Thứ 6, 29/03/2024 09:32:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:00, 16/08/2018 GMT+7

Gương sáng cho thế hệ trẻ

Thứ 5, 16/08/2018 | 07:00:00 658 lượt xem
BP - Trở về sau chiến tranh, cựu chiến binh Lê Bá Phán (71 tuổi, ngụ thôn Phú Tân, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng) mong muốn được hưởng niềm vui, hạnh phúc thời bình bên vợ con. Nhưng mong ước của ông không trọn vẹn bởi nỗi đau da cam dai dẳng hành hạ cả cơ thể lẫn tinh thần. Tuy nhiên, bản lĩnh của bộ đội Cụ Hồ đã giúp ông Phán vượt lên nỗi đau để có cuộc sống tốt đẹp, là gương sáng cho thế hệ trẻ học tập, noi theo.

5 người con tật nguyền

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1968, chàng trai Lê Bá Phán vừa tròn 21 tuổi lên đường nhập ngủ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra vô cùng ác liệt. Sau huấn luyện, ông được điều về Trung đoàn 141, Sư đoàn 7, tham gia nhiều trận đánh trên các mặt trận Đông Nam bộ như: Sông Bé, Đồng Nai, Lâm Đồng, Sài Gòn - Chợ Lớn; Vương quốc Campuchia...

Hộ ông Lê Bá Phán ở thôn Phú Tân, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng (bìa phải) đã đầu tư từ nguồn vốn của gia đình để chở đất, đá cải tạo 2 bên đường, tạo thuận lợi cho người dân trong thôn đi lại

 “Với những ai từng tham gia chiến đấu như chúng tôi mới hiểu hết cảm xúc khi may mắn được tận mắt chứng kiến ngày miền Nam giải phóng, nước nhà thống nhất. Khi đó, tôi chỉ mong muốn được trở về quê hương. Vì thế, năm 1976, tôi xuất ngũ trở về quê Thanh Hóa và lập gia đình. Cả gia đình cùng vui mừng chào đón con gái đầu lòng ra đời. Nhưng khi con gái lên 9, 10 tuổi bắt đầu xuất hiện di chứng tật nguyền từ chất độc hóa học do chiến tranh để lại...” - ông Phán nói.

 Cuộc sống khó khăn nên năm 1984, ông đưa vợ con vào chiến trường xưa (thị xã Phước Long hiện nay) lập nghiệp. Vợ chồng ông xin làm công nhân cạo mủ cao su ở Nông trường Phú Riềng Đỏ (Công ty cao su Phú Riềng). “Thời điểm đó, Bình Phước còn hoang vu, bệnh sốt rét hoành hành nên vợ chồng động viên nhau vượt qua khó khăn. Các con lần lượt ra đời là niềm vui an ủi và động lực để vợ chồng vươn lên. Ban đầu thấy con có nhiều biểu hiện bệnh tật, vợ chồng tôi nghĩ do thời tiết, khí hậu khắc nghiệt nên vẫn hy vọng đứa con sau sẽ bình thường. Vậy mà con thứ 3, thứ 4, rồi thứ 5 đều bị tật nguyền và nặng hơn những đứa đầu. Thời điểm đó, điều kiện xét nghiệm cũng không được như hiện nay. Đến năm 2001, tôi đi xét nghiệm mới biết mình bị nhiễm chất độc da cam với tỷ lệ 71%. Nếu hồi đó biết bị nhiễm chất độc hóa học thì vợ chồng tôi không sinh nhiều con như vậy. Giờ nghĩ lại mà tội các con” - ông Phán bùi ngùi.

Giờ đây, ngoài con gái đầu bị điếc đã lập gia đình và ở riêng thì 4 người con sau đều phải nhờ sự chăm sóc của vợ chồng ông. Trong đó 2 người bị tâm thần nặng. Khi lên cơn, con ông đập phá, la hét và chạy khắp xóm. Có lần, con còn dùng cây đánh mẹ gãy tay. Bà con lối xóm thấu hiểu nên cũng hỗ trợ hết lòng những khi ông bà cần. Điều đáng lo nhất hiện nay là con trai thứ 3, tuy đã 31 tuổi nhưng chỉ biết quậy phá mỗi khi lên cơn, bỏ nhà đi lang thang vài ba ngày mới về, có lần sang cả tỉnh Đắk Nông...

Không thể kiểm soát được con nên vợ chồng ông Phán để sẵn trong túi con một ít tiền và mảnh giấy ghi số điện thoại, địa chỉ gia đình được ép plastic, phòng lúc con lên cơn bỏ đi hết tiền, đói khát, ngủ bờ ngủ bụi thì có người biết mà liên hệ hoặc đưa về. “Những đứa con tội nghiệp của tôi nhiều lần được các chú công an hoặc các bác xe ôm đưa về nhà. Chúng bỏ nhà đi lang thang thành quen, ở nhà không chịu được. Nay tuổi già sức yếu, tôi không thể đi theo con và quản lý được...” - ông Phán cho biết với vẻ mặt trầm ngâm.

Đi qua nỗi đau da cam

Ông Nguyễn Duy Khải, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Phú Riềng không giấu được sự cảm phục khi nói về đồng đội: “Hoàn cảnh gia đình ông Phán rất đặc biệt khi cả 5 người con bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Nếu là người bình thường có lẽ khó vượt qua nỗi đau này”.

Ông Lê Bá Phán (bìa trái) luôn được các thệ hệ quý trọng, noi gương

Ông Phán giãi bày: “Chứng kiến những đứa con sinh ra đều bị tật nguyền, vợ chồng tôi suy sụp tinh thần trong một thời gian. Nhưng bình tâm lại, vợ chồng động viên nhau cố gắng vượt qua nỗi đau, bởi nếu cứ thế thì ai sẽ lo cho các con. Thời chiến đau, giữa sự sống và cái chết trong gang tấc còn không sợ, sao mình lại gục ngã trong lúc này? Vậy nên hai vợ chồng tôi cùng vực dậy xây dựng kinh tế gia đình để có điều kiện chăm sóc con tốt hơn”.

Sau 10 năm làm công nhân nông trường cao su, vợ chồng ông Phán nghỉ hưu theo chế độ về phát triển kinh tế gia đình. Họ tần tảo làm đủ việc để kiếm sống và nuôi con. Thành quả được đền đáp là 8 ha đất trồng điều và hoa màu.

Ông không trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Đảng, Nhà nước mà tự mình phấn đấu vươn lên. Năm 2004, UBND xã đề xuất làm cho gia đình ông căn nhà tình thương. Nhưng ông Phán nhất quyết không nhận mà đề nghị dành cho hộ có hoàn cảnh khó khăn hơn. Ông đã tự lực tích cóp và đến nay xây được căn nhà khang trang. Đồng thời, tích lũy vốn kha khá gửi ngân hàng lấy lãi đủ để chăm sóc các con. Đặc biệt, nhiều năm trở lại đây, ông dành từ 70-100 triệu đồng cho hộ khó khăn vay không tính lãi. Mặc dù tuổi cao nhưng ông vẫn tham gia Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi xã, thôn và hăng hái với các hoạt động xã hội, từ thiện ở đây. Đơn cử như việc đóng góp làm đèn điện chiếu sáng đường, ông tự bỏ tiền ủng hộ những gia đình khó khăn. Ông còn bỏ tiền chở đất, đá lấp 2 bên đường để tạo thuận lợi cho người dân đi lại; ủng hộ tiền xây nhà tình thương; nhiều suất quà tết tặng người nghèo đón tết...

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phú Riềng cho rằng: “Ông Phán là cựu chiến binh gương mẫu điển hình. Mặc dù phải chịu nỗi đâu lớn về tinh thần, rất khó khăn về vật chất khi phải chăm lo 5 người con tật nguyền nhưng với bản lĩnh và khí chất của người lính Cụ Hồ, ông đã đứng vững và chiến thắng nỗi đau nghiệt ngã bằng chính nghị lực của mình. Ông xứng đáng được mọi người nể phục, thế hệ trẻ học tập và noi theo”. 

Ngọc Tú - Mai Ly

  • Từ khóa
22452

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu