Thứ 4, 24/04/2024 13:44:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:46, 28/09/2017 GMT+7

Góp sức xây đời

Thứ 5, 28/09/2017 | 06:46:00 5,298 lượt xem
BP - Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng tựu trung ở họ là khi trở về cuộc sống đời thường bản lĩnh “Bộ đội Cụ Hồ” được tôi luyện trong chiến tranh họ đã vượt qua khó khăn cùng khát khao, ý chí nghị lực vươn lên phát triển kinh tế để cống hiến cho xã hội, giúp đỡ đồng đội, góp sức xây đời.

LÀM GIÀU ĐỂ GIÚP ĐỠ ĐỒNG ĐỘI

Ông Hồ Xuân Thủ, 76 tuổi, thương binh 3/4, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong xã An Phú (Hớn Quản) nhập ngũ năm 1962, chức vụ Đại đội trưởng chỉ huy khẩu đội pháo 12,7mm thuộc Đại đội 365, Huyện đội Quảng Trạch, cấp bậc trung úy. Năm 1971, trong lần dẫn quân lên rừng lấy mây tre về đan cáng chuyển thương binh, ông bị mảnh bom B52 của địch văng trúng bị thương ở miệng, tai và đùi trái. Năm 1976, ông phục viên do sức khỏe yếu. Năm 1994, ông chuyển vào Bình Phước sinh sống, gây dựng kinh tế. Trái ngọt ông gặt hái sau bao cay đắng là gần 2 ha vườn, trong đó 1 ha tiêu, 300 cây cao su, 2 sào điều mỗi năm cho thu gần 300 triệu đồng. Ông quản lý 3 cây xăng ở Lộc Ninh, Hớn Quản do ông và người thân góp vốn. Trong số 5 người con của ông, có 4 người thành đạt, kinh tế khá giả.

Thành quả cố gắng của vợ chồng bệnh binh Nguyễn Đình Lý đã cho trái ngọt

Ông còn đi đầu trong ứng dụng khoa học - kỹ thuật từ mô hình tưới tiêu nhỏ giọt sử dụng năng lượng mặt trời. Mô hình với mức đầu tư 130 triệu đồng áp dụng công nghệ Úc của ông là điểm đến tham quan học tập kinh nghiệm của nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện. Ông là cán bộ hội giàu nhiệt huyết, yêu thương đồng đội, miệng nói tay làm, được nhiều hội viên tin yêu. Ông nói: “Chỉ với 17 hội viên, nhưng Hội Cựu thanh niên xung phong xã An Phú luôn dẫn đầu về phong trào toàn huyện. Để nói hội viên nghe, tôi phải có phương pháp. Đó là đặt quyền lợi của hội viên lên hàng đầu, tạo chỗ dựa tin cậy thì việc gì khó cũng nhận được sự đồng tình ủng hộ của anh em. Mọi việc tôi làm đều noi gương Bác”. Thông qua ý tưởng “Nuôi heo đất” tiết kiệm, ông đã xây dựng được nguồn quỹ tương trợ khó khăn, giúp hội viên nghèo phát triển kinh tế, thăm hỏi nhau lúc ốm đau, hiếu hỉ, khuyến học trên 48 triệu đồng; 3 hội viên vay 14 triệu đồng/hộ trong 3 năm. Hội viên Đậu Thị Nhuân nhờ vốn vay của hội đã chăn nuôi 300 con vịt đẻ cho thu nhập 30 triệu đồng/năm, thoát được nghèo.

Từ lâu ý chí làm giàu để giúp đỡ đồng đội đã nung nấu, hun đúc trong ông thêm nghị lực vượt khó. Sau khi kinh tế ổn định, ông chi 50 triệu đồng mua 3 con bò giống hỗ trợ hội viên nuôi, sau khi sinh sản bê ông thu hồi bò mẹ và chuyển cho hội viên khác. Đến nay ông đã giúp 4 hội viên được nuôi bò, ổn định cuộc sống. Tiêu biểu có bà Phạm Thị Mừng nhận 2 con bò sau 5 năm sinh sản được 4 con, bán bò cộng với vốn của gia đình mua được 5 sào cao su. Học Bác câu chuyện nhịn ăn để đóng góp cho phong trào “Toàn dân diệt giặc đói” khi mới giành chính quyền về tay nhân dân năm 1945, ông Thủ vận động hội viên trước khi chuẩn bị bữa ăn, nhiều thì bỏ ra 4 nắm, ít bỏ ra 1 nắm vào “Hũ gạo tình thương” để giúp hội viên khó khăn. Bằng nhiều cách làm giàu ý nghĩa nhân văn, hiện hội có 3 hội viên thoát nghèo, 7 hội viên cận nghèo nay đã có mức sống trung bình khá.

Trên 30 bằng khen, giấy khen do các cấp trao tặng, trong đó có 4 bằng khen của Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong và UBND tỉnh, được ông treo trang trọng trong nhà, trân quý những thành quả lao động và công tác nhiều năm qua. Ông Bùi Xuân Mông, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong huyện nói: “Ông Thủ không chỉ giỏi tính toán làm ăn mà còn là cán bộ hội nói được, làm được, động viên được cựu thanh niên xung phong tham gia sôi nổi các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương”.

ỔN ĐỊNH KINH TẾ ĐỂ LÀM TỐT hoạt động XÃ HỘI

“Ở quê đất chật người đông. Vào đây tôi thấy dễ sống, không phải lội nước, chịu rét, với lại phẩm chất bộ đội Cụ Hồ dù ở bất cứ cương vị nào cũng phải ổn định được kinh tế gia đình mới chu toàn hoạt động của xã hội” - bệnh binh Nguyễn Đình Lý, 65 tuổi, Ấp trưởng ấp 6, xã Tân Hiệp (Hớn Quản) nói. Ông Lý không chỉ cần cù, chăm chỉ sớm hôm làm giàu cho gia đình, tích cực đóng góp cho hoạt động xã hội. Năm 1999, 10 năm sau khi xuất ngũ, ông bán căn nhà ở quê Thái Bình và vay mượn tiền vào Bình Phước mua 2 ha đất sinh cơ lập nghiệp. Ban ngày vợ chồng ông làm thuê để trang trải cuộc sống gia đình, ban đêm cải tạo vườn nhà, trồng xen lấy ngắn nuôi dài. Sau nhiều lần cải tạo, ông đang có 8 sào nhãn trồng xen 100 cây quýt đường và 1,3 ha cao su, thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Ông khiêm tốn cho rằng, những loại cây này dễ chăm bón nhưng ít ai biết đằng sau đó là cả quá trình học hỏi kinh nghiệm, dày công chăm sóc của vợ chồng ông.

Thương binh Hồ Xuân Thủ ở xã An Phú (Hớn Quản) chăm sóc vườn tiêu của gia đình

Điều khiến chúng tôi cảm phục ở ông Lý là dù sức khỏe yếu, vừa lo vườn tược vừa tham gia hoạt động xã hội nhưng việc nào ông cũng chu toàn. Ông từng là Trưởng ban công tác mặt trận, 8 năm làm Bí thư chi bộ, Chi hội Trưởng người cao tuổi ấp 6, nay là trưởng ấp 6. Ông Trần Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Tân Hiệp nói: “Ông Nguyễn Đình Lý nhiệt tình với hoạt động xã hội, được nhân dân tín nhiệm, đánh giá cao. Ông thường xuyên phối hợp Ban điều hành ấp vận động thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách nhân dịp lễ, tết và hướng dẫn đồng đội làm kinh tế để cùng nhau vượt khó, ổn định cuộc sống”.

Thanh Mai

  • Từ khóa
2051

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu