Thứ 6, 29/03/2024 03:29:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:17, 30/06/2017 GMT+7

Hai câu chuyện - một thông điệp

Thứ 6, 30/06/2017 | 08:17:00 108 lượt xem

BP - Ngày 23-6, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trao bằng khen của bộ cho ông Nguyễn Tiến Lãng (79 tuổi ở xã Gia Đông) và ông Nguyễn Công Uẩn (80 tuổi ở xã Ngũ Thái) cùng huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Hai lão nông ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” này đã có thành tích “khui” ra 10 trường hợp làm giả hồ sơ, khai man thành tích để được hưởng chế độ chính sách người có công trên địa bàn huyện.

Từ đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố vụ án, đồng thời phối hợp với Bộ tư lệnh Quân khu 1 mở rộng điều tra, làm rõ 2.745 hồ sơ không đúng đối tượng nhưng vẫn được “phù phép” thành người có công, gây bức xúc dư luận trên địa bàn trong một thời gian dài. Kết quả, 24 đối tượng bị truy tố trước pháp luật, thu hồi cho nhà nước 150 tỷ đồng. Ngoài ra còn giúp giảm chi số tiền khoảng 20 tỷ đồng/năm.

Hai ông cũng như nhiều trường hợp đấu tranh chống tiêu cực khác đều giống nhau ở chỗ họ là những người có lòng dũng cảm, dám đấu tranh nói lên sự thật, bảo vệ lẽ phải. Không ai nghĩ rằng đấu tranh chống tiêu cực để trở thành người “nổi tiếng” và mong đợi có ngày được khen thưởng, dù mức tiền thưởng kèm theo bằng khen rất khiêm tốn, chỉ 1,2 triệu đồng/người (tương đương 1,0 lần mức lương cơ bản đối với bằng khen cấp bộ dành cho cá nhân theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng).

Trở lại câu chuyện của hai lão nông ở tỉnh Bắc Ninh để thấy rằng, con đường đấu tranh chống tiêu cực luôn trắc trở, gập ghềnh, chông gai, nguy hiểm nếu người đấu tranh không có lòng dũng cảm, kiên trì thì khó đi đến cùng. Bởi vì sau hơn 7 năm kể từ khi vụ việc bị đưa ra ánh sáng thì “tác giả” mới được ghi nhận thành tích. Dù muộn song đây được xem là “liều thuốc” động viên tinh thần khi hai cụ đã ở cái tuổi “gần đất xa trời”. Và quan trọng hơn nó như một lời cảnh báo rằng, những hành vi tham ô, tham nhũng, những việc làm tiêu cực, sai trái sớm muộn cũng sẽ bị phanh phui.

Trái ngược với hai tấm gương chống tiêu cực nói trên là hành vi đáng lên án của những kẻ lợi dụng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để tư lợi, vun vén cho bản thân. Trong phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án nhận hối lộ đối với các bị cáo nguyên là cán bộ thanh tra giao thông ở thành phố Cần Thơ diễn ra ngày 22-6, bị cáo Dương Minh Tâm, nguyên Phó chánh thanh tra giao thông đã khai nhận, số tiền mãi lộ từ các chủ doanh nghiệp, nhà xe ngoài dùng để mua sắm, tiêu xài cá nhân, bị cáo còn chi 370 triệu đồng cho việc “chạy ghế” từ Đội trưởng Đội thanh tra giao thông quận Ninh Kiều lên Phó chánh thanh tra giao thông thành phố. Độ chính xác của lời khai này đến đâu sẽ được các cơ quan điều tra làm rõ. Tuy nhiên, chỉ xét ở khía cạnh đạo đức nói chung và đạo đức công vụ nói riêng thì những “con sâu” này đã thoái hóa, biến chất, cần loại bỏ khỏi ngành.

Hai câu chuyện nói trên tuy khác nhau hoàn toàn về bản chất song ý nghĩa chuyển tải thì có điểm tương đồng. Đó là thông điệp cổ vũ, động viên nhân tố tích cực, đồng thời lên án những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, xói mòn đạo đức gây bất bình trong dư luận nhân dân.

Ngọc Nguyên

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu