Thứ 6, 29/03/2024 01:27:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:43, 05/03/2015 GMT+7

Giàu bất thường là phạm pháp

Thứ 5, 05/03/2015 | 09:43:00 102 lượt xem
BP - Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi vừa được Bộ Tư pháp - cơ quan chủ trì soạn thảo công bố để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, ngành. Điểm mới đáng ghi nhận trong dự thảo đã hình sự hóa một số hành vi, trong đó có hành vi hoàn toàn mới và khá nhạy cảm, đó là làm giàu bất chính.

Cụ thể, tội làm giàu bất hợp pháp là trường hợp tài sản của một công chức tăng đáng kể so với thu nhập hợp pháp của họ mà khi được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu, họ không giải thích được một cách hợp lý về sự tăng đáng kể đó. Nói cách khác, khi quan chức, công chức giàu lên một cách nhanh chóng mà không thể lý giải một cách hợp lý nguồn gốc của tài sản tăng thêm này (tức là giàu lên một cách bất thường) thì sẽ bị coi là có hành vi làm giàu bất chính - tức là tham nhũng.

Điểm mới này được dư luận đồng tình, vì thực tế hiện nay đã và đang xuất hiện nhiều trường hợp cá nhân (quan chức) giàu lên một cách nhanh chóng mà không thể lý giải hợp lý nguồn gốc tài sản tăng thêm này. Điều đó cho phép chúng ta nghi ngờ về một sự làm ăn không minh bạch, vi phạm pháp luật hoặc phạm tội trước đó... Trong khi đó, Bộ luật Hình sự hiện hành chỉ có quy định tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 250) và tội hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có (Điều 252).

Tuy nhiên, cả hai tội này, muốn kết tội đều phải chứng minh hành vi phạm tội nguồn. Nếu không chứng minh được thì không thể xử lý hành vi giàu lên nhanh chóng mà không chứng minh được nguồn gốc. Và chính hạn chế này của hai điều luật nói trên đã tạo cơ hội để những người có chức vụ, quyền hạn tham nhũng hoặc tham nhũng rồi tẩu tán tài sản cho người thân. Do đó, muốn chống tham nhũng thì việc hình sự hóa hành vi này sẽ là phương thuốc hữu hiệu để chống lại tội phạm tham nhũng.

Hơn nữa, xuất phát từ thực tế của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay, việc bổ sung hành vi này là phạm tội là cần thiết. Về vấn đề này, các chuyên gia pháp luật đều cho rằng, việc hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính là hết sức cần thiết và phù hợp với yêu cầu của Công ước quốc tế về phòng chống tham nhũng mà Việt Nam là một thành viên. Đồng thời, nếu việc hình sự hóa hành vi này thành hiện thực thì sẽ tạo ra đột phá trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng - thể hiện ở việc triệt tiêu được động cơ của hành vi tham nhũng, cũng như các hành vi phạm tội khác, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tham nhũng ở Việt Nam.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi khi hình sự hóa hành vi này thì rất cần có thời gian để triển khai các giải pháp khác như: quản lý thu nhập qua tài khoản, thực hiện việc tăng lương, nâng cao thu nhập cho công chức, viên chức và người lao động… Do đó, việc Bộ Tư pháp đề nghị bổ sung thêm điều luật quy định về tội làm giàu bất chính (Điều 251a) vào dự luật, nhưng điều luật này chưa có hiệu lực ngay mà đề ra lộ trình áp dụng sau 3-5 năm là rất phù hợp với thực tế ở nước ta hiện nay.

Đoàn Nhất

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu