Thứ 7, 20/04/2024 11:19:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 21:11, 24/05/2015 GMT+7

Góp ý dự thảo Luật Dân sự sửa đổi: Giao dịch dân sự vô hiệu

Chủ nhật, 24/05/2015 | 21:11:00 2,208 lượt xem

BP - Tại Khoản 1, Điều 145 trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi có quy định như sau: Trường hợp luật quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự mà hình thức đó không được tuân thủ thì giao dịch dân sự đó bị vô hiệu”, nhưng lại “trừ các trường hợp sau đây: a) Việc không tuân thủ quy định về hình thức không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người khác và chủ thể giao dịch dân sự đã chuyển giao tài sản hoặc đã thực hiện công việc. Trong trường hợp này, theo yêu cầu của một hoặc các bên, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm hoàn tất thủ tục đối với giao dịch dân sự đó. b) Trường hợp chủ thể chưa chuyển giao tài sản hoặc chưa thực hiện công việc thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án cho phép thực hiện quy định về hình thức của giao dịch dân sự trong một thời hạn hợp lý; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch dân sự đó bị vô hiệu.

Về quy định trên, hiện đang tồn tại hai ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất đồng ý với quy định như dự thảo và cho rằng:  Quy định hiện hành của Bộ luật Dân sự 2005 chưa thực sự đứng trên góc độ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong giao dịch, đặc biệt đối với bên thiện chí. Thực tế cho thấy, bên không thiện chí thường lạm dụng quy định hợp đồng vô hiệu do không tuân thủ hình thức để bội ước, gây thiệt hại cho bên đối tác, gây mất ổn định trong quan hệ dân sự nói chung và trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nói riêng và trong nhiều trường hợp, giao dịch mặc dù có vi phạm về hình thức nhưng các bên đã thực hiện xong và không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người thứ ba, do đó, việc tuyên bố giao dịch vô hiệu là không phù hợp với lợi ích của các bên, gây mất ổn định trong giao lưu dân sự. 

Hơn nữa, quy định tại Điều 145, Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) sẽ khắc phục được lỗ hổng của Bộ luật Dân sự 2005, tạo ra cơ chế mới để bảo vệ quyền lợi cho các bên tham gia giao dịch dân sự đồng thời đảm bảo sự phù hợp với mục đích của quy định về điều kiện hình thức của giao dịch dân sự, phù hợp với thực tiễn ký kết, thực hiện hợp đồng ở nước ta; bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể xác lập quan hệ hợp đồng cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba; góp phần bảo đảm sự ổn định của quan hệ thị trường. Quy định mới này sẽ góp phần ổn định quan hệ dân sự, tránh trường hợp một bên chủ thể lợi dụng để bội ước, xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của bên kia, đồng thời đảm bảo được quyền lợi cho bên thứ ba.

Ý kiến thứ hai đề nghị tiếp tục duy trì quy định như Bộ luật dân sự hiện hành để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, theo đó, trong trường hợp pháp luật quy định hình thức bắt buộc của giao dịch thì chủ thể của giao dịch phải tuân thủ hình thức đó, nếu không tuân thủ thì giao dịch bị tuyên bố vô hiệu; pháp luật hiện hành chỉ quy định giao dịch được xác lập dưới hình thức bắt buộc trong một số trường hợp liên quan đến bất động sản và động sản có giá trị lớn (ôtô, xe máy, tàu bay...) và việc quy định các bên bắt buộc phải tuân thủ hình thức này là nhằm góp phần quản lý nhà nước đối với một số loại tài sản đặc thù này.

Ý kiến của cá nhân tôi thì cho rằng với quy định như tại Điều 145, trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) chưa hẳn khắc phục được lỗ hổng của Bộ luật Dân sự 2005 là tạo ra cơ chế mới để bảo vệ quyền lợi cho các bên tham gia giao dịch dân sự, đồng thời đảm bảo sự phù hợp với mục đích của quy định về điều kiện hình thức của giao dịch dân sự, vì xét cho cùng, các bên tham gia giao dịch vẫn phải hoàn tất hình thức, thủ tục đối với giao dịch dân sự đó theo như luật định. Vì vậy, theo tôi nên tiếp tục kế thừa quy định của Bộ luật dân sự hiện hành để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

NV

  • Từ khóa
13184

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu