Thứ 5, 28/03/2024 17:04:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 12:22, 27/09/2019 GMT+7

Gìn giữ và phát huy nghệ thuật hát then, đàn tính

Thứ 6, 27/09/2019 | 12:22:00 718 lượt xem
BP - Không phải là nơi sản sinh ra nghệ thuật đàn tính, hát then nhưng nhiều năm qua, đồng bào dân tộc Tày, Nùng từ các tỉnh phía Bắc vào lập nghiệp ở ấp Suối Binh, Suối Đôi, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú đã gìn giữ, phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống này. Tháng 10-2018, Câu lạc bộ (CLB) đàn tính, hát then được thành lập tại xã Đồng Tiến, từ đó “tiếp lửa” thêm cho môn nghệ thuật truyền thống của đồng bào Tày, Nùng ngày càng phát triển.

Khoảng năm 1991, nhiều hộ dân tộc Tày, Nùng từ các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng vào Bình Phước lập nghiệp, xây dựng cuộc sống mới. Thời gian đầu, đồng bào chủ yếu canh tác lúa nước, hoa màu, thu nhập còn thấp. Thế nhưng với bản tính cần cù, ham học hỏi, nhiều hộ đồng bào ở các ấp Suối Binh, Suối Đôi đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng phù hợp điều kiện tự nhiên và đạt hiệu quả kinh tế cao.

CLB Đàn tính, hát then ở xã Đồng Tiến duy trì hoạt động đều đặn và tham gia biểu diễn tại các hội thi, dịp lễ, tết

Ngoài chăm lo phát triển kinh tế, người dân trong ấp còn quan tâm bảo tồn, phát huy nghệ thuật đàn tính, hát then. Sau những giờ lao động, người dân lại tụ họp cùng đàn, hát cho nhau nghe. Bà Lục Thị Đàm (55 tuổi), Chủ nhiệm CLB Đàn tính, hát then cho biết: Trong dịp lễ, tết, bà con cùng quê càng gắn bó với nhau hơn thông qua các buổi tập luyện và biểu diễn đàn tính, hát then. Khi mới thành lập, CLB có 24 thành viên, đến nay thu hút thêm 5 thành viên và đã đi giao lưu biểu diễn trong, ngoài xã. Tôi luôn trăn trở thực trạng lớp trẻ bây giờ không thích chơi đàn tính, hát điệu then. Vì vậy, ngoài thời gian làm vườn rẫy, các thành viên CLB tập hợp các cháu nhỏ để truyền dạy nghệ thuật hát then, đàn tính. Mỗi khi có dịp đi biểu diễn giao lưu, các thành viên đều vận động các cháu tham gia để học hỏi.

Ông Lý Văn Tính từ tỉnh Cao Bằng vào Bình Phước lập nghiệp năm 1992, là một trong những người đầu tiên tham gia thành lập CLB Đàn tính, hát then. Ông cho biết: “Chúng tôi xa quê hương nhưng không vì thế mà quên đi bản sắc văn hóa dân tộc. Chúng tôi gắn bó với nhau bằng cây đàn, lời hát sau những ngày lao động mệt nhọc và quan trọng hơn để gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc mình”.

Am hiểu và yêu môn nghệ thuật đàn tính, hát then, bà Triệu Thị Bườn, Phó chủ nhiệm CLB luôn mong muốn điệu then mãi vút cao trên đất Bình Phước để thế hệ người Tày, Nùng sau ở Bình Phước vẫn được thưởng thức. Đến nay, bà Bườn cùng các thành viên CLB đã sáng tác hàng chục bài hát then ca ngợi quê hương Bình Phước, Đồng Phú và trang phục biểu diễn ở các hội thi. Lời then trong những sáng tác được chắt lọc với lời thơ trữ tình, giàu nhạc điệu nhưng rất đỗi bình dị và mang hơi thở cuộc sống. Bà Bườn nói: “Hiện nay, kinh phí hoạt động của CLB do các thành viên đóng góp. Một tháng sinh hoạt 2 lần, trang phục mang từ ngoài quê vào, còn đàn thì CLB đặt thuê thợ làm, mỗi cây đàn công làm khoảng 300 ngàn đồng, còn nguyên liệu làm từ cây bầu tự trồng”.

Hiện nay, tại 2 ấp Suối Binh, Suối Đôi có nhiều trẻ em tham gia CLB đàn tính hát then. Em Nông Thị Mai (13 tuổi) nói: Cha mẹ em đều biết đánh đàn tính, hát then. Ban đầu, em thấy đàn tính rất khó học nhưng từ khi tham gia CLB, được sự truyền dạy nhiệt tình của các cô, chú trong CLB, em đã hiểu và yêu đàn tính, yêu những bài hát ca ngợi quê hương, đất nước.

Chị Đặng Thị Xuân Nhạn, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đồng Tiến cho biết: Phong trào văn nghệ đàn tính, hát then của đồng bào Tày, Nùng tại Suối Binh, Suối Đôi đang phát triển. CLB hoạt động rất tích cực, đã mang lời ca, tiếng đàn đến mọi người, giúp xua đi nỗi vất vả sau ngày làm việc và còn tham gia biểu diễn tại các hội thi, ngày lễ, tết...

Cẩm Nhung

  • Từ khóa
94069

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu