Thứ 6, 19/04/2024 03:26:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 07:24, 24/11/2016 GMT+7

Giữ hồn sử thi trước nhịp sống hiện đại

Thứ 5, 24/11/2016 | 07:24:00 129 lượt xem
BP - Từng là “món ăn” tinh thần không thể thiếu như gạo, muối trong đời sống hằng ngày của đồng bào S’tiêng nay sử thi đang dần bị mai một trước nhịp sống hiện đại. Số người biết hát, kể sử thi hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ở thôn Bù Gia Phúc 2, xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập) chỉ còn cụ Chhen (87 tuổi) thuộc nhiều sử thi và dân ca S’tiêng nhưng không biết truyền lại cho ai vì lớp trẻ ít quan tâm đến loại hình này.

Ở tuổi 87, Cụ Chhen vẫn còn minh mẫn lắm! Giọng nói cụ khỏe khoắn, có thể hát kể sử thi nhiều giờ liên tục mà không mệt. Bí quyết để cụ có hơi kể dài, khỏe là từ nhỏ đến giờ cụ ăn rau rừng, uống nước suối và chăm chỉ làm rẫy.

KHÔNG CÒN MÔI TRƯỜNG DIỄN XƯỚNG SỬ THI

Sử thi là sự hòa trộn của ngôn ngữ với giai điệu thơ ca, chứa đựng nhiều hình ảnh mang tính biểu cảm sâu sắc. Hát kể sử thi đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người S’tiêng xưa. Người hát kể sử thi và người nghe có thể ngồi thâu đêm suốt sáng bên bếp lửa hồng. Qua sử thi, người nghe biết được quan niệm về sự ra đời của trời, đất, con người, tín ngưỡng, mối quan hệ trong cộng đồng, phong tục, tập quán, sự hình thành và phát triển đời sống xã hội.

Cụ Chhen trăn trở vì lớp trẻ không chịu nghe, học sử thi

Cụ Chhen kể: “Sử thi theo tiếng gọi S’tiêng là Ta Pât. Trước kia trong làng con cháu muốn nghe hát kể phải mời người thuộc nhiều Ta Pât về nhà kể. Một câu chuyện Ta Pât có thể kéo dài từ đêm này qua đêm khác. Cuộc sống chủ yếu trên rẫy nên già được nghe, được giải thích về lời hát từ người già trong làng. Người S’tiêng không có chữ viết nên sử thi được truyền miệng từ đời này sang đời khác và ghi nhớ bằng trí óc của mình”.

“Trong những đêm lễ hội, già trẻ trong làng thường ngồi quây quần bên ánh lửa để nghe kể sử thi. Đó là những câu chuyện kể về anh hùng, những chàng trai vạm vỡ, uy nghi, mạnh mẽ làm những việc phi thường. Tiền công trả cho người hát kể Ta Pât là một con heo, con trâu hoặc xà lung. Già thuộc nhiều bài Ta Pât nhưng giờ lớn tuổi rồi, hơi cũng yếu, quên đi một số câu hát. Ngày trước, trong các buổi sinh hoạt văn hóa truyền thống, ngày nào cũng hát, cũng nghe thì nhớ, chứ bây giờ không thấy ai hát nữa, lễ hội cũng ít dần... Con cháu già bận đi học, đi làm rẫy, không quan tâm đến Ta Pât nữa. Tụi nó kêu khó nhớ, khó thuộc nên không chịu học” - cụ Chhen trăn trở.

BẢO TỒN VĂN HÓA ĐẶC TRƯNG CỦA DÂN TỘC

Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc S’tiêng” giai đoạn 2013-2018 do UBND huyện Bù Gia Mập xây dựng và triển khai nhằm hình thành một thế hệ nghệ nhân người S’tiêng, giúp lớp trẻ hiểu biết về sử thi, làn điệu dân ca, dân vũ và sử dụng nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Người trực tiếp truyền dạy là nghệ nhân, sau đó tạo lập không gian diễn xướng cho cồng, chiêng, nhạc cụ dân gian, làn điệu dân ca, dân vũ phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân.

Anh Điểu Vinh (21 tuổi), thành viên đội văn nghệ cho biết: “Từ khi tham gia câu lạc bộ cồng chiêng, tôi hiểu hơn về văn hóa dân tộc. Cồng chiêng không đơn thuần là nhạc cụ, mà còn là tài sản quý giá của mỗi gia đình, dòng họ. Vui nhất là được đem tiếng cồng chiêng cùng điệu múa mượt mà của dân tộc mình đi giao lưu với các dân tộc khác. Học sử thi khó lắm chứ đâu dễ như học chữ. Có những câu trong sử thi sâu sắc quá tôi không hiểu. Tôi muốn học nhưng không theo được”.

Nghệ nhân Điểu Kiêu biết chơi nhạc cụ từ năm 18 tuổi. Ông là nghệ nhân nổi tiếng với cây kèn bầu, sáo, đàn ống... và thuộc nhiều làn điệu dân ca của dân tộc S’tiêng. Nghệ nhân Điểu Kiêu có thể chơi được tất cả nhạc cụ dân tộc S’tiêng cũng như hiểu ý nghĩa của từng âm thanh. Trực tiếp tham gia lớp truyền dạy âm nhạc, múa truyền thống và dạy hát dân ca cho thế hệ con cháu, nghệ nhân Điểu Kiêu cho rằng: “Hiện nay, phần lớn người biết hát sử thi đã lớn tuổi, già yếu, không còn nhớ hết các trường đoạn. Người già không có môi trường diễn xướng sẽ quên, người trẻ không được nghe thì sẽ không biết đến sử thi. Trước nhịp sống hiện đại, sự trao đổi thông tin và giao lưu văn hóa giữa các dân tộc được đẩy mạnh, nếu không bảo tồn và lưu giữ được bản sắc riêng thì dễ mất đi giá trị truyền thống của dân tộc”.

Ngân Hà

  • Từ khóa
92454

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu