Thứ 7, 20/04/2024 00:31:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 16:21, 29/01/2015 GMT+7

Gỡ vướng trong thực hiện Nghị định 67

Thứ 5, 29/01/2015 | 16:21:00 1,362 lượt xem
BPO - Sau 5 tháng triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, đã có 6 hợp đồng tín dụng của ngân hàng với 6 chủ tàu có tổng vốn đầu tư 66,43 tỷ đồng.


Sau 5 tháng triển khai Nghị định 67, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh gia cao sự vào cuộc nhanh chóng của các bộ, ngành, địa phương, các ngân hàng thương mại

Chiều 28-1, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã nghe báo cáo của các Bộ, ngành về việc thực hiện Nghị định số 67 của Chính phủ, trong đó tập trung xử lý những vướng mắc trong phát triển đóng mới, nâng cấp tàu công suất lớn phục vụ đánh bắt xa bờ.

Theo ông Vũ Văn Tám (Thứ trưởng Bộ NN&PTNT), sau 5 tháng triển khai Nghị định số 67, có 12 địa phương (khoảng 1/2 số tỉnh, thành được hưởng chính sách từ NĐ 67- PV) đã phê duyệt 352 chủ đầu tư tàu cá đánh bắt xa bờ là ngư dân. Trong đó, nâng cấp 34 chiếc; đóng mới là 151 chiếc, vật liệu mới 16 chiếc, tàu gỗ 185 chiếc.

Tới nay, đã có 6 hợp đồng tín dụng (của Ngân hàng Agribank và BIDV) với 6 chủ tàu có tổng vốn đầu tư 66,43 tỷ đồng, trong khi đó, tổng số tàu đánh bắt xa bờ cần phải thực hiện từ nay tới năm 2020 phải đạt 2.097 tàu đánh bắt và 205 tàu dịch vụ hậu cần.

Ông Tám cho rằng tiến độ như vậy là chậm do việc triển khai Nghị định vào cuối năm trong khi ngư dân có tập quán đóng tàu chỉ trong 1 năm, không muốn “vắt” sang năm thứ hai; ngân hàng thương mại chưa thực hiện hợp đồng vay vốn với ngư dân ngay vì vướng việc thẩm định lại năng lực ngư dân và đề nghị bổ sung thêm tài sản đảm bảo ngoài chính con tàu hình thành trong tương lai.

Ngoài ra, ông Tám cho biết, hiện có việc khi nâng cấp máy tàu cá thì yêu cầu phải dùng máy mới, nhưng đóng mới tàu cá thì Nghị định, Thông tư không quy định phải dùng máy mới nên một số địa phương “lăn tăn” trong việc đầu tư đóng mới tàu có sử dụng máy cũ. Ông Tám cũng bày tỏ quan điểm của Bộ NNPTNT là “đóng mới tàu cá thì phải dùng máy mới”.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho rằng hiện ở các địa phương có ít cơ sở đóng tàu đánh cá vỏ thép nên bà con không có nhiều điều kiện tham khảo để đầu tư đóng, nâng cấp tàu cá.

Cũng theo ông Tiến, hiện mới có 12 tỉnh, thành phố phê duyệt chủ tàu cá được vay vốn là ít và đề nghị các địa phương cần phải làm sớm danh mục này để các ngân hàng tiếp cận, giải ngân vốn. Hiện nguồn vốn thực hiện Nghị định 67 được các NHTM Nhà nước cam kết dành 14.000 tỷ đồng, các ngân hàng đã chủ động tiếp cận người vay vốn, lập các tổ công tác để hướng dẫn bà con thực hiện hồ sơ thủ tục cần thiết.

Lý giải việc ngư dân khi vay vốn đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu cá phải có thêm tài sản đảm bảo, ông Tiến và một số lãnh đạo NHTM cổ phần Nhà nước cho rằng quy định này thực hiện theo nguyên tắc tín dụng thông thường.

Đối với việc cho vay vốn lưu động phục vụ mỗi chuyến đi biển, lãnh đạo BIDV cho hay vẫn cần tài sản thế chấp khác vì ngân hàng không có căn cứ tính toán bà con sẽ trả lãi và vốn như thế nào.

Sau 5 tháng triển khai Nghị định 67, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao sự vào cuộc nhanh chóng của các bộ, ngành, địa phương, các ngân hàng thương mại.

Đặc biệt, theo Phó Thủ tướng, tới nay việc tổ chức phê duyệt (chủ tàu cá tham gia Nghị định 67-PV) được tổ chức chặt chẽ, chưa có tiêu cực, việc triển khai thực hiện cho vay đúng hướng, cơ bản chưa có gì bất cập nảy sinh.

Phó Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, các bộ, ngành tiếp tục triển khai tích cực Nghị định 67 nhưng phải đúng pháp luật và chặt chẽ, không dễ dãi để tránh xuất hiện tiêu cực; thực hiện đúng đối tượng cần vay vốn, hạn chế không để kẻ xấu lợi dụng.

Về chính sách đầu tư, vốn cho phát triển thủy sản năm 2015 chưa đạt yêu cầu thì các Bộ tiếp tục tính toán cân đối các nguồn vốn khác trong và ngoài ngân sách để thực hiện, nhưng phải rà soát, ưu tiên cho vùng trọng điểm về thủy sản trước.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành đưa các ngân hàng thương mại tham gia Tổ phê duyệt chủ tàu cá của địa phương để thúc đẩy việc lập danh sách chủ tàu cá và giải ngân, thực hiện Nghị định 67. “Bà con vay được một đồng cũng khổ sở để mà làm ăn, trả nợ lắm chứ, nên các bộ, ngành, địa phương và ngân hàng phải giải quyết tối đa”, Phó Thủ tướng nói.

Đối với yêu cầu phải có tài sản thế chấp khác để ngư dân vay vốn lưu động phục vụ từng chuyến đánh bắt xa bờ hay nâng cấp ngư lưới cụ, thiết bị đi biển, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Thống đốc NHNN bằng thẩm quyền của mình xử lý việc này theo hướng cho ngư dân vay vốn theo tín chấp.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đề nghị cứ 6 tháng sẽ sơ kết việc thực hiện Nghị định 67 một lần, đồng thời chuẩn bị tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương để nghe và giải quyết nhiều hơn những khó khăn trong thực hiện.

Nguồn Chinhphu.vn

  • Từ khóa
12533

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu