Thứ 6, 29/03/2024 15:53:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giải trí 08:46, 17/08/2019 GMT+7

Giúp con yêu sách

Thứ 7, 17/08/2019 | 08:46:00 393 lượt xem
BP - Khi con còn nhỏ, nhiều cha mẹ đã giúp con hình thành thói quen đọc sách. Chị Nguyễn Thị Lan ở phường Tiến Thành và anh Nguyễn Hữu Hùng ở phường Tân Thiện (Đồng Xoài) đã khơi lên tình yêu sách và giúp con học cách đọc sách hiệu quả.

Khơi lên tình yêu sách

Đa số trẻ em đều yêu thích các bộ phim hoạt hình trên tivi. Vì vậy, để đưa sách đến gần con, việc trước nhất là phụ huynh không cấm xem tivi, mà giới hạn trong khung giờ nhất định. Bởi tivi là phương tiện truyền thông, là cách cân bằng các hoạt động khác ở con. “Nếu bị dừng lại bất ngờ, không còn được xem những bộ phim hoạt hình sống động, con hầu như không nghe những gì mình nói, chứ chưa nói tới việc đưa sách tiếp cận con” - chị Lan chia sẻ. Tiếp đó, chị Lan giao “nhiệm vụ” gọi là việc nhà cho con với nguyên tắc hoàn thành tốt mới được xem tivi. Trong việc nhà có học chữ, số và xem sách 45 phút. Vì còn nhỏ tuổi, chưa phân biệt được việc nhà và việc học nên Hà Chu (con chị Lan) được mẹ thuyết phục, làm rất chú ý, cẩn thận, không biết mình đang dần lại gần với sách.

Dẫu rất nhỏ tuổi, con trẻ vẫn thích xem sách, báo có nhiều hình ảnh sinh động và trình bày đẹp

Khi Hà Chu 2 tuổi, chị Lan cho con xem tivi, vì thấy qua từng bộ phim hoạt hình vui nhộn, nhiều màu sắc, phù hợp độ tuổi, con nhanh học hỏi, tư duy tốt. Năm Hà Chu chuẩn bị vào lớp lá, chị dành nhiều thời gian cho con học chữ và số. Khi chuẩn bị vào lớp 1 thì “Hà Chu chỉ thích xem tivi, ngồi học nhanh buồn ngủ, nhiều cử chỉ hằng ngày giống như một số nhân vật trong phim hoạt hình” - chị Lan cho biết thêm. Khi ấy, gia đình đã mất nhiều thời gian tìm cách cho bé tiếp cận và hình thành thói quen đọc sách.

Sớm hơn chị Lan, anh Hùng khơi lên tình yêu sách trong con từ năm bé 2 tuổi - khi biết xem hoạt hình. “Tôi mua nhiều dạng sách có ảnh bìa sống động, đặt nhiều nơi trong nhà - những chỗ con thường chơi để dễ nhìn thấy và lấy xuống bất cứ lúc nào. Rất nhanh, con đã chọn một số cuốn làm đồ chơi cho mình” - anh Hùng nói. Khi con đã quen với sách, anh cầm “đồ chơi” của con lật chậm từng trang, vừa chỉ hình vẽ vừa hào hứng thuyết minh. Con đã rất yêu thích và cầm theo... Đến nay, con anh Hùng 4 tuổi, thường lân la tới giá sách của cha, với lấy những cuốn khám phá tự nhiên, phát minh khoa học, vũ trụ, rồi tự tư duy những câu chuyện lém lỉnh. Anh Hùng nói: “Tôi khá bất ngờ. Hầu như đó là những cuốn sách lắm chữ, ít hình, rất nhàm chán, đơn điệu với trẻ”.

Giúp con học cách đọc sách

Ngoài cố gắng, tỉ mỉ đưa sách lại gần con, anh Hùng, chị Lan còn cùng con học cách đọc sách. Bởi học cách đọc giúp con hiểu giá trị từng cuốn sách, luôn muốn khám phá nội dung, qua đó thêm yêu sách; đồng thời biết từ, có vốn từ nhanh hơn, sớm hơn tuổi. “Đầu tiên tôi đọc con nghe những cuốn con thích (vừa đọc vừa cùng con xem hình minh họa). Và lắm lúc khá bực mình vì con bắt đọc đi đọc lại nhiều lần, hằng đêm. Tuy nhiên, nếu chịu khó, qua cách đọc này hướng con biết thêm nội dung hấp dẫn ở những cuốn mà con chưa thích trước đó. Tiếp nữa, đôi lúc ngừng đọc dở chừng, hay đọc thiếu, sai từ, con đã “điền” khá đúng. Như vậy, trong lúc mình đọc, không những con ghi nhớ từ, đòi mẹ đọc lại nhiều lần để nhớ nội dung, tên các nhân vật... mà còn hiểu câu chuyện” - chị Lan cho biết. Thi thoảng, Hà Chu có điền từ sai (những từ có cách phát âm gần giống nhau), chị Lan giúp con điền lại và giảng giải cụ thể về nghĩa của từ.

Với anh Hùng, anh sửa các câu nối nhau trong sách theo vần, điệu giúp con dễ nhớ và hào hứng. Anh cầm sách của con lên giả vờ học bài và con nhìn thấy cũng cầm theo, đọc nghiêm túc như cha. “Tôi chú ý thấy con đọc theo cách nhớ nội dung trước đó cha đã đọc cho nghe. Ở những cuốn mới, con nhờ tôi đọc trước, hoặc dựa vào hình vẽ tưởng tượng ra và đọc” - anh Hùng nói. Cũng theo anh Hùng, có lần con nhìn bìa sách khám phá các loài động vật đã tuyệt chủng với 2 hàng chữ viết cách điệu bởi những thanh xương bèn nói cuốn sách này viết về ngôn ngữ của những bộ xương làm anh bất ngờ, xúc động, tin vào cách mình đang làm cho con.

 Khi đã học cách đọc sách một thời gian, lên 4-6 tuổi, con chị Lan thường xuyên thắc mắc nghĩa của những từ “lạ”. Chị Lan giúp con bằng giải thích liên tưởng, hoặc diễn giải. Ví như cho con biết vì sao không nói “có một đống cây ngoài kia”, mà phải là “có một vườn cây ngoài kia”. Qua đó, con biết lúc nào dùng từ “vườn”, từ “đống” và vì sao. Anh Hùng cũng có cách giúp con ghép từ để đọc và hiểu từ nhanh chóng, dễ dàng, không gây áp lực. Như đọc khó từ “trà”, anh nói “trà” bắt đầu bằng chữ “tr” và phát âm gần giống “bà”... Qua những cách làm cụ thể này, con trẻ dẫu “đang học nói” cũng đọc từ nhanh, chính xác, nhớ nhiều từ, nhiều mặt chữ và dễ dàng vượt qua các từ khó.

Sau cùng, cách mỗi chúng ta đều áp dụng và thấy hiệu quả là “kiểm tra bài cũ”, bên cạnh hỏi con chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo, kết thúc vậy có được không, vì sao... Từ khơi gợi tình yêu sách trong con, giúp con học cách đọc đúng ngay khi tuổi còn rất nhỏ, chúng ta đã mở rộng cánh cửa tri thức để con bước vào ngay từ những năm đầu đời.

Trung Nhân

  • Từ khóa
107964

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu