Thứ 7, 20/04/2024 07:18:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 06:02, 07/02/2016 GMT+7

Giữ nguồn sáng cho xuân thêm nồng ấm

Chủ nhật, 07/02/2016 | 06:02:00 153 lượt xem

BP - Với nhiều người, tết là dịp nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả. Nhưng với những người thợ điện, tết đến, xuân về là khoảng thời gian tất bật và áp lực công việc cao hơn ngày thường rất nhiều. Bởi thời điểm này nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao. Để những ngày tết không bị ảnh hưởng vì sự cố mất điện, quá tải... ngành điện đã lập kế hoạch, bố trí nhân lực để bảo trì, sửa chữa, tăng cường kiểm tra đường dây và trạm biến áp, vệ sinh sứ để người dân vui xuân trọn vẹn.

TẾT MUỘN

Những người làm trong ngành điện lực có lẽ đã quen với việc đón tết muộn. Bởi, khi mọi người đang quây quần bên bữa cơm tất niên chiều cuối năm và chuẩn bị đón giao thừa thì cán bộ, nhân viên ngành điện lại phải sẵn sàng trực mọi nơi, mọi lúc từ phòng điều độ đến vận hành, kỹ thuật... đảm bảo tối đa cho người dân vui xuân đón tết. Mặc dù không đón giao thừa cùng người thân nhưng những người thợ điện luôn cảm thấy tự hào vì đã góp công sức bảo đảm cho các gia đình đón xuân trọn vẹn.

Treo mình lơ lửng vài tiếng đồng hồ trên trụ điện để làm nhiệm vụ

Anh Lê Chí Lưu, Đội trưởng Đội vận hành, quản lý đường dây, Trạm biến áp điện lực Bù Đốp kể: “Ngày đưa ông Táo về trời năm 2003, chúng tôi nhận được hồ sơ thi công gắn đồng hồ điện kế cho 150 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Bình Hà 2, xã Đa Kia (Bù Gia Mập). Thời gian gấp rút nhưng không thể để người dân phải chịu cảnh đèn dầu trong đêm giao thừa, anh em trong đội động viên nhau làm việc cật lực, mỗi người một việc. Và chiếc đồng hồ cuối cùng được lắp xong cũng là 23 giờ 30 phút đêm 30 tết. Đêm giao thừa năm ấy, cả thôn Bình Hà 2 sáng rực, người dân ai cũng phấn khởi vì đây là lần đầu tiên họ được đón tết dưới ánh điện. Thu dọn đồ đạc, chúng tôi quay về đón giao thừa muộn tại đơn vị, dù không nói ra nhưng anh em trong đội thi công ai cũng cảm nhận được hạnh phúc lan truyền từ nhân dân và thấy lòng mình khoan khoái hơn...”.

Mỗi người một nghề, mỗi nghề một công việc, mỗi công việc có những chuyện vui buồn khác nhau. Đối với thợ điện thì lại càng khó khăn, nguy hiểm gấp bội. Đó là những lúc treo mình lơ lửng trên các trụ điện cao chót vót, lúc vận chuyển từng trụ điện, kéo dây băng rừng đưa ánh sáng về thôn, ấp... Khi có sự cố xảy ra lại không quản nắng mưa, ngày đêm túc trực khắc phục sự cố thật nhanh để cung cấp điện trở lại cho khách hàng. Thế nhưng, chỉ cần một sơ suất nhỏ thì hậu quả dẫn đến là không lường. Vì vậy, ngành điện đòi hỏi người thợ có tính tỉ mẩn, kỹ càng mới theo được nghề.

KHÓ KHĂN KHÔNG NẢN

Trưa cuối năm, thời tiết Bình Phước vào cao điểm mùa khô, trời nắng như đổ lửa, chúng tôi có mặt tại công trình thi công lắp đặt trạm biến áp ở xã Minh Hưng (Chơn Thành). Trên trụ điện cao, anh Huỳnh Tấn Nhã, nhân viên Đội vận hành quản lý đường dây và trạm biến áp Điện lực Chơn Thành vừa thoăn thoắt đấu nối dây vừa nói vọng xuống: “Chẳng có cây nào như cây cột điện cả, không cành lá, chỉ có tôi ở trên đầu trụ điện thôi”. Lúc này, nắng nóng đã lên 390C nhưng các anh phải phơi mình làm việc nhiều giờ liền trên trụ điện. Một cán bộ kỹ thuật tại công trình chia sẻ, lịch cắt điện để sửa chữa, thi công đường dây, lắp đặt trạm biến áp... đã được quy định và thông báo trên phương tiện truyền thông. Việc thi công, sửa chữa không thể kéo dài hơn thời gian đã thông báo nên chúng tôi phải làm việc trong mọi điều kiện và hoàn cảnh để đóng điện đúng giờ cho người dân sử dụng.

Nhân viên đội vận hành, quản lý đường dây và trạm biến áp Điện lực Chơn Thành đang lắp đặt hệ thống đo đếm Trạm biến áp 3 pha tại xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành

Anh Nguyễn Cư, nhân viên Đội quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp Điện lực Chơn Thành cho biết: “Ăn cơm trên trụ điện là chuyện bình thường đối với chúng tôi, bởi leo lên leo xuống rất mất thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ công việc. Ngoài ra, làm nghề này, anh em sợ nhất là vận chuyển trụ, kéo đường điện vào những ấp vùng sâu, xa. Năm 2001, chúng tôi thi công công trình lưới điện hạ thế vào ấp 1, xã Minh Hưng với chiều dài khoảng 600m. Do địa hình phức tạp, nhiều vị trí xe cẩu không vào đến nơi, chúng tôi phải dùng sức để kéo đường dây và vận chuyển từng trụ điện qua các con suối nhỏ, lô cao su. Công việc vất vả, vì vậy đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe, lòng kiên nhẫn và yêu nghề”.

Nhân viên Điện lực Bình Phước khắc phục sự cố gãy cột điện do tai nạn giao thông

Một mối nguy hiểm khác thường rình rập đối với thợ điện là bị ong chích khi đang ở trên trụ điện. Bởi bên trong trụ rỗng nên ong hay làm tổ. Thân cột điện có nhiều lỗ để cắm vào trèo thì ong sẽ bay ra chích. Nếu buông đuổi ong thì có nguy cơ rơi xuống đất, còn chịu trận thì có người phải đi cấp cứu. Tuy nhiên, khi bị ong chích bất ngờ, theo phản xạ tự nhiên phải dùng tay để xua đuổi, gây nguy hiểm tính mạng thợ điện. Năm 2009, khi thi công nâng cấp đường điện, anh Mai Văn Võ (nhân viên Đội vận hành quản lý đường dây và trạm biến áp Điện lực Bù Đốp bị ong chích khắp người ngay trên trụ điện. Anh Võ chịu trận cho đàn ong bu vào chích, hậu quả anh phải điều trị mất cả tuần mới hết sưng.

CỨU ĐIỆN NHƯ CỨU HỎA

Địa bàn Bình Phước chủ yếu là đồi núi, rừng cao su, cây ăn trái... Vào mùa mưa thường xảy ra gió, lốc xoáy kèm theo sấm sét nên thợ điện phải thường xuyên khắc phục sự cố. Năm 2008, ở xã Tân Thành (Bù Đốp) xảy ra lốc xoáy, mái tôn của nhà dân bay vào đường dây làm chập điện tuyến 479 Lộc Ninh dẫn đến mất điện toàn huyện. Sau khi sự cố xảy ra, Điện lực Bù Đốp huy động 30 người đến hiện trường khắc phục tới 12 giờ đêm mới xong. Đối với những trường hợp này, thợ điện phải làm việc thông tầm, lao động trong mọi hoàn cảnh để sớm cung cấp điện trở lại cho nhân dân sinh hoạt và sản xuất.

“Năm 2015 toàn tỉnh xảy ra 156 sự cố, trong đó 73 sự cố kéo dài, 75 sự cố thoáng qua và 8 sự cố cháy máy biến áp. Để đảm bảo cung cấp đủ nguồn điện sáng cho người dân đón tết Bính Thân 2016, ngành điện đã kiểm tra lưới điện, bảo trì đường dây, thay thế các trạm biến áp đối với trạm quá tải, chuẩn bị những vật tư cần thiết dự phòng và tăng cường lực lượng tổ trực điện để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra”.

Ông Đặng Xuân Trường, Phó Giám đốc Điện lực Bình Phước

Ông Nguyễn Vũ Anh Khoa, Giám đốc Điện lực Chơn Thành cho biết: “Trên địa bàn tỉnh có nhiều khu công nghiệp, nếu mất điện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân. Vì vậy, chúng tôi bố trí lực lượng thay phiên nhau trực 24/24 giờ để ứng phó nhanh khi có sự cố xảy ra. Công việc của chúng tôi không kể ngày đêm, nắng mưa lúc nào cũng sẵn sàng lên đường ngay”. Tháng 11-2014, lốc xoáy càn qua thị trấn Chơn Thành làm đổ gãy 2 trụ điện gây mất điện trên diện rộng. Lúc xảy ra sự cố đã gần 6 giờ tối, trời mưa lớn. Nhưng khi nhận được tin báo, các anh nhanh chóng tới hiện trường và bắt tay vào công việc, quên hết mọi nguy hiểm đang rình rập. Sau 5 tiếng đồng hồ khắc phục sự cố, các anh đã cung cấp điện trở lại cho người dân.

Mỗi lần sự cố xảy ra trong rừng sâu, các anh phải mang vác dụng cụ và lội bộ cả vài cây số trong rừng, lô cao su để tìm vị trí xảy ra sự cố. Nhớ năm 2009, khách hàng tại ấp Mười Mẫu, xã Phước Thiện (Bù Đốp) gọi điện báo mất điện. Do địa hình khu vực xảy ra sự cố phức tạp, các anh phải băng rừng, lội suối kiểm tra từng trụ điện mới phát hiện bị sét đánh bể sứ. Anh Vũ Đức Võ, nhân viên Đội quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp Điện lực Bù Đốp, có hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề xử lý sự cố điện chia sẻ: “Ngoài sức khỏe, yêu nghề và tinh thần lúc nào cũng phải sẵn sàng, khẩn trương, người làm nghề này phải có kinh nghiệm và kỹ thuật quan sát phát hiện sự cố nhanh nhất”.

Thùy Hương

  • Từ khóa
53467

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu