhí Quang Anh nhận học bổng tại Học viện Âm nhạc quốc gia; chú bé đánh trống Thiện Nhân kiếm tiền tỷ chỉ nhờ tham gia các cuộc thi tài năng nhí... đã khiến nhiều chương trình không còn là “sân chơi” khi nhiều phụ huynh cũng kỳ vọng con mình được như thế.

Trong điều kiện mỗi gia đình chỉ có 1 hoặc 2 con như hiện nay, nhiều phụ huynh sẵn lòng chi mạnh để đầu tư cho con, mong con được tỏa sáng. Thế nhưng các bậc phụ huynh cũng cần sáng suốt trong việc chăm lo cho con, làm thế nào để các bé có sự cân bằng giữa học và chơi ở các “sân chơi” dành cho trẻ em trên truyền hình. Những em thực sự có tài năng cần được sớm phát hiện và đào tạo theo định hướng lâu dài. Thế nhưng hoàn toàn không nên “ép” các em chín sớm và biến chúng thành người “nổi tiếng” quá sớm.

Thảo Nguyên

  • Từ khóa
59862

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu