Thứ 5, 18/04/2024 11:21:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 16:02, 03/10/2019 GMT+7

Gương sáng muôn đời

Thứ 5, 03/10/2019 | 16:02:00 818 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Tô Hiến Thành sinh năm 1102, mất năm 1179. Quê ông ở làng Hạ Mỗ, nay là xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng thành phố Hà Nội, là quan đại thần phụ chính nhà Lý, phụng sự 2 triều vua: Lý Anh Tông và Lý Cao Tông. Ông là viên quan văn võ song toàn, nổi tiếng là công minh chính trực, được vua phong tước vương mặc dù không phải tôn thất nhà Lý. Có giả thuyết cho rằng, ông có quan hệ họ hàng với Tô thị, vợ của Đỗ Anh Vũ là nhân vật có quyền lực nhất trong triều đình thời vua Lý Anh Tông. Theo sách “Từ Liêm huyện đăng khoa chí”, ông từng đỗ thái học sinh. Thông tin này cũng được dẫn trong các tài liệu “Bản phủ tiền triều chư danh khoa bi” và bia Văn chỉ huyện Từ Liêm dựng năm 1872.

Trong chính sử, Tô Hiến Thành được đề cập lần đầu tiên với vai trò bình định nổi loạn Thân Lợi. Năm 1140, Thân Lợi tự xưng là con trai Lý Nhân Tông và nổi loạn chống vua Lý Anh Tông ở khu vực Thái Nguyên. Quân của Thân Lợi cuối cùng đã bị quân nhà Lý do Đỗ Anh Vũ chỉ huy đánh tan, Thân Lợi bị Tô Hiến Thành bắt và bị chém đầu theo lệnh của Lý Anh Tông. Chính Tô Hiến Thành đã khuyên nhà vua tha cho các thành viên tham gia nổi loạn để tỏ lòng nhân ái đối với dân chúng.

Sự nghiệp làm quan văn của ông cũng hiển hách không kém, nhưng phần lớn công lao lại tập trung ở giai đoạn cuối đời, khi ông trở thành đại thần phụ chính tài năng và đức độ cuối cùng của nhà Lý. Ở giai đoạn trước đó, công lao lớn nhất của ông là việc tổ chức khai hoang lấn biển các vùng ven biển thuộc tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa và Hà Tĩnh ngày nay. Thời Lý đến Anh Tông đã đi vào thoái trào, nhân tâm và hoàng quyền không còn tốt nữa, nhưng ông không vì thế mà ảnh hưởng, vẫn giữ vững tấm lòng son, trung trinh và chính trực, một lòng chống đỡ cho nước nhà yên ổn. Những giai thoại về sự chính trực của ông sẽ còn là tấm gương sáng đến ngàn đời sau. Với tài thao lược và chính trị xuất sắc, Tô Hiến Thành trở thành trụ cột của triều Lý. Khi vua Lý Anh Tông sắp mất đã giao thái tử Long Cán cho ông phù trợ, ông được phong là Nhập nội Kiểm hiệu Bình chương quân quốc trọng sự, tước Thái úy. Ông được quyền thay vua nhỏ tuổi nhiếp chính sự.

Trước khi Lý Anh Tông mất 1 năm, con trưởng của Anh Tông là Long Xưởng vì làm chuyện vô luân nên bị truất ngôi thế tử. Lỗi lớn này của Long Xưởng thực đã có gốc ở mẹ là Chiêu Linh, bởi trước đó, chính Chiêu Linh vì ghen tuông mà ngầm sai Long Xưởng tư thông với các phi tần của vua cha Lý Anh Tông. Con thứ sáu của Anh Tông là Long Cán, bấy giờ mới 3 tuổi, được vua cha cho thay anh giữ ngôi vị này.

Chiêu Linh tuy buộc phải vâng mệnh nhưng trong lòng vẫn còn rất ấm ức. Đến khi Lý Anh Tông trở bệnh nguy kịch, bà lại tìm cách thuyết phục Anh Tông cùng phụ chính đại thần là Thái úy Tô Hiến Thành thêm một lần nữa. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn chép lại sự việc này như sau: Trước đó, khi vua ốm nặng, hoàng hậu Chiêu Linh lại xin lập Long Xưởng. Vua nói: Làm con bất hiếu thì trị dân làm sao được? Rồi nhà vua bèn để di chiếu cho Tô Hiến Thành giúp đỡ thái tử Long Cán, công việc quốc gia đều phải theo phép cũ mà làm.

Bấy giờ, thái hậu Chiêu Linh muốn làm chuyện phế lập, nhưng lại sợ Tô Hiến Thành không nghe, bèn đem vàng bạc đút cho vợ của Tô Hiến Thành là bà Lữ Thị. Hiến Thành biết được, nói rằng: Ta là đại thần nhận mệnh của tiên đế lo giúp đỡ vua còn bé, nay lại ăn của đút mà làm chuyện phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở suối vàng? Thái hậu lại gọi Hiến Thành đến dỗ dành trăm cách, nhưng Hiến Thành vẫn một mực nói rằng: Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có chịu làm, huống chi lời của tiên đế còn ở bên tai, điện hạ lại không nghe việc Y Doãn, Hoắc Quang hay sao? Thần không dám vâng lệnh.

Lời bàn:

Chiêu Linh hoàng thái hậu vì bản thân mà lại xui con mình làm chuyện vô đạo loạn luân trong cung đình, nên suốt cả một đời Long Xưởng luôn rơi vào thất bại, vuột mất giang sơn. Thân làm mẫu nghi thiên hạ, biết con mình ăn chơi vô độ thế mà lại kiếm mọi cách, bày đủ mưu mô để kẻ ngỗ nghịch ấy được lên làm thái tử nối ngôi. Các sử gia đương thời đã viết rằng: Với điều này, chẳng phải Chiêu Linh hoàng thái hậu muốn thiên hạ đại loạn là gì. Chưa hết, bà còn không kể đến thân phận mình mà đi hối lộ dù là quan đại thần nhưng lại là bề tôi của mình làm chuyện vô đạo. Nước mất nhà tan, chẳng phải từ bàn tay của những người này mà ra hay sao?

Vạn vật trong vũ trụ đều tồn tại hai mặt đối lập, nên mới có ngay có gian, có chính có tà. Đại Việt có Tô Hiến Thành kiên trung chính trực tất phải có Long Xưởng cùng người mẹ là Chiêu Linh gian ác không từ thủ đoạn. Và may thay cho nhà Lý vẫn còn có được vị đại thần “uy vũ bất năng khuất” - Tô Hiến Thành. Cũng chỉ có sự cương trực của ông mới có thể chống giữ cho nước nhà qua cơn bĩ vận vậy. Chiêu Linh thất bại không phải vì bà không đủ uy quyền hay lợi ích bà đưa ra kém hấp dẫn, chỉ là Tô Hiến Thành vốn không vì những thứ ngoại thân mà làm nhơ bẩn thân tâm mình. Thế mới hay rằng, nếu đứng trước lợi ích và quyền lực mà các bậc đại thần thời nào cũng đều có thể bất động tâm như Tô Hiến Thành thì muôn dân nào phải chịu lầm than, quốc gia cũng không phải tao loạn.

N.D

  • Từ khóa
110239

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu