Thứ 4, 24/04/2024 03:03:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 15:41, 15/09/2017 GMT+7

Giúp người tiêu dùng bỏ dần tâm lý “sính ngoại”

Thứ 6, 15/09/2017 | 15:41:00 2,124 lượt xem

BP - Việc hàng trăm người xếp hàng dài trong ngày 9-9 vừa qua chờ được vào mua hàng nhân ngày khai trương nhãn hàng thời trang H&M cho thấy “cơn sốt thời trang nhanh” (fast fashion) đang lan rộng; đồng thời cũng cho thấy tâm lý “sính ngoại” của đa số người tiêu dùng Việt, nhất là những người trẻ. Khi được nhà đài phỏng vấn vì sao phải xếp hàng dài để chờ mua hàng, trong khi có rất nhiều nhãn hàng thời trang trong nước cũng đang được người nước ngoài ưa chuộng, nhiều bạn trẻ đã chia sẻ: Khi dùng hàng của H&M, họ có niềm tự hào là đang dùng hàng ngoại.

Có thể thấy, tâm lý chuộng hàng ngoại có ở phần lớn người tiêu dùng, thậm chí ngay cả trong mua sắm tài sản công ở các cơ quan của Đảng, chính quyền và các đoàn thể sử dụng ngân sách. Tâm lý sính hàng ngoại đã trở thành thói quen của nhiều người, cứ thấy hàng ngoại là mua mà không cần suy xét xem cùng mặt hàng đó, hàng nội tốt hay hàng ngoại tốt hơn. Thực tế là hàng xuất khẩu của nước ta, đặc biệt các sản phẩm dệt may, giày dép, nông sản... được thị trường nước ngoài ưa chuộng, nhưng người tiêu dùng trong nước lại chê. Tâm lý chuộng hàng ngoại còn được xem là “sành điệu”, là cách phô trương khả năng tài chính của những người nhiều tiền.

Sản phẩm giày sản xuất tại Nhà máy Giày da Thái Bình (Đồng Xoài) đều mang thương hiệu nổi tiếng nước ngoài - Ảnh: K.B

Gần đây, giới nhà giàu ở các thành phố lớn có nhu cầu dùng thực phẩm ngoại. Ở thị xã Đồng Xoài cũng có nhưng không nhiều. Họ là những chủ cơ sở kinh doanh, buôn bán lớn hoặc có nhiều vườn rẫy với mức thu nhập “khủng” hằng tháng. Người viết có dịp tiếp xúc với một nhóm phụ nữ giàu có chuyên dùng hàng ngoại. Lúc nào họ cũng tìm mua hoặc nói chuyện thức ăn nhập khẩu của Nhật, Đức, Nga, Mỹ, Pháp... Có lần cùng một chị nhà giàu từ Đồng Xoài xuống Sài Gòn đi siêu thị mua đồ và tôi đã hoa mắt, chóng mặt vì cách tiêu tiền của chị. Đi thẳng vào gian hàng nhập ngoại, chị chọn hàng rất nhanh. Đó là những loại thực phẩm quen thuộc như thịt gà, thịt bò, cá, tôm, đậu phụ, rau, củ, trái cây, đồ uống... nhưng toàn là đồ ngoại. Ở quầy thanh toán, tôi choáng váng vì số thực phẩm cho một tuần của gia đình 4 người lớn, 2 trẻ em + osin mà lên tới gần 9 triệu đồng. Có vẻ như chị đang “ăn trả thù” cái thời bao cấp đói kém hay sao ấy. Hỏi vì sao các mặt hàng thực phẩm của Việt Nam tại các siêu thị cũng rất bảo đảm mà phải “chuốc” thực phẩm ngoại làm gì cho tốn kém thì chị giải thích: Bọn trẻ nhà mình thích ăn cá hồi. Chỉ khi hết cá hồi Nhật mới mua hàng Việt Nam. Thế nhưng trứng cá hồi thì lại phải là của Nga mới đẳng cấp. Cầm lên miếng đậu phụ của Nhật, chị nói đậu này có vị lạ nên đắt hơn đậu phụ Việt Nam. Đắt gấp bao nhiêu lần? - tôi hỏi. Gấp 60 lần, tức số tiền mua 1kg đậu phụ Nhật thì mua được 60kg đậu phụ của Việt Nam.

Tôi có cô cháu gái là tiếp viên hàng không. Cháu nói lương tiếp viên chỉ đủ xài, phần tích lũy là từ hàng xách tay ở nước ngoài về. Trước mỗi chuyến đi, cháu thông báo trên mạng xã hội là mình bay nước nào để những người có nhu cầu gửi mua hàng. Nếu bay sang Pháp thì xách nước hoa, mỹ phẩm, xa xỉ sản phẩm đồ hiệu. Bay Úc thì xách các loại thực phẩm chức năng, sữa ong chúa, sữa trẻ em. Bay Đức thì xách đồ gia dụng như bếp từ, dao kéo, xoong nồi. Bay Nhật thì xách sữa, đồ ăn, gia vị các loại... Cháu cho biết bây giờ nguồn cung hàng xách tay không chỉ có tiếp viên hàng không mà có những người chuyên “đánh” hàng nước ngoài về bán. Tại thành phố Hồ Chí Minh đã hình thành hệ thống siêu thị bán lẻ chuyên cung cấp hàng ngoại như: Hachi Hachi, Bibomart (chuyên cung cấp hàng Nhật) và một số siêu thị mini khác cung cấp hàng châu Âu. Đây là địa chỉ mua hàng thường xuyên của những người giàu có và sính đồ ngoại như chị bạn của tôi.

Bây giờ, cả đến trái cây người ta cũng sính dùng hàng xách tay, dù giá rất cao. Cherry của Úc giá dao động từ 500-700 ngàn đồng/kg tùy mùa, tùy loại trái to hay nhỏ. Táo Úc 180 ngàn đồng/kg. Nho đen không hạt của Nhật 500 ngàn đồng/kg... Sữa, váng sữa, bột ngũ cốc, pho mát... là các mặt hàng được quảng cáo hàng xách tay nhiều nhất. Người ta lập rất nhiều trang web để bán hàng xách tay. Thế nhưng, thực chất đó có phải là “hàng xịn” hay không thì không ai dám bảo đảm. Bởi “nhân danh” hàng xách tay nên tất thảy hàng hóa chỉ được để trong những chiếc hộp hoặc cho vào túi ni-lon và không tem, nhãn. Tất cả hàng thực phẩm xách tay, sữa, các loại thức ăn cho trẻ... đều không được kiểm soát về chất lượng an toàn thực phẩm, dù rằng giá đắt hơn hàng nhập khẩu chính ngạch.

Thực tế đã có nhiều lô hàng thực phẩm ngoại nhập chính ngạch bị phát hiện không đạt chất lượng. Vậy hàng xách tay chưa qua kiểm tra thì chất lượng ra sao thật khó trả lời. Thế nhưng người ta vẫn đổ xô đi mua hàng xách tay, chỉ vì đó là hoàng ngoại!

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai từ năm 2009. Mục đích cuộc vận động là phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, đây chỉ là cuộc vận động, một phong trào nhằm khuyến khích, định hướng tiêu dùng trong nhân dân chứ không phải là một quyết định hành chính nên không thể buộc người tiêu dùng trong nước phải mua hàng nội. Không thể phủ nhận một thực tế là năng lực sản xuất hàng hóa trong nước còn yếu; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, kém chất lượng so với hàng ngoại cùng loại và giá thành cao. Bên cạnh đó, mẫu mã bao bì kém hấp dẫn. Điều đáng lưu tâm là các nhà sản xuất trong nước quá chú trọng xuất khẩu, tự bỏ trống thị trường nội địa cho doanh nghiệp nước ngoài khi hàng chất lượng cao mang đi xuất khẩu còn hàng chất lượng kém thì tiêu thụ nội địa.

Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đạt hiệu quả, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người tiêu dùng trong và ngoài nước nhận thức đúng đắn khả năng sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp Việt và chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt. Các cơ quan của Đảng, Nhà nước, đoàn thể gương mẫu thực hành tiết kiệm trong chi tiêu khi mua sắm tài sản công, vật dụng văn phòng, phải ưu tiên sử dụng hàng nội. Cần kiên quyết xử lý nghiêm hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng để làm trong sạch thị trường. Bên cạnh đó, phải hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức hội thảo, hội chợ triển lãm hàng Việt Nam chất lượng cao, xây dựng thương hiệu quốc gia. Có như thế mới giảm dần tâm lý “sính ngoại” và hướng người tiêu dùng quan tâm hơn tới hàng nội địa chất lượng cao.

T.N

  • Từ khóa
42031

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu