Thứ 5, 28/03/2024 16:25:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 14:47, 05/11/2015 GMT+7

Góp ý dự thảo bộ Luật Dân sự sửa đổi: Những bất cập trong quy định về chuyển giới

Thứ 5, 05/11/2015 | 14:47:00 1,447 lượt xem

BP - Điều 36 trong dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi là những quy định về quyền xác định lại giới tính, với nội dung như sau: Cá nhân có quyền xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật. Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có trách nhiệm đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

Ở điều luật dự thảo này, trong dư luận xã hội có hai luồng ý kiến như sau: Thứ nhất là nếu để điều luật này thì cần phải chỉnh sửa, bổ sung nội dung cho phù hợp với thực tế của cuộc sống, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Vì nếu quy định rằng, cá nhân có quyền xác định lại giới tính. Và điều này cũng có nghĩa là bất kể ai trong xã hội nếu không phải là người khuyết tật về tư duy, tức là có đủ năng lực hành vi dân sự đều có quyền xác định giới tính. Hơn nữa, với quy định như trên thì không phải người mang giới tính thứ ba, tức là không phải nam cũng không phải nữ mới đi xác định giới tính. Hoặc những người chuyển đổi giới tính mới đi xác định lại giới tính của mình. Mà ngay cả những người bình thường đang là nữ cũng đi xác định giới tính của mình. Lý do mà những người này đưa ra là để xác định đúng tôi là nam hoặc nữ và nếu có ai đó bảo họ không phải là nam hay không phải là nữ thì họ có bằng chứng để đưa ra. Lý do này mới nghe có vẻ như “các cớ” nhưng hoàn toàn đúng luật, bởi luật quy định vậy mà.

Cũng theo luồng ý kiến nêu trên, nếu để lại điều luật này (Điều 36) thì tôi đề xuất phải chỉnh sửa lại từng khoản với nội dung như sau: 1. Cá nhân là người thành niên có quyền được xác định lại giới tính trong trường hợp luật quy định. 2. Người đại diện theo pháp luật chỉ có quyền yêu cầu xác định lại giới tính của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi trong các trường hợp luật định. 3. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Đồng thời, tôi đề nghị bổ sung thêm Khoản 4, với nội dung như sau: 4. Việc chuyển giới được thực hiện theo quy định của luật. Thủ tục thừa nhận việc chuyển giới (trong nước hay ngoài nước) được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Luồng ý kiến thứ hai cho rằng không nên quy định trong dự thảo Bộ luật Dân sự là Điều 36 và Điều 37. Cá nhân tôi đồng tình với ý kiến này. Vì Điều 37 quy định về việc chuyển đổi giới tính có nội dung như sau: Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

Và quy định như trên là không ổn, là bất cập với quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Vì hiện nay, Nhà nước không thừa nhận việc chuyển đổi giới tính. Vì thế, việc quy định như Điều 37 rằng: Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật... là bất hợp lý. Và trong khi không có văn bản pháp luật nào cho phép việc thực hiện chuyển đổi giới tính nhưng ở phần hai của Điều 37 lại đưa ra quy định rằng: Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan. Như vậy, mặc dù không cho chuyển đổi giới tính nhưng lại tạo điều kiện để công dân thực hiện quyền thân nhân sau khi chuyển đổi giới tính. Như thế cũng có nghĩa là vừa không cho phép nhưng lại công nhận việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chuyển giới, đồng thời khuyến khích “việc đã rồi”.

Từ phân tích trên, tôi đề nghị ban soạn thảo cần xem xét lại nội dung của hai điều luật trên theo hướng, nếu đã không công nhận chuyển giới thì đương nhiên các cơ quan chức năng sẽ không được phép công nhận quyền thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân khác. Đối với những người chuyển giới là vi phạm pháp luật thì xử lý ra sao?

N.V

  • Từ khóa
27513

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu