Thứ 5, 25/04/2024 23:58:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 09:08, 15/09/2013 GMT+7

Giữ sĩ số học sinh DTTS từ tấm lòng yêu nghề, mến trẻ

Chủ nhật, 15/09/2013 | 09:08:00 145 lượt xem

Vận động học sinh dân tộc thiểu số ra lớp đã khó, giữ vững sĩ số càng khó hơn. 3 năm liên tục trường Tiểu học Thiện Hưng B (Bù Đốp) không có học sinh bỏ học giữa chừng và giữ vững sĩ số 100%, đó là hạnh phúc và niềm tự hào của hiệu trưởng Đoàn Thị Thung... Cái tâm của người thầy là “kho” kinh nghiệm quý nhất mà cô giáo Đoàn Thị Thung để lại trước khi nghỉ hưu, sau 35 năm “đưa chữ” về rừng. 

TỪ NHỮNG KHÓ KHĂN

Quê ở miền cát Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình), năm 1985, cô Thung chuyển vào vùng biên giới Bù Đốp dạy học. Hình ảnh đầu tiên không quên với cô là học trò cấp 1 người dân tộc Xêtiêng có em cao hơn cô giáo nhưng ngây ngô, rụt rè khi đến lớp. Nhiều em bập bẹ tiếng phổ thông nên cả cô và trò khó tiếp cận để hiểu nhau.


Giờ học lớp 1 ở điểm lẻ Thiện Cư

Trường Tiểu học Thiện Hưng B (Bù Đốp) được thành lập trên cơ sở tách trường Tiểu học Thiện Hưng vào năm học 2000-2001. Ngoài điểm chính, Tiểu học Thiện Hưng B còn có 3 điểm lẻ, học sinh dân tộc Xêtiêng chiếm hơn 30%, trong đó điểm trường ấp Thiện Cư  100% em là người Xêtiêng. Trường có 18 lớp nhưng số học sinh dao động hàng năm chỉ hơn 300 em. Cô Thung cho biết: Về cơ sở vật chất, Tiểu học Thiện Hưng B không khó khăn vì được thành lập đã 13 năm và có nhiều nguồn kinh phí đầu tư từ các chương trình dự án. Khó khăn là phụ huynh học sinh ở đây nghèo cả về kinh tế và nhận thức, đặc biệt là đồng bào Xêtiêng. Theo khảo sát của nhà trường, có 1/3 phụ huynh học sinh thuộc hộ nghèo. Cô Thung bức xúc vì các tiêu chí thi đua của ngành giáo dục dường như cào bằng, không phân biệt vùng đặc biệt khó khăn. Với vùng biên giới, dân tộc thì việc vận động được các em ra lớp đã khó mà giữ được sĩ số đến cuối năm học càng gian nan và không thể cào bằng với các trường ở thị trấn, thị tứ, hoặc các xã có điều kiện khá.

Ở ấp Thiện Cư, 100% học sinh dân tộc Xêtiêng thân quen, gắn bó với cô giáo Điểu Thị Ánh Dương và Điểu Thị Hương. Những năm gần đây, ấp Thiện Cư đã tăng lên 4 lớp, trường phải điều động thêm 2 giáo viên người Kinh vào đứng lớp nên rất khó khăn trong hòa đồng ngôn ngữ, rèn luyện thói quen và duy trì sĩ số học sinh. Đặc biệt là khu dân cư biên giới giáp hồ thủy điện Cần Đơn, những gia đình có đất sản xuất do Nhà nước cấp theo Chương trình 134 ở Tiểu khu 67, giao thông đi lại khó khăn về mùa mưa nên nhiều em bỏ học giữa chừng vì đường đến trường khó đi.

ĐÁNH THỨC CÁI TÂM NGHỀ NGHIỆP

 35 năm làm nghề giáo và 28 năm gắn bó với vùng sâu, vùng xa Thiện Hưng, cô Thung luôn nắm bắt tâm lý của phụ huynh và nguyên nhân bỏ học của các em. Học sinh bỏ học chiếm tỷ lệ cao ở lớp 4, lớp 5, vì độ tuổi này có thể phụ giúp cha mẹ lượm điều, cắt lúa hoặc giữ em. Theo cô Thung, phương pháp vận động học sinh dân tộc thiểu số bỏ học trở lại lớp hiệu quả nhất là “dỗ” các em và thuyết phục phụ huynh bằng sự thân thiện của cô giáo từ hiệu trưởng đến giáo viên chủ nhiệm, tổng phụ trách đội; đồng thời có phần quà sách vở, quần áo hỗ trợ các em, giảm khó khăn cho gia đình. “Hiệu trưởng phải hiểu được khó khăn của giáo viên để cùng gánh vác, xác định nguyên nhân chính và có phương pháp vận động thích hợp”, cô Thung nói.

Có hơn 30% học sinh dân tộc Xêtiêng ở vùng biên giới nhưng Tiểu học Thiện Hưng B 10 năm liền đạt danh hiệu tiên tiến. Năm học nào cũng có học sinh giỏi cấp tỉnh, huyện và nhiều giải thưởng: Cờ vua, bóng bàn, cầu lông, bóng đá mini; nhiều năm đoạt giải nhất, nhì toàn đoàn Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện.

Ở Thiện Hưng B, khi có học sinh bỏ học, Ban giám hiệu cử giáo viên là người dân tộc thiểu số đến nhà các em tìm hiểu nguyên nhân, làm công tác tư tưởng để vận động các em, phân tích cho cha mẹ các em hiểu rõ cần cho con đi học. Sau đó, ban vận động của trường kết hợp cùng già làng, trưởng ấp đến thăm và vận động tiếp. Quà hỗ trợ cũng được trường gửi kịp thời đến gia đình trong ngày để tạo niềm vui, sự phấn khởi. Trước ngày nghỉ tết Nguyên đán, trường trích quỹ tổ chức liên hoan và hứa sau tết sẽ có liên hoan. Các quỹ vận động từ thiện xã hội trường đều dành cho điểm có học sinh dân tộc thiểu số cao như ở Thiện Cư. Các giáo viên là người Xêtiêng nhiều năm gắn bó với nghề dạy học như cô Ánh Dương, Thị Hương ngoài nhiệt tình vận động học sinh  ra lớp còn nuôi những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cho ăn ở trong nhà mình.

Một nguyên nhân khiến học sinh bỏ học là do các em học kém, nên trường luôn chú trọng phụ đạo cho học sinh yếu, thao giảng, dự giờ để tìm ra lỗ hổng kiến thức của các em. Hiệu trưởng Thung luôn hướng dẫn giáo viên phương pháp giảng dạy “lấy học sinh làm trung tâm”, tạo sự thân thiện giữa thầy và trò để các em gắn bó với trường, lớp.

Năm học 2005-2006, tỷ lệ học sinh bỏ học của Tiểu học Thiện Hưng B là 1,4%; năm học 2006-2007 tăng lên 3,4% (năm nhiều gia đình được nhận đất ở Tiểu khu 67). Từ năm học 2007 đến 2009 giảm còn 0,6% và từ năm 2009 đến nay (3 năm liên tiếp), Thiện Hưng B không còn học sinh bỏ học giữa chừng, giữ vững sĩ số 100% đến cuối năm học. 

P.Hà

  • Từ khóa
83289

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu