Thứ 6, 29/03/2024 21:59:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 06:56, 06/04/2017 GMT+7

Hai bí thư đoàn không theo lối mòn

Thứ 5, 06/04/2017 | 06:56:00 435 lượt xem
BP - Tốt nghiệp cao đẳng, đại học và có việc làm ổn định trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhưng họ đã chọn về Bình Phước lập nghiệp để thuận tiện chăm sóc cha mẹ già yếu. Họ đã làm nông nghiệp theo cách riêng và mang đến sự sáng tạo trong hoạt động đoàn cơ sở với vai trò là những “thủ lĩnh” đoàn ở thôn, ấp.

Khởi nghiệp từ nuôi heo

Làm việc tại công ty sản xuất sữa ở tỉnh Bình Dương với lương cơ bản 5 triệu đồng/tháng, dù tăng ca và có thêm phụ cấp nhưng Lê Hải Văn (SN1993) ở tổ 4, ấp Thanh Trung, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long vẫn chưa bằng lòng với bản thân. Năm 2014, Văn về thị xã Bình Long, bắt đầu từ việc nuôi 2 con heo nái sẵn có của gia đình và cải tạo 7 sào đất trồng tiêu.

Tích cực tham gia các lớp tập huấn chăm sóc cây tiêu, hội thảo về kỹ thuật chăn nuôi, đàn heo của Văn tăng dần lên 16 con heo nái và những lứa heo thịt có khi đạt 150 con. Xuất chuồng lứa heo thịt đầu tiên, Văn đầu tư làm hầm biogas để sử dụng gas nấu ăn và xử lý chất thải vật nuôi làm phân bón cho 800 nọc tiêu, không gây ô nhiễm môi trường. Tháng 6-2015, Văn làm chuồng trại nuôi 1.000 con gà giống Minh Dư theo kiểu bán chăn thả, cứ 3 tháng 5 ngày xuất 1 lứa. Hiện Văn đã mở rộng 3 chuồng nuôi 3.000 con gà. Tận dụng lá keo từ nọc tiêu, Văn nuôi thêm 16 con dê, trong đó có 5 dê sinh sản.

Nuôi 16 con heo nái và đàn heo thịt 150 con, mỗi năm Lê Hải Văn thu lãi 240 triệu đồng

Chỉ sau 1 năm, Văn đã trả được 200 triệu đồng vay ngân hàng để xây chuồng trại ban đầu. Tiền lời thu được Văn tiếp tục tăng đàn, đầu tư chuồng trại. Đến năm 2016, thu nhập từ đàn heo lời 240 triệu đồng; đàn gà lời 320 triệu đồng (3.000 con/lứa x 4 lứa/năm); thu 100 triệu đồng từ tiêu; 30 triệu đồng từ đàn dê. Phân bón từ heo, gà, dê không sử dụng hết, Văn bán lại cho nông dân trong vùng. Tổng cộng Văn thu nhập khoảng 700 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Văn làm việc từ 6 giờ sáng để xem xét chuồng, cho gà ăn, 7 giờ 30 phút cho đàn heo ăn, 10 giờ xịt nước tắm heo, sau đó cắt các loại lá cho dê ăn. Việc xử lý chuồng trại, tiêm vắc-xin đều tự tay Văn làm. Lê Hải Văn nói: “Trong lúc cho chúng ăn, tôi quan sát từng con để phát hiện những bất thường và xử lý kịp thời”.

Bận rộn là vậy nhưng Văn vẫn sắp xếp thời gian tham gia các hoạt động đoàn và được bầu làm Bí thư đoàn ấp Thanh Trung từ năm 2015. Thời điểm đó chi đoàn chỉ có 4 đoàn viên. Thanh niên chủ yếu đi làm xa ở các khu công nghiệp, đi học, số ít ở lại ấp là trụ cột gia đình nên không mặn mà với hoạt động đoàn. Thay vì tụ tập uống cà phê và các trò giải trí khác như chúng bạn cùng lứa, Văn chọn cách cho một số thanh niên trong ấp mượn vốn bằng con giống và sẵn sàng đến tận nơi giúp đỡ kỹ thuật chăn nuôi. Văn còn giới thiệu thanh niên tham gia các hội thảo, tập huấn về chăn nuôi. Nhóm thanh niên tham gia phát triển kinh tế gia đình cũng là 10 đoàn viên hoạt động tích cực trong Chi đoàn ấp Thanh Trung.

Bí thư đoàn vì cộng đồng

Tốt nghiệp Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh năm 2012 và có việc làm ổn định trong một cơ quan nhà nước, thế nhưng năm 2014, Mai Thanh Tùng (SN1990) ở thôn 5, xã Long Hưng, huyện Phú Riềng xin nghỉ việc trở về xã làm nông nghiệp để chăm sóc cha là bệnh binh ¾ nay đã già yếu. Vừa thu 1,5 ha điều của gia đình, Tùng trồng thêm 3 ha điều ghép cho năng suất cao. Với kỹ thuật học được từ trường đại học cùng sự siêng năng, ham học hỏi, vườn điều của gia đình Tùng năm nào cũng cho năng suất cao.

Mai Thanh Tùng bên vườn điều ghép 1 năm

Nhiệt tình tham gia các hoạt động đoàn, năm 2014, Tùng được bầu làm Bí thư đoàn thôn 5. Tùng cho biết: “Tôi gần gũi, động viên thanh niên tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao... Dần dần, thanh niên đến với tổ chức đoàn nhiều hơn, tình trạng thanh niên quậy phá giảm rõ rệt. Hiện toàn thôn có 10 đoàn viên và 30 thanh niên, còn lại chủ yếu là thanh niên đi học và đi làm xa. Lập gia đình sớm và bỏ sinh hoạt đoàn sau đám cưới chính là trở ngại lớn trong việc tập hợp thanh niên ở thôn 5”.

Vừa giúp nhau phát triển kinh tế, đoàn viên, thanh niên trong thôn còn nhiệt tình tham gia các phong trào “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Chủ nhật xanh” với các hoạt động như phát quang bụi rậm, vệ sinh đường liên thôn và các khu vực đổ rác không đúng quy định, khơi thông cống rãnh... Đoàn viên chi đoàn đóng góp công lao động và tiền để giúp đỡ những gia đình khó khăn. Để hoạt động chi đoàn ngày càng ý nghĩa hơn, đầu năm 2017, Tùng thành lập đội công tác xã hội nhân ái gồm 20 đoàn viên trong xã. Mỗi đoàn viên bỏ heo 5.000 đồng/ngày, cuối tháng sẽ gom lại giúp đỡ 1 hộ nghèo hoặc 1 hộ khó khăn trong xã. 

Mỗi cơ sở đoàn một cách làm, một lối đi song đều gặp nhau ở sự tận tâm, trăn trở với phong trào và cách nghĩ năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ đoàn, sự đồng tâm nhất trí của đoàn viên, thanh niên. Và điểm chung dễ nhận thấy là không còn các phong trào đoàn chỉ mang tính hô hào, hình thức, các cơ sở đoàn đã tìm cách giải quyết bài toán về kinh tế và những điều đoàn viên thật sự quan tâm. Trên cơ sở đó thu hút đoàn viên, thanh niên nông thôn tham gia sinh hoạt tổ chức đoàn ngày càng hiệu quả.

Tuyết Ly

  • Từ khóa
38407

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu