Thứ 6, 19/04/2024 10:47:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 16:13, 25/06/2015 GMT+7

Tạo nhiều dấu ấn văn hóa, xã hội qua 15 năm hoạt động

Thứ 5, 25/06/2015 | 16:13:00 1,226 lượt xem
BPO - Sau 15 năm hoạt động, Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã tạo được dấu ấn trong đời sống văn hóa, xã hội cả nước.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ

Sáng 25-6, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 15 ngày thành lập. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu.

Qua 15 năm hoạt động, đến nay, Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã phát triển lớn mạnh với hàng trăm thành viên và nhiều đơn vị trực thuộc như: Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn phát huy âm nhạc dân tộc, Hội thơ Đường luật Việt Nam, Tập đoàn Truyền thông quốc gia, Công ty Văn hóa Hà Nội, Nhạc đường Bá Phổ, Múa rối nước Phan Thanh Liêm, Trung tâm Quan họ Bắc Ninh-Bắc Giang, Đoàn Nghệ thuật dân gian Việt Nam, Câu lạc bộ Chầu văn... Sau khi dự án “Sân khấu học đường” được Chính phủ phê duyệt, Trung tâm cũng đã phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn thực hiện sâu rộng trong cả nước làm cơ sở đề nghị Chính phủ đưa sân khấu truyền thống trở thành môn học chính khóa của các trường THCS.

Vừa ra đời năm 2000, Trung tâm đã tổ chức hội thảo “Bác Hồ với Đào Tấn” với bài thuyết trình hấp dẫn của nhà văn Sơn Tùng. Sau đó, Trung tâm tổ chức tọa đàm khoa học về nội dung Văn hiến Việt Nam, đi tới kết luận về định hướng phát triển cho Trung tâm và Tạp chí Văn hiến Việt Nam. Tiếp theo, Trung tâm tham gia tổ chức hàng loạt hội thảo về nghệ thuật cung đình Huế (2001), văn hóa truyền thống Việt Nam-Hàn Quốc, âm nhạc và sân khấu truyền thống Việt Nam và các nước Á, Âu (2003), nghệ thuật Tuồng với khán giả trẻ, với đề tài nước ngoài... 

Mừng Thủ đô Hà Nội 1.000 tuổi, Trung tâm đã thực hiện dự án phục hồi hát xẩm Hà thành, nghệ thuật bài chòi trên miền Bắc, và đưa lạc cầm Mác Tuyên ra biểu diễn chào mừng; thực hiện tuyển tập kịch bản 1.300 trang về Bình Định-Tây Sơn với Thăng Long-Hà Nội; tổ chức thành công đêm Hò sông nước ba miền tại TP. Cần Thơ hướng về đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội; và tới đây (3-7), tại Hà Nam, là hội thảo Văn hiến Hà Nam - Truyền thống và hiện đại.

Trong chương trình nghiên cứu dài hạn, Trung tâm đặc biệt quan tâm đến đề tài lãnh tụ cách mạng và danh nhân văn hóa. Nhiều hội thảo: Bác Hồ với văn hóa dân tộc, Tổng Bí thư Lê Duẩn với văn hóa dân tộc, Phạm Văn Đồng với văn hóa dân tộc... được tổ chức rất trọng thể, quy mô. Những danh nhân văn hóa lịch sử, những nghệ sĩ lớn như: Quang Trung-Nguyễn Huệ, Đào Tấn, Nguyễn Diêu, Lê Đại Cang, Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Tống Phước Phổ, Hoàng Châu Ký... hoặc những học giả đương thời như GS. AHLĐ Vũ Khiêu, nhà soạn tuồng Mịch Quang, nhà văn Học Phi… cũng được tổ chức hội thảo và in ấn thành kỷ yếu để công bố rộng rãi. 

Hàng chục công trình nghiên cứu của các chuyên gia ở Trung tâm đã xuất bản và phát hành như: Nghệ thuật tuồng Bắc, Đi tìm vẻ đẹp sân khấu dân tộc, Bài chòi và Dân ca kịch Liên khu V, Đào Tấn 100 năm nhìn lại, Tài năng và sử dụng tài năng, Nghệ thuật Múa rối nước, Đi tìm cội nguồn Quan họ, 100 năm nghệ thuật cải lương, Nghệ thuật Bài chòi, Nghệ thuật tuồng trong cuộc sống hôm nay…

Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam Đặng Vũ Minh trao cờ thi đua của Liên hiệp hội cho Trung tâm

15 năm qua, không chỉ quảng bá nghệ thuật văn hóa dân tộc ở trong nước, Trung tâm còn được một số nước như Mỹ, Nhật Bản, Đức... đến tìm hiểu, trao đổi và mời chuyên gia sang nước bạn giới thiệu về nghệ thuật dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, từ năm 2010 cho tới nay, Trung tâm đảm nhiệm thêm trọng trách thực hiện dự án “Đưa văn hóa giao thông vào cộng đồng qua các phương tiện truyền thông đại chúng và các hình thức văn học nghệ thuật” góp phần tuyên truyền văn hóa giao thông, xây dựng nét đẹp văn hóa của người tham gia giao thông.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta phải luôn gìn giữ và phát huy ngày càng mạnh mẽ hơn văn hóa cốt cách và hồn cốt của dân tộc. Qua 15 năm thành lập, Trung tâm đã có nhiều hình thức hoạt động phong phú, đa dạng, sáng tạo và thiết thực.

Ghi nhận những thành tích đạt được, Trung tâm đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, được đánh giá là một trong những đơn vị hàng đầu của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

Phó Thủ tướng nêu rõ: Trong giai đoạn tới, chúng ta đối diện với nhiều thách thức trong bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Đó là, vấn đề đô thị hóa, toàn cầu hóa đang diễn ra nhanh, mặt trái của cơ chế thị trường với chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng đã thâm nhập ngày càng sâu vào đời sống xã hội. Trong khi đó, chúng ta chưa có cơ chế đủ mạnh để giữ gìn và phát huy các giá trị của văn hóa truyền thống.

Sự sa sút về văn hóa, lối sống, đạo đức, hưởng thụ văn hóa dân tộc đang là thách thức lớn đối với chúng ta hiện nay. Nguồn lực tài chính và thu nhập của người làm công tác văn hóa còn thấp cũng là thách thức rất lớn.

Đây là dịp nhìn nhận, tổng kết những gì làm được, chưa làm được để từ đó đề ra định hướng và những đóng góp thiết thực, vượt qua những khó khăn thách thức.

Chính phủ mong ban lãnh đạo Trung tâm tiếp tục đổi mới hơn nữa trong công tác quản lý, phát huy tính năng động, sáng tạo và thế mạnh của mỗi thành viên trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vì sự phát triển bền vững của đất nước. Chính phủ luôn quan tâm, lắng nghe, ủng hộ Trung tâm trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc hiện nay.

Nguồn Chinhphu.vn

  • Từ khóa
6793

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu