Thứ 6, 19/04/2024 07:45:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 10:21, 24/08/2016 GMT+7

Góp ý sửa đổi điều 89, 93 và 112 của Bộ luật Hình sự 2015

Thứ 4, 24/08/2016 | 10:21:00 1,839 lượt xem
BPO - Bộ Tư Pháp vừa công bố Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các điều của Bộ luật Hình sự 2015, để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, các ngành ở Trung ương, địa phương và nhân dân trong cả nước. Nhân dịp này, tôi xin góp một số ý kiến để sửa đổi, bổ sung cho Điều 89, 93 và 112 của Bộ luật Hình sự 2015, cho phù hợp với tình hình thực tế của đất nước hiện nay.

Điều 89 là những quy định về việc xóa án tích, với nội dung như sau:  Pháp nhân thương mại bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu trong thời hạn 2 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà pháp nhân thương mại không thực hiện hành vi phạm tội mới. Theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì quy định như trên là không ổn, vì vừa dài dòng, nhưng lại thiếu tính chặt chẽ và cũng không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay ở nước ta đang trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, tôi đề nghị điều này cần phải được viết lại và nội dung được chia làm 2 khoản như sau:

Pháp nhân thương mại bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu pháp nhân thương mại không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây: 1. Sau 2 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính là phạt tiền hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án 2. Sau 5 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án đối với trường hợp pháp nhân thương mại bị phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn một hoặc một số lĩnh vực.

Điều 94 trong Bộ luật Hình sự 2015 là những quy định về hòa giải tại cộng đồng và có nội dung như sau: 1. Hòa giải tại cộng đồng được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong những trường hợp sau đây: a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng; b) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 91 của bộ luật này. 2. Cơ quan điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án phối hợp với y ban nhân dân cấp xã tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng khi người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại đã tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự. 3. Người được áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây: a) Xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại; b) Nghĩa vụ quy định tại khoản 3 Điều 93 của bộ luật này.

Theo quy định như tại Điểm a và Điểm b của Khoản 1 trong điều này dễ dẫn tới tình trạng lọt người, lọt tội; đồng thời tạo kẽ hở trong việc áp dụng khung hình phạt một cách tùy tiện. Và đây là nguyên nhân dẫn đến tiêu cực trong xét xử và là nguyên nhân chính dẫn tới việc xét xử oan sai. Vì, tại Điểm b có dẫn chiếu Điều 91, nhưng tại Điểm a cũng của Khoản 1 lại không dẫn chiếu Điều 91. Hơn nữa, ở Điểm a là dành cho những người đã đủ 16 nhưng dưới 18 nếu họ phạm tội nghiêm trọng. Do đó, để thống nhất việc áp dụng khung hình phạt, tôi đề nghị ở Điểm a cần sửa đổi, bổ sung và viết lại như sau: a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 91 của bộ luật này;... Đồng thời, ở đầu của Khoản 2 cần được bổ sung cụm từ “Sau khi quyết định miễn trách nhiệm hình sự” vào trước cụm từ “Cơ quan điều tra”. Như vậy, Khoản 2 sẽ được viết lại như sau: Sau khi quyết định miễn trách nhiệm hình sự, cơ quan điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án phối hợp với y ban nhân dân cấp xã tổ chức hòa giải tại cộng đồng.

Điều 112 là những quy định về tội bạo loạn, với quy định như sau:  Người nào hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau: Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình; Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm; Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Theo suy nghĩ của cá nhân tôi thì quy định như trên là sẽ bỏ lọt tội danh. Vì thực tế cho thấy, những kẻ chống đối chính quyền thường kích động người khác cùng làm theo. Và hành động chống phá nhà nước ta của chúng thường được bắt đầu từ những hành vi quá khích, rồi dẫn đến đập phá tài sản hoặc cướp tài sản của Nhà nước. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của chúng là chống phá Nhà nước. Song, nếu chúng ta không có chế tài để ngăn chặn, phòng ngừa hành vi phá hoại, cướp tài sản công là sẽ bỏ lọt tội phạm.

Do đó, tôi đề nghị ở phần đầu của điều này cần bổ sung cụm từ “hoặc cướp phá tài sản” vào trước cụm từ “nhằm chống chính quyền nhân dân”,....Như vậy, phần đầu của điều này được viết lại như sau: Người nào hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức hoặc cướp phá tài sản nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị phạt như sau: Người tổ chức, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình; Người đồng phạm khác, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm; Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

NV

  • Từ khóa
28697

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu