Thứ 6, 29/03/2024 09:12:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 06:34, 27/09/2016 GMT+7

Giữ rừng, cần cả hệ thống chính trị và cộng đồng

Nguyên Thủy
Thứ 3, 27/09/2016 | 06:34:00 94 lượt xem

BP - Theo báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2014-2020 được tổ chức ngày 13-9 vừa qua, toàn tỉnh hiện còn 176.625,58 ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, diện tích đất có rừng 159.342,79 ha và diện tích đất không có rừng 17.282,43 ha. Dù các cấp, các ngành, đặc biệt là các đơn vị chủ rừng đã tăng cường rất nhiều biện pháp, tuy nhiên công tác bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh vẫn đang gặp nhiều khó khăn, nhất là việc bảo vệ diện tích rừng đặc dụng.

Nhiều năm trước, Bình Phước là một trong những tỉnh xảy ra nạn phá rừng, vi phạm lâm luật nghiêm trọng trong cả nước. Nguyên nhân là do người dân từ các tỉnh miền núi phía Bắc ồ ạt di cư đến lập nghiệp. Đa phần dân di cư là hộ nghèo nên liều lĩnh phá rừng lấy đất sản xuất và đã xảy ra nhiều vụ xô xát giữa lâm tặc với lực lượng quản lý, bảo vệ rừng. Vì thế, diện tích rừng giảm nhanh, có năm tỉnh mất hàng ngàn héc ta rừng. Những năm gần đây, lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm, thực hiện nhiều biện pháp tổng hợp để giữ rừng và tăng cường trồng rừng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm lâm luật vẫn ở mức cao. Năm 2015, dù đã giảm 37 vụ vi phạm so với năm 2014, tuy nhiên toàn tỉnh vẫn xảy ra 262 vụ và 8 tháng năm 2016, toàn tỉnh xảy ra 106 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Điều này cho thấy công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh không hề đơn giản.

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, những năm qua, các huyện, thị có rừng đã phối hợp nhiều lực lượng, từ công an, bộ đội, dân quân tự vệ, quản lý thị trường cùng lực lượng biên phòng, hải quan tăng cường tuần tra, canh gác. Trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn, huyện Bù Đốp vẫn mạnh dạn thực hiện đề xuất của Hạt kiểm lâm huyện đóng tàu thủy công suất 300 mã lực để bảo vệ rừng hiệu quả hơn. Nhiều mô hình liên kết, tự quản rất hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng đã được nhân rộng. Tuy nhiên, do nguồn lợi khai thác từ rừng rất lớn nên rừng vẫn luôn hấp dẫn đối với những kẻ chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt cho riêng mình mà bất chấp những hiểm họa từ việc tàn phá rừng.

Không riêng gì Bình Phước, nhìn ra các tỉnh có rừng, công tác quản lý, bảo vệ vẫn rất gian nan. Tại Kon Tum hiện vẫn còn khu rừng đặc dụng Đắk Uy - một khu rừng độc nhất vô nhị tại Việt Nam hiện nay, nơi có quần thể gỗ trắc với hàng trăm cây lâu năm rất quý hiếm. Để những cây gỗ quý không trở thành “miếng mồi ngon” đối với lâm tặc, cán bộ kiểm lâm phải kéo bóng đèn lên cây và phân công nhau trực đêm để canh gác. Thế nhưng vẫn chưa thể bảo đảm an toàn nên vừa qua, UBND tỉnh Kon Tum đã quyết định xây dựng tường rào với kinh phí 27 tỷ đồng để bảo vệ khu rừng này. Rồi tại Lâm Đồng, mới trong tháng 8 năm nay, đoàn cán bộ liên ngành trong lúc đang làm nhiệm vụ bảo vệ rừng đã bị lâm tặc tấn công khiến 1 người chết, 2 người bị thương.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2014-2020 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm đã thể hiện quyết tâm cao của tỉnh trong việc giữ vững diện tích rừng hiện có. Nhưng để thực hiện được quyết tâm ấy, đòi hỏi không chỉ sự nỗ lực của lực lượng bảo vệ rừng mà cần tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cả cộng đồng cùng quyết tâm thực hiện.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu