Thứ 6, 19/04/2024 19:10:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 09:39, 02/03/2016 GMT+7

Mơ về một ốc đảo xanh

Thứ 4, 02/03/2016 | 09:39:00 404 lượt xem

BP - Sau chuyến công tác cùng cán bộ kiểm lâm Bù Đốp, tôi đã chọn một tấm ảnh đưa lên mạng xã hội để khoe với bạn bè. Ngay lập tức, nhiều người bạn hỏi: Bình Phước mà lại có cảnh đẹp hữu tình như vậy sao, trên rừng, dưới sông? Chúng tôi đi “phượt” nơi đây được không? Câu hỏi của các bạn khiến tôi giật mình. Tôi trả lời rằng ở đây chưa phát triển sinh thái, còn hoang sơ và thiếu thốn nhiều thứ lắm, nếu muốn đến cũng được nhưng sợ bạn thất vọng. Mơ về một ốc đảo xanh ở rừng Bù Đốp không chỉ là câu hỏi của bạn, của tôi mà đó cũng là câu hỏi của rất nhiều người khi từng một lần đến rừng Bù Đốp.

THIÊN NHIÊN ƯU ĐÃI

Quá trưa, cán bộ Hạt kiểm lâm Bù Đốp đưa chúng tôi đi vào rừng. Hơn 10km đường nội ô, đi xuyên cánh rừng tạo nên những cung đường thật đẹp. Hai bên đường, những lộc non cao su vươn mình, nắng xuyên qua những khóm cây, ngọn cỏ. Khi di chuyển đến đoạn chuyển giáp giữa rừng kinh tế và rừng xanh, chúng tôi phải dừng xe vì có đàn khỉ chạy ngang qua đường. Tôi tiếc ngẩn ngơ khi không đưa máy kịp chụp khoảnh khắc tuyệt vời này. Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Bù Đốp Nguyễn Văn Ách cười: “Lát cháu quay ra sẽ còn thấy. Vì nó đã về ăn thì sẽ còn đó riết, chưa đi đâu”. Thật vậy, những ngày ở rừng Bù Đốp, chúng tôi luôn bị mê hoặc bởi tiếng gọi bầy của đàn khỉ lấp ló, nhảy nhót sau những rặng lồ ô. Đầu giờ chiều, từ chốt kiểm lâm đường sông, ca nô rẽ nước tung trắng xóa đưa chúng tôi tham quan ốc đảo Bù Đốp, từ đầu nguồn Đắk Huýt đến suối Tưng, suối Mai, gò Nam...

Để phục vụ du khách đến tham quan, Hạt kiểm lâm Bù Đốp đã cho đóng những con tàu lớn. Trong hình là tàu đưa đoàn khách của UBND huyện Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang tham quan tuyến tuần tra đường sông của Hạt kiểm lâm Bù Đốp

Đó là những gì chúng ta có thể thấy ở rừng Bù Đốp ngày nay. Những cánh rừng tự nhiên dần phủ xanh; hệ động, thực vật phong phú. Trước năm 2003, huyện Bù Đốp có khoảng 12.000 ha rừng. Nhưng qua 10 năm với chủ trương chuyển đổi đất rừng trồng cao su, hiện Bù Đốp chỉ còn hơn 6.000 ha rừng tự nhiên. Đặc biệt, hơn 300 ha rừng khộp với những cây dầu đồng hàng trăm năm tuổi và diện tích rừng ngập mặn đã đưa rừng Bù Đốp thuộc vào những cánh rừng độc đáo ở khu vực Nam bộ. Tháng 1 và tháng 2 đang là cao điểm của mùa khô, hơn 300 ha diện tích rừng khộp đã rụng lá tạo nên một lớp thảm thực vật dày giữ ẩm cho rừng.

Trên ốc đảo, Hạt kiểm lâm Bù Đốp đã xây dựng hàng chục ngôi nhà lá, lán trại bằng lồ ô dọc hồ thủy điện Cần Đơn. Song song đó là hệ thống đường đi lại, hệ thống công cộng cũng được xây dựng. Một thời gian nữa khi đến đây, ngồi trong những ngôi nhà này, du khách có thể vừa quan sát rừng vừa lênh đênh trên mặt hồ. Tất cả sẽ góp phần vào một dự án du lịch sinh thái rừng liên hoàn: rừng xanh đầu nguồn, rừng khộp và khu bảo tồn rừng trên dòng Đắk Huýt, hồ Cần Đơn.

NỖ LỰC HÌNH THÀNH KHU DU LỊCH SINH THÁI

Bù Đốp có diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 13.145 ha, trong đó, đất có rừng tự nhiên 6.417,5 ha, rừng trồng 6.149,4 ha, đất khác 578,1 ha. Trong 6.417,5 ha đất rừng tự nhiên, có 4.615 ha đất rừng phòng hộ đầu nguồn và 1.802,5 ha đất rừng sản xuất, 304 ha rừng khộp, còn lại là rừng thường, chủ yếu là rừng hỗn giao và một phần diện tích rừng xanh.

Rừng Bù Đốp có vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường sinh thái trên địa bàn huyện, nhất là 4.615 ha rừng phòng hộ đầu nguồn đã có vai trò điều tiết nguồn nước đối với hệ thống sông Bé, hồ thủy điện Cần Đơn và cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân trên địa bàn. Để hướng đến một khu du lịch sinh thái, bước đầu Hạt kiểm lâm Bù Đốp đã xây dựng nhiều nhà chòi, chú trọng đầu tư phát triển các mô hình phát triển kinh tế trên sông như bè nuôi cá, cua... để phục vụ khách tham quan du lịch. Hiện mỗi tuần có từ 2 đến 3 đoàn khách du lịch đến tham quan tại cánh rừng này. Dịp lễ, tết, lượng khách là “dân phượt” và những người ưa du lịch mạo hiểm đến đây khá nhiều.

Có mặt tại rừng vào những ngày đầu năm mới, chị Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang cho biết: “Sẽ là hợp lý khi nơi đây phát triển được du lịch sinh thái miệt vườn. Lần đầu đến Bình Phước, tôi bất ngờ khi biết ở đây cảnh đẹp như vậy, cánh rừng tươi tốt, sông nước hữu tình”.

Rừng Bù Đốp không chỉ là những cánh rừng rộng bạt ngàn mà còn chứa đựng trong nó rất nhiều giá trị sinh thái. Đặc biệt, với diện tích 80 ha rừng bán ngập hứa hẹn sẽ là một khu du lịch sinh thái lý tưởng. Từ khi xây dựng Nhà máy thủy điện Cần Đơn, do ảnh hưởng của hiện tượng bán ngập nên vào mùa khô mực nước hồ xuống thấp, đất bị sa mạc hóa; còn mùa mưa xói mòn, trôi đất bồi lấp lòng hồ. Từ đó đặt ra nhiệm vụ cho Hạt kiểm lâm Bù Đốp là khắc phục hạn chế và tìm giống cây trồng mới thích hợp. Hạt kiểm lâm Bù Đốp đã tham mưu cấp trên và thực hiện dự án trồng cây trên diện tích ngập mặn. Trồng gáo nước và cây tràm là lựa chọn ưu tiên cho diện tích đất bán ngập. Dự án được triển khai từ năm 2012 đến nay, tỷ lệ cây sống rất cao, trong đó gáo nước trên 95% và tràm hơn 60%. Ông Nguyễn Văn Ách cho biết: “Nắm được quy trình điều tiết nước của thủy điện, từ giai đoạn trồng thử nghiệm, hạt đã lựa chọn cây gáo nước ươm đủ kích cỡ rồi trồng. Đến nay, tại lòng hồ đất bán ngập của thủy điện Cần Đơn, hạt đã trồng 80 ha rừng, hầu hết là cây gáo nước, còn lại là cây tràm”.

Dự án trồng rừng bán ngập không những tạo cảnh quan sinh thái mà còn góp phần chống bồi lắng lòng hồ thủy điện, chống rửa trôi đất, tạo nguồn thủy sản phát triển phong phú cho người dân địa phương khai thác. Kết hợp với các điều kiện thuận lợi khác, hy vọng rừng Bù Đốp sẽ sớm hình thành một ốc đảo xanh như mong ước.

Thanh Nga

  • Từ khóa
95053

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu