Thứ 7, 20/04/2024 03:12:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 10:03, 30/09/2014 GMT+7

Gương hiếu nghĩa

Thứ 3, 30/09/2014 | 10:03:00 170 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, ở phần ghi lại một số gương hiếu thảo với cha mẹ của người xưa thì Nguyễn Xuân Áng là người huyện Đông Thành, trấn Nghệ An. Chuyện xưa kể lại rằng, Áng sớm mồ côi cha và thờ mẹ rất có hiếu. Một hôm, Áng với mẹ và người khác cùng làng đi gặt lúa, giữa đường gặp hổ xông ra làm mẹ Áng ngã bị thương. Khi ấy, mọi người sợ hãi bỏ chạy. Duy chỉ có Áng một mình cầm gậy đứng trước hộ vệ cho mẹ, rồi cùng hổ đánh nhau, sau đó con hổ bỏ đi. Mẹ bị thương hơn một năm, Áng nấu thuốc thang nuôi nấng ngày đêm không rời cạnh mẹ. Khi để tang mẹ, trong ba năm Áng hàng ngày ra mộ lăn khóc, người đi đường nghe thấy rất thương.

Nguyễn Văn Danh là người huyện Bình Sơn, trấn Quảng Ngãi, thi đỗ tú tài và có hiếu hạnh. Nhà ở gần núi có nhiều hổ. Một hôm, bố Danh ra thăm ruộng, bị hổ bắt, Danh nóng lòng bèn đem người nhà đi tìm. Khi tìm thấy xác bố thì con hổ đã bỏ đi. Danh xem vết chân hổ và thấy vết chân đằng sau có một bên thọt nhỏ bèn lấy dây đo để ghi nhớ. Sau đó, Danh đưa xác bố về chôn, rồi lắp máy đặt bẫy, ngày đêm chăm việc bắt hổ đến nỗi quên ngủ bỏ ăn và Danh đã giết được nhiều hổ trừ hại cho dân làng. Khi bắt được một con hổ chân sau thọt nhỏ, Danh đem so với cái dây đã đo trước và thấy quả đúng, bèn mổ con hổ lấy gan ruột tế hồn bố, rồi cắt lấy thịt ăn hết. Năm Thiệu Trị thứ 6 - 1846, nhà vua có chiếu nêu khen ở cửa.

Phan Đăng Doanh là người huyện Đông Thành, trấn Nghệ An, bố mẹ mất sớm, ở với bà và luôn nghe theo lời bà dạy bảo. Khi bọn cướp đến bắt bà, Doanh lấy giấy tẩm dầu đốt vào ngón tay và khi ấy người nhà sợ hãi bỏ chạy cả. Lúc đó, Doanh tuổi mới 13 nhưng nghe tiếng bà kêu khóc, tức thì tới dập tắt ngọn lửa và đến chỗ bọn cướp mà kêu van, cướp bèn tha cho đi. Khi bà có bệnh ở răng, Doanh chính mình nấu thuốc thang, ngày đêm thăm hỏi hầu hạ, trải nửa năm chưa phút trễ nải và bà được khỏi bệnh. Doanh một niềm kính thuận, người làng đều khen và được nhà vua nêu biểu ngạch ở cửa là “Hiếu thuận khả phúng” - hiếu thuận đáng làm gương.

Phan Đình Nghị người huyện Thạch Hà, trấn Hà Tĩnh, cũng là người sớm mồ côi cha và thờ mẹ có hiếu. Khi quân cướp đến cướp nhà và người mẹ bị bọn cướp định xử trảo, Nghị vội chạy tới kêu cầu xin đem thân thay. Bọn cướp tha cho người mẹ và bắt Nghị đi. Sau đó, làng xóm đuổi bắt nên bọn cướp bèn bỏ Nghị lại, người làng khen là hiếu. Năm Minh Mạng thứ 18 - 1837, Nghị được nhà vua thưởng bạc và nêu biểu ngạch ở cửa để khen.

Nguyễn Đình Thản là người huyện Chân Lộc, trấn Nghệ An, tính người thật thà, chuyên nghề làm ruộng, chưa từng cùng với người ta tranh cạnh bao giờ. Nhân lúc mua ngôi nhà cũ để sửa lại, Thản bảo cháu đi dỡ nhà. Khi dỡ nhà thì phát hiện ở dưới viên đá tảng có một nén bạc và cháu Thản tính đem về. Thản biết việc ấy và nói đó là của người chủ bán đất giấu đi, không phải của mình mà lấy là bất nghĩa nên sớm giao trả. Hôm khác, người chủ bán nhà đến nhận là bạc của người chồng đã chết cất giấu đi, Thản tức thì đưa trả. Năm Minh Mạng thứ 8, nhà vua biết chuyện và đã ban thưởng 30 lạng bạc.

Lời bàn:

Hiếu thảo là một đức tính vô cùng cần thiết và là một phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người. Tuy “hiếu thảo” chỉ là một danh từ đơn giản nhưng đã trở thành ngôn từ thiêng liêng, trở thành một “điểm son” trong truyền thống gia đình, một danh xưng được tôn vinh cho người nào xứng đáng với nó. Tuy nhiên, để trở thành người con hiếu thảo, người ta phải được giáo dục và biết cách thể hiện điều mình muốn. Hiếu thảo là bổn phận, là cách sống thông thường của những người bình thường, nhưng chính thái độ đối xử của cha mẹ với ông bà mới là nền tảng, là tấm gương sáng để nuôi dưỡng và hình thành nên nhân cách cũng như lối ứng xử hiếu thảo sau này cho các con. Nói khác đi, sống có hiếu với cha mẹ ngày nay chính là ươm mầm cho sự kính trọng của các con đối với chúng ta ngày sau.

Và từ xưa đến nay, những người con hiếu thảo thường là những tấm gương về lòng trung thực, nhân nghĩa. Bởi vì những người ấy hiểu rất rõ rằng, những thứ vốn không phải của mình thì sẽ chẳng bao giờ là của mình. Và nếu ai đó cứ cố giằng lấy cái của người khác để biến nó thành của mình thì trước sau gì cũng lại bị kẻ khác dùng đúng thủ đoạn ấy mà cướp lại. Thế mới hay rằng, từ xưa, cha ông ta đã biết và hiểu tình yêu cũng như hạnh phúc của mỗi người lớn lên được là nhờ sự cho đi, biết sẻ chia. Và sự yêu thương, hạnh phúc mà chúng ta cho đi hay sẻ chia ấy cũng chính là sự yêu thương và hạnh phúc duy nhất mà chúng ta có được, giữ được.

NV

 

  • Từ khóa
109586

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu