Thứ 5, 18/04/2024 15:25:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 11:28, 30/06/2016 GMT+7

Giữ gìn từng tế bào của xã hội

Thứ 5, 30/06/2016 | 11:28:00 104 lượt xem

BP - Ngày 28-6-2016 là kỷ niệm 15 năm Ngày gia đình Việt Nam. Một nhà tư tưởng phương Tây khẳng định: “...Không thể phá bỏ gia đình, nếu gia đình tan rã thì nhân loại sụp đổ”. 15 năm qua, 28-6 luôn là ngày hội của các gia đình, là ngày tôn vinh hạnh phúc gia đình, khẳng định vai trò của hạnh phúc gia đình đối với sự phát triển của xã hội. Đã có hàng vạn gia đình tiêu biểu được tuyên dương trong những ngày hội đó. Năm nay, trong ngày này, tác giả bài viết xin được nêu lên một thực trạng trong xã hội hiện nay mà tất cả những ai quan tâm tới tế bào nhỏ nhất nhưng cũng quan trọng nhất, khó bị phá vỡ nhất của xã hội, đều không khỏi giật mình. Đó là những nguy cơ đổ vỡ gia đình.

Ngày 27-6-2016, trên trang 2 Báo Bình Phước đăng tin “Bình Long: 6 tháng, án hôn nhân - gia đình tăng 30 vụ”. Trong bản tin có số liệu thống kê: 6 tháng đầu năm 2016, Tòa án nhân dân thị xã Bình Long thụ lý 255 vụ án các loại. Đáng chú ý là trong số 255 vụ, có đến 156 vụ án là hôn nhân và gia đình, chiếm 61,18%. So với năm 2015, án hôn nhân và gia đình tăng 30 vụ (156/126). Nguyên nhân tăng chủ yếu do mâu thuẫn gia đình không thể giải quyết được.

Theo số liệu tổng điều tra dân số mới nhất của ngành chức năng, thị xã Bình Long có 59.448 người, 14.450 hộ. Như vậy, có thể thấy, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, cứ khoảng 100 gia đình ở Bình Long thì có 1 gia đình phải ra tòa giải quyết án về hôn nhân và gia đình. Theo số học, năm 2016 cứ 100 gia đình thì có 2 gia đình, nếu tính theo một chu kỳ 5 năm sẽ có 10% số gia đình ở Bình Long phải ra tòa giải quyết án về hôn nhân và gia đình. Đây là một tỷ lệ sẽ khiến các nhà xã hội học, quản lý xã hội không khỏi lưu tâm. Và đáng lưu tâm hơn nữa, Bình Long không phải là trường hợp cá biệt ở Bình Phước hay Việt Nam, mà là thực trạng chung trong cả nước hiện nay.

Mâu thuẫn gia đình không thể giải quyết được dẫn tới phải ra tòa ngày một nhiều cho thấy sự bền chặt trong kết cấu gia đình truyền thống của người Việt đang bị tác động rất mạnh, thậm chí kết cấu truyền thống ấy đang đứng trước nguy cơ bị phá vỡ. Bên cạnh nhiều vấn đề khác nữa, có một vấn đề rất đáng lo ngại là tình trạng bạo lực trong gia đình có xu hướng ngày một tăng. Hậu quả của nó không chỉ dừng lại ở việc đổ vỡ một gia đình, mà còn đem đến những gánh nặng cho xã hội khi án mạng giữa các thành viên trong một nhà, thậm chí cha - con, vợ - chồng sát hại nhau ngày một nhiều...

Xã hội phương Tây đề cao vai trò cá nhân, tính độc lập cao, kết cấu gia đình không bền vững... nhưng chuẩn mực hạnh phúc và sự tác động của gia đình đối với cộng đồng cũng quan trọng không khác ở xã hội phương Đông. Và một khi tỷ lệ lên tới 61,18% số án thụ lý là hôn nhân và gia đình thì cho dù ở phương Tây hay phương Đông hay phương nào đi nữa, chứ không chỉ ở Việt Nam, Bình Phước hay Bình Long, cũng nói lên một thực tế rằng kết cấu gia đình đã ở mức “báo động”.

Tất cả những điều đó cho thấy, vấn đề gia đình và việc bảo vệ hạnh phúc gia đình - bảo vệ những tế bào tạo nên một xã hội - đã, đang và phải được đặt lên bàn các nhà quản lý xã hội ở Bình Long nói riêng, ở Bình Phước và ở Việt Nam nói chung. Và vấn đề này cần sớm được giải đáp để có thể xây dựng một đất nước Việt Nam có những gia đình “no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội”.

 Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu