Thứ 6, 29/03/2024 00:43:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 16:06, 25/09/2012 GMT+7

Suy nghĩ từ phong trào xây dựng đời sống văn hóa

Thứ 3, 25/09/2012 | 16:06:00 262 lượt xem

Trong những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu và đang tiếp tục được triển khai thực hiện trên phạm vi cả nước. Hiệu quả từ phong trào mang nhiều ý nghĩa nhân văn này đã thực sự trở thành nguồn động lực tinh thần to lớn, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phấn đấu thực hiện thành công sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh...

TỪ NHỮNG KẾT QUẢ...

Trong quá trình thực hiện, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã quy tụ được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, huy động được nhiều nguồn lực vật chất, tinh thần để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Thông qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã hướng về cơ sở, tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy có hiệu quả các nguồn lực lao động, đất đai, kinh nghiệm phát triển sản xuất. Các tổ chức thành viên như: Hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân... đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn kinh nghiệm, truyền đạt kỹ năng, kỹ thuật... giúp hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, phát triển kinh doanh, dịch vụ, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Không chỉ tạo nên sự chuyển biến về kinh tế, phong trào còn phát huy tốt truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, uống nước nhớ nguồn trong cộng đồng dân cư.

Một buổi sinh hoạt văn hóa của người dân ấp Suối Nhung, xã Tân Tiến (Đồng Phú)

Điểm mấu chốt trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là việc xây dựng từng gia đình văn hóa; thôn, ấp, khu dân cư văn hóa. Để đạt danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa phải đáp ứng được những yêu cầu mà Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã quy định. Theo đó, đối với danh hiệu gia đình văn hóa thì mỗi gia đình phải: Gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương. Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng; tổ chức lao động, sản xuất - kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả. Tiêu chuẩn danh hiệu khu dân cư văn hóa: Đời sống kinh tế dân cư ổn định và từng bước phát triển; đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú; môi trường cảnh quan sạch - đẹp; chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng. Trong năm 2011, toàn tỉnh có 195.823 hộ đăng ký gia đình văn hóa. Qua bình xét, kết quả cuối năm có 183.447 hộ đạt tiêu chuẩn, chiếm trên 92%. Toàn tỉnh có 179/842 khu dân cư văn hóa, 330 khu dân cư tiên tiến, còn lại là đạt yêu cầu và không có khu dân cư yếu kém. Đây là những con số với tỷ lệ rất cao. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, so với thực tế thì những con số này chưa chắc đã chính xác.

... ĐẾN NHỮNG ĐIỀU BĂN KHOĂN

Theo đánh giá của cán bộ mặt trận, ngành văn hóa và các cơ quan chức năng, từ trước đến nay hầu hết các địa phương đều bình xét một cách nghiêm túc, không chạy theo thành tích và kiên quyết loại ra khỏi danh sách những khu dân cư và hộ gia đình nào chưa đủ tiêu chuẩn, hoặc còn “có vấn đề” gì đó. Vì vậy, chất lượng bình xét ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt làm được, qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy việc bình xét đề nghị công nhận tiêu chuẩn khu dân cư và gia đình văn hóa ở một số thôn, ấp, xã vẫn còn nhiều việc phải bàn. Đó là tình trạng có nơi họp bình bầu qua loa, đại khái có nơi khu dân cư không họp được dân, mà chỉ bình xét trên cơ sở cảm tính của ban ấp rồi lập danh sách gửi lên. Có nơi tổ chức họp dân, nhưng số người dự họp quá ít. Kết quả là việc bình xét không đảm bảo chất lượng. Gia đình người viết bài này cũng có nhiều năm liền đạt tiêu chuẩn văn hóa, nhưng rất ít khi được mời họp bình xét thi đua, mà chủ yếu chỉ được mời họp khi có đóng góp nghĩa vụ công dân.

Giai đoạn 2012-2014: Toàn tỉnh phấn đấu từ 20-40% trở lên thôn, ấp, tổ dân phố giữ vững và phát huy danh hiệu khu dân cư văn hóa. Trong đó có từ 10-15% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 10-15 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Phấn đấu 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký thực hiện và có từ 40-60% trở lên đạt chuẩn văn hóa, vận động 100% cán bộ, viên chức, người lao động đăng ký nếp sống văn minh và đạt 95-98%. Phấn đấu 100% khu dân cư xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước.

Giai đoạn 2014-2015: Toàn tỉnh phấn đấu 100% hộ đăng ký gia đình văn hóa và có từ 60% hộ trở lên giữ vững và phát huy danh hiệu gia đình văn hóa; 40% trở lên thôn, ấp, tổ dân phố giữ vững và phát huy danh hiệu khu dân cư văn hóa. 15% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 15% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Phấn đấu 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký thực hiện và có từ 60% trở lên đạt chuẩn văn hóa, 100% cán bộ, công chức, viên chức đăng ký nếp sống văn minh và có 98% được công nhận.

(Nguồn: Kế hoạch của UBND tỉnh triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2015).

Bình xét, lựa chọn khu dân cư văn hóa là một việc làm quan trọng với nhiều tiêu chí đã được quy định. Một khu dân cư đạt tiêu chuẩn văn hóa phải có nhiều gia đình văn hóa, ngoài ra còn có đầy đủ các tiêu chuẩn khác (như thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng...). Thế nhưng không ít nơi việc bình xét được thực hiện một cách tùy tiện. Có người cho rằng, bình xét, công nhận khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa là việc làm còn chứa đầy hình thức, với căn bệnh chạy theo thành tích, mà chưa có chiều sâu và thực chất. Nên chăng hàng năm cần có đợt kiểm tra chéo giữa các khu dân cư trong từng địa phương. Khu dân cư này nhận xét và chấm điểm cho nơi khác; đồng thời lấy ý kiến người dân bằng cách phát phiếu đánh giá, nhận xét. Việc bình chọn gia đình văn hóa cũng vậy, sau khi họp dân, bình chọn, cần tổng hợp ý kiến của cộng đồng bằng cách phát phiếu lấy ý kiến của từng hộ. Việc làm này tuy mất thời gian nhưng hiệu quả và khá chính xác, tránh được dư luận không tốt trong các khu dân cư.

Xây dựng nhiều gia đình văn hóa để có các khu dân cư văn hóa là nền móng của xã hội văn minh. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có hai nội dung quan trọng là việc xây dựng gia đình và khu dân cư văn hóa. Theo đó, xác định rõ gia đình là tế bào của xã hội. Môi trường văn hóa từ trong gia đình là yếu tố quan trọng hình thành tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống của các thành viên. Khu dân cư là “tế bào” của một địa phương cấp xã. Nhiều khu dân cư văn hóa thì địa phương đó sẽ là đơn vị tiêu biểu. Vì vậy, mặt trận các cấp và các cơ quan chức năng có liên quan cần xem xét, kiểm tra và đánh giá thực chất danh hiệu đó có đúng với nghĩa của nó?

Đức Hồng

  • Từ khóa
87791

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu